Cập nhật: 19/07/2019 15:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

10 năm tới, Bình Dương xác định du lịch đường sông là sản phẩm chiến lược; tập trung duy trì và ưu tiên phát triển du lịch theo ba không gian.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Dương vừa phối hợp với Tập đoàn khách sạn Becamex Hospitality và Tạp chí Du lịch tổ chức Hội nghị Giới thiệu du lịch Bình Dương. Với những lợi thế riêng, du lịch đường sông nằm trong định hướng phát triển du lịch đã được lãnh đạo Sở VH-TT-DL Bình Dương công bố tại Hội nghị.

Khu du lịch sinh thái Thủy Châu, Bình Dương được nhiều du khách lựa chọn.

Với vị trí thuận lợi, chỉ cách Trung tâm TP HCM khoảng 30km, tỉnh Bình Dương có thể dễ dàng liên kết với các thành phố lớn và các nước trong khu vực. Đặc biệt, địa bàn tỉnh là nơi giao thoa của 3 con sông là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé, tạo nên những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, những vườn cây trái xanh mướt, thích hợp với loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở VH-TT và DL Bình Dương, vùng đất này hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch: “Điều kiện trước mắt để du lịch Bình Dương phát triển điều đầu tiên là vị trí địa lý thuận tiện, gần thành phố lớn. Trên Quốc lộ chính tạo điều kiện cho du khách đến Bình Dương được dễ dàng hơn, ngoài đường bộ, đường sông rất là gần. Về du lịch Bình Dương, trong thời gian qua cũng đã dần phát triển, đồng hành, nhất là sau khi du lịch ở Đại Nam phát triển rất là nhiều loại di tích rất lớn và rất nhiều loại sản phẩm. Qua đó, thu hút lượng du lịch rất lớn đến Bình Dương. Bình Dương cũng có một số di tích văn hóa, di tích danh thắng và những vườn trái cây ăn trái nổi tiếng”.

Thời gian qua, tình hình hoạt động của ngành du lịch Bình Dương có những bước tiến, tổng doanh thu du lịch gia tăng qua các năm. Năm 2017, tỉnh thu hút 4,55 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 1.280 tỷ đồng; năm 2018, thu hút 4,75 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 1.360 tỷ đồng. Trong 10 năm tới, Bình Dương đã xác định du lịch đường sông là sản phẩm chiến lược của tỉnh; tập trung duy trì và ưu tiên phát triển du lịch theo ba không gian. Không gian phía Nam gồm khu vực thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An và một phần thị xã Bến Cát sẽ phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, du lịch văn hóa với các di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề, tâm linh, tín ngưỡng; vui chơi giải trí…Không gian phía Tây Bắc gồm khu vực hồ Dầu Tiếng, núi Cậu, hành lang sông Sài Gòn… sẽ tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái. Không gian phía Đông dọc theo lưu vực sông Đồng Nai, sông Bé thuộc thị xã Tân Uyên và huyện Phú Giáo sẽ được quy hoạch để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, thể thao cao cấp.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở VH-TT và DL Bình Dương cho biết: “Theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch làm mũi nhọn, Bình Dương xác định du lịch là ngành quan trọng, mang tính chủ đạo. Trên cơ sở đó, Sở cũng đang xây dựng kế hoạch nhất là mở rộng điểm du lịch, nâng cấp khang trang, thu hút khách hơn. Thứ 2 là phát triển đường sông và xây dựng các bến. Bến này qui hoạch đã có và hiện nay đang triển khai và kêu gọi luôn thu hút các đầu tư về bến đỗ tàu du lịch phục vụ cho du lịch”.

Sở VH-TT và DL Bình Dương kỳ vọng đến năm 2030, ngành du lịch địa phương sẽ được xếp vào nhóm địa phương có du lịch phát triển mạnh trong cả nước và khu vực./.

Theo Huyền Trang/VOV.VN

Tệp đính kèm