Sau lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa, rằng “ngay từ bây giờ nói không với rác thải nhựa” hôm 9.6 vừa qua, P.V Văn Hóa đã trở lại với Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam) để tìm cho ra “bí quyết” thành công “Nói không với túi ni lông”…
Bằng nhiều biện pháp khác nhau, đến nay xã đảo Cù Lao Chàm là địa phương duy nhất thực hiện thành công "Nói không với túi nilon". Trong ảnh: Người đẹp tham gia phát túi nứa kêu gọi bảo vệ môi trường tại Cù Lao Chàm Ảnh: KHÁNH CHI
Năm 2009, ngay sau khi được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cù Lao Chàm là địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng mô hình điểm “Giảm thiểu sử dụng túi ni lông”. Sau 10 năm thực hiện, đến nay Cù Lao Chàm là địa phương duy nhất thực hiện thành công “Nói không với túi ni lông” và hiện cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước cam kết nói không với ống hút nhựa.
Câu chuyện thành công nơi đây trong hành trình hướng đến “Zero Waste” - Cuộc sống không rác thải được chính những người trong cuộc nhìn nhận bắt nguồn từ sự phối hợp chặt chẽ của những yếu tố then chốt: Cộng đồng-Chính quyền địa phương cùng với sự góp sức của truyền thông.
Bắt đầu từ “trong nhà”
Sau lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa, rằng “ngay từ bây giờ nói không với rác thải nhựa” hôm 9.6 vừa qua, chúng tôi đã trở lại với xã đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam) để tìm cho ra “bí quyết” thành công “nói không với túi ni lông”…
Du khách dùng giỏ nhựa đi chợ thay vì dùng túi ni lông
Trong hành trình nói không với túi ni lông và rác thải nhựa ở Cù Lao Chàm được bắt đầu từ việc vận động “người nhà”, cộng đồng cư dân trên đảo bằng những hành động rất cụ thể, thiết thực như ngừng xả rác, không tạo ra các sản phẩm là rác mà không có khả năng tái chế, khó phân huỷ. Đến xã đảo này, nhìn đâu cũng dễ dàng bắt gặp cảnh người dân, tiểu thương sử dụng các vật liệu sinh thái, thân thiện với môi trường như túi giấy, túi lưới, rổ rá để đi chợ; dùng các loại lá như lá chuối, lá môn, lá bàng, các loại lá có trên đảo để gói hàng hóa thay túi ni lông.
Chị Nguyễn Thu Trà, chủ quán nước ở Bãi Làng nhớ lại: Chừng 10 năm trước nghe cán bộ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đến tuyên truyền hạn chế túi ni lông cứ như nghe chuyện lạ ở đâu đó. Nhưng nghe mấy “ổng” tuyên truyền miết, tuyên truyền đến mức mình thuộc lòng từng câu chữ rồi tập phân loại rác thải tại nguồn, dần dần người dân đã hiểu được. Từ chỗ hiểu, người dân nơi đây đồng lòng cùng với chính quyền thực hiện “nói không với túi ni lông” như phân loại rác tại nguồn, xách giỏ đi chợ, làm phân hữu cơ tại hộ gia đình... Từ thành công “nói không với túi ni lông”, năm 2018 nơi đây tiến tới nhân rộng, vận động người dân và du khách không sử dụng ống hút nhựa, hưởng ứng hành trình để Cù Lao Chàm tiến đến “Zero Waste” - Cuộc sống không rác thải.
Quán nước của chị Trà cũng là một trong những quán nước đầu tiên ở đảo hưởng ứng và triển khai thí điểm việc không sử dụng ống hút nhựa. Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tặng quán chị Trà hơn 1.000 ống hút làm từ cỏ sậy và khoai mì để thay thế cho ống hút nhựa. “Hồi mới bắt đầu làm, dân và khách cũng hay hỏi lấy gì thay túi ni lông. Rồi đến ống hút nhựa, khách cũng hỏi rứa thì hút bằng cái chi. Cuối cùng thì dân trên đảo cùng với cán bộ cũng tìm ra những vật liệu thân thiện với môi trường có thể thay thế được những vật dụng nhựa. Rứa là yên tâm vận động du khách ra đảo cùng hưởng ứng”, chị Trà chia sẻ.
Theo khảo sát của cơ quan chức năng đến nay 100% người dân xã đảo Cù Lao Chàm nhận thấy giá trị, ý nghĩa của môi trường xanh - sạch - đẹp, 85% đánh giá ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao, 80% nhận thấy Cù Lao Chàm được khách du lịch tới đông hơn, 25% người dân nhận rõ thu nhập bình quân có tăng lên khi tham gia hoạt động nói không với túi ni lông tại địa phương.
Phát giỏ nhựa miễn phí cho người dân sử dụng đi chợ
Chính quyền vào cuộc rất kiên trì, quyết liệt
Khởi nguồn từ một phong trào hưởng ứng ngày “nói không với túi ni lông” vào năm 2009, và đặc biệt là sự vào cuộc có thể nói rất kiên trì, quyết liệt của chính quyền xã đảo nên phong trào không dừng lại “phong trào” mà nó thật sự được nhân rộng, triển khai thành một chiến dịch và có sức lan tỏa ngày càng lớn, được người dân, du khách, doanh nghiệp hưởng ứng nhiệt tình.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Mỹ Hương, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, “phải nói thật trong những năm đầu thực hiện cũng gặp không ít khó khăn vì người dân vẫn chưa hiểu rõ. Nhưng chính quyền không buông mà tiếp tục vận động, đến từng nhà, gõ từng cửa để tuyên truyền”. Từ đó chương trình đã đem lại một kết quả hết sức khả quan, dần dần phong trào đi vào đời sống của cộng đồng cư dân trên đảo khi nào không hay. Tuy nhiên, trong những năm gần đây lượng khách đến với Cù Lao Chàm ngày một đông, một số vẫn chưa ý thức nên còn mang theo rất nhiều vật dụng như túi ni lông, hộp xốp, ly, đĩa nhựa, chai nhựa. Thêm vào đó là việc kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng một số bãi biển và dưới đáy biển vẫn còn rác thải ni lông, các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa rất nhiều, ảnh hưởng đến môi trường, đa dạng sinh học tại vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển.
Tiểu thương ở chợ dùng các loại túi giấy, lá để gói hàng thay cho túi ni lông
Để phong trào thực sự đi vào quy chuẩn, bà Hương cho rằng chính quyền đã quyết tâm cùng với cộng đồng triển khai chiến dịch không dùng túi ni lông và tuyên truyền sâu rộng đến du khách cùng người dân không sử dụng túi ni lông trên đảo. Năm 2010, xã thành lập đội kiểm tra liên ngành để chuyên giám sát vi phạm sử dụng túi ni lông để phong trào ngày càng đi vào quy chuẩn với phương châm “Vì một xã đảo xanh - sạch - đẹp”. Du khách khi ra đảo sẽ được các thành viên đội liên ngành kiểm tra, nhắc nhở việc không mang túi ni lông lên đảo. Nếu lỡ mang theo thì sẽ thay túi lưới cho du khách. Các túi ni lông thu gom lại sẽ tập kết ở bãi rác và vận chuyển vào đất liền xử lý. Du khách đều vui vẻ chấp hành.
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt 1 - 2 triệu đồng, tiểu thương thì ở mức dao động 300 - 500 nghìn đồng. Riêng hộ gia đình thì xã tổ chức nhắc nhở, phê bình trước toàn dân, đồng thời cắt danh hiệu gia đình văn hóa. Tỷ lệ những vụ vi phạm ngày càng thấp xuống. Từ năm 2010-2012, cả xã chỉ có 25 vụ vi phạm. Và từ đó đến nay số vụ vi phạm rất ít, đếm được trên đầu ngón tay. Như thôn Bãi Hương hoàn toàn không có vụ việc vi phạm dùng túi ni lông xảy ra trong vài năm lại đây.
* Hằng năm phát cho mỗi hộ gia đình 2 giỏ xách, màu đỏ để đựng thịt, cám, màu xanh chứa rau, củ, giúp người dân thuận tiện mang đi chợ, hạn chế túi ni lông.
* Bài học “Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông” cho thấy, yếu tố quyết định sự thành công chính là làm thế nào để mỗi người dân tự ý thức về tác hại, thay đổi dần thói quen cho đến khi hành động “không sử dụng túi ni lông” trở thành thói quen.
Để có được kết quả như bây giờ tôi xin thưa thật là chẳng có “bí quyết” gì đâu. Chỉ có điều khi đã quyết tâm rồi thì phải cố làm cho bằng được. Và một điều quan trọng nữa là phải nhận được sự đồng thuận của cả cộng đồng.
(Bà Phạm Thị Mỹ Hương, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp)
Theo KHÁNH CHI/baovanhoa.vn