Cập nhật: 26/07/2019 11:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở làng Hà Ðông, Quảng Thái, Quảng Xương (Thanh Hóa), Hữu Thảnh sớm thể hiện khả năng hội họa của mình và thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Việt Bắc.

Ký họa chiến trường “Không cho nó thoát” của Hữu Thảnh.

Ngay sau khi tốt nghiệp, anh tình nguyện nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường miền nam trong những năm chống Mỹ, cứu nước. Có mặt ở các chiến trường nóng bỏng, Hữu Thảnh có nhiều sáng tác tranh cổ động với hình thức ký họa để tuyên truyền, động viên quân và dân ta. Ðây cũng là nguồn tư liệu quý cho các sáng tác thành công sau này của họa sĩ về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.

Là một họa sĩ chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, các sáng tác của Hữu Thảnh rất vững về hình họa, chắc về bố cục, hài hòa mầu sắc, giúp người xem dễ cảm thụ với nội dung đa dạng, truyền cảm, phản ảnh cuộc sống chiến đấu gian khổ của người lính trên nhiều chất liệu sơn dầu, bột mầu, thuốc nước, nổi bật nhất là cách vẽ biểu trưng và ký họa bằng bút sắt kết hợp với thuốc nước.

Ở mảng tranh cổ động, với nguồn tư liệu thực tế, Hữu Thảnh có khá nhiều tác phẩm thể hiện sinh động về tư tưởng, tình cảm cách mạng của các lực lượng vũ trang và đời sống chính trị - xã hội đương đại. Hàng trăm bức tranh của ông ở các khổ kích thước lớn, nhỏ phục vụ công tác tuyên truyền thông qua các hình thức xuất bản, tranh tường, tranh giấy, giới thiệu trên báo chí, đều được công chúng yêu thích và cảm thụ một cách trân trọng. Nhiều sáng tác của Hữu Thảnh với hình thức bích họa phóng to trên pa-nô treo tường ở các đơn vị vũ trang và địa điểm công cộng, ca ngợi Ðảng, Bác Hồ và người lính... có sức hấp dẫn, thuyết phục cao.

Do cách chọn chủ đề và phương pháp thể hiện thông qua đường nét khỏe khoắn, mầu sắc tươi sáng, bố cục chặt chẽ, hài hòa giữa không gian và nhân vật trong tranh làm cho tác phẩm có sức truyền cảm và lan tỏa cao. Nhiều mẫu tranh cổ động của ông được nhân bản thông qua in ấn xuất bản trên các báo, tạp chí, bản tin được bạn đọc đón nhận và lấy đó làm tư liệu tuyên truyền. Bên cạnh tranh cổ động, Hữu Thảnh còn có hàng trăm tranh châm biếm đả kích, phê phán, đấu tranh với những âm mưu, hành động của các thế lực thù địch, chống phá cách mạng, đồng thời có cả mảng tranh vui về đời sống xã hội.

Bên cạnh những thành công ở thể loại tranh cổ động, tranh vui, châm biếm đả kích, Hữu Thảnh được nhiều người trong giới mỹ thuật và công chúng biết đến ở thể loại ký họa. Ðây là một cách thức lấy tư liệu thông qua vẽ trực tiếp để có cơ sở thực tế xây dựng tác phẩm cho tranh hội họa sơn dầu, sơn mài, bột mầu hay là tranh cổ động. Họa sĩ Hữu Thảnh ký họa rất có bài bản, chuẩn xác cả về định hình đường nét và cách phối mầu nước. Có thể nói, ông bộc lộ tài năng rõ nét nhất của mình ở các tác phẩm ký họa. Nhiều ký họa trong chiến đấu và sinh hoạt của bộ đội trên các cánh rừng Trường Sơn hay ở bưng biền Nam Bộ đã gần như trở thành một tác phẩm hoàn chỉnh, ghi dấu những khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc đời người lính.

Trong đó, tiêu biểu là các tác phẩm ký họa: Không cho nó thoát, Hành quân,… với cách vẽ bút sắt, đường nét dứt khoát, đậm nhạt rõ ràng, phối mầu nước có độ nhòe hợp lý với hình khối sáng, tối rất hài hòa. Hữu Thảnh hiện lưu giữ hơn 400 bức ký họa chiến trường và người lính trong những năm tháng chiến tranh. Nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên truyền hình, báo chí hoặc được sử dụng làm tư liệu bố cục cho tranh sơn dầu nổi tiếng như bức Người thợ cơ khí… Không ít tranh dự các triển lãm và nhận được các giải thưởng mà phần lớn cũng là đề tài về lực lượng vũ trang. Hữu Thảnh còn là đồng tác giả của nhiều biểu tượng, đài kỷ niệm khác cho ngành công an.

Khi trao đổi với đồng nghiệp về nghề, họa sĩ Hữu Thảnh thường tâm sự: "Nghệ thuật là phải sáng tạo, dày công nghiên cứu, ký họa nhiều mới có tư liệu làm tác phẩm đẹp. Trong sáng tác, tôi rất tránh sự sao chép, dập khuôn, phải khổ công tìm tòi, đổi mới cách tiếp cận tư liệu để biểu đạt tạo hình cho tác phẩm lớn sau này". Trong cuộc sống và lao động nghệ thuật, Hữu Thảnh là một người rất khiêm tốn, chịu khó lắng nghe, tiếp thu ý kiến đúng sai để hoàn thiện, chỉnh sửa tác phẩm nghệ thuật của mình có chất lượng cao hơn.

Đến nay đã vào độ tuổi "xưa nay hiếm", nhưng họa sĩ Hữu Thảnh vẫn say mê với những chuyến đi thực tế lấy ký họa để nghiên cứu, phác thảo xây dựng các tác phẩm mà ông đang ấp ủ. Các bạn nghề và công chúng cũng mong muốn sẽ sớm được thưởng thức những sáng tác mới của ông.

HỌA SĨ HOÀNG HOA MAI

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm