Tại kỳ họp thứ bảy vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 42/2019/QH14). Đây là văn bản luật được Quốc hội thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm kịp thời luật hóa các nghĩa vụ phải thi hành ngay theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đối với Việt Nam.
Quy định mới tạo thuận lợi cho các nhà khoa học trong việc nộp đơn đăng ký sáng chế. Ảnh: TRẦN QUANG
Hiệp định CPTPP có những yêu cầu về sở hữu trí tuệ (SHTT) mà pháp luật quốc gia chưa có hoặc đã có nhưng quy định khác. Trong đó, một số nghĩa vụ phải thực hiện ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực và một số nghĩa vụ có thời gian chuyển tiếp từ ba đến 5 năm. Các nội dung liên quan SHTT trong Luật số 42/2019/QH14 tập trung vào năm nhóm vấn đề lớn, bao gồm: Cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; ngoại lệ về tính mới của sáng chế; hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu; các đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa là chỉ dẫn địa lý; bảo vệ quyền SHTT. Về cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, bên cạnh việc nộp đơn đăng ký trực tiếp hoặc qua bưu điện bằng bản giấy, thì Luật số 42/2019/QH14 cho phép đơn nộp dưới dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến. Quy định sửa đổi này nhằm thực thi Hiệp định CPTPP và phù hợp lộ trình xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử. Với nền tảng công nghệ thông tin và hệ thống mạng in-tơ-nét được triển khai rộng khắp như hiện nay, việc triển khai việc nộp đơn trực tuyến tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân không tốn thời gian, chi phí đi lại và in ấn các loại giấy tờ.
Một trong những tiêu chuẩn quan trọng của việc bảo hộ sáng chế là tính mới. Luật số 42/2019/QH14 quy định việc mở rộng ngoại lệ về tính mới, đó là: sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được người có quyền đăng ký hoặc người có được thông tin về sáng chế một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ người đó bộc lộ công khai với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp tại Việt Nam trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bộc lộ sáng chế. Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết, so với quy định cũ, việc tính thời hạn bộc lộ sáng chế trong các trường hợp ngoại lệ tăng từ sáu tháng lên 12 tháng, giúp người nộp đơn sáng chế có thêm thời gian để cân nhắc các lợi ích của đăng ký sáng chế và hoàn thiện hồ sơ đăng ký sáng chế. Quy định này rất có lợi cho các nhà nghiên cứu, bởi sau khi nghiên cứu thành công các công trình, họ thường vội công bố trên các tạp chí quốc tế danh tiếng rồi mới đăng ký sáng chế. Việc công bố có thể làm mất tính mới của sáng chế.
Luật số 42/2019/QH14 quy định bổ sung hành vi sử dụng nhãn hiệu của bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu cũng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chính chủ sở hữu nhãn hiệu. Bên cạnh đó, hợp đồng sử dụng nhãn hiệu không phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp. Điều này có nghĩa là, hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu được ký kết giữa hai bên đương nhiên có hiệu lực và giá trị pháp lý đối với bên thứ ba. Trước đây, để hợp đồng sử dụng nhãn hiệu có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba, bắt buộc hợp đồng phải được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước. Quy định mới sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí cho các bên và bảo đảm quyền xác lập, sử dụng nhãn hiệu.
Liên quan chỉ dẫn địa lý, Luật số 42/2019/QH14 quy định bổ sung về căn cứ phát sinh, xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, luật cũng cụ thể hơn các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý, như: Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam; chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đã được nộp theo đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa. Ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng chỉ dẫn địa lý (Cục SHTT) cho biết, quy định này bảo đảm cơ sở pháp lý để xử lý các đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý; xác định rõ đối tượng bảo hộ; làm rõ thẩm quyền trong việc đánh giá tên gọi chung của hàng hóa tại Việt Nam; có hướng xử lý đối với đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý sử dụng ngôn ngữ khác ngữ hệ la-tinh. Qua đó, quá trình áp dụng pháp luật được thống nhất, đẩy nhanh quá trình thẩm định đơn, đáp ứng nhu cầu đăng ký chỉ dẫn địa lý ngày càng tăng.
Để bảo vệ chủ thể quyền SHTT khi có hành vi xâm phạm quyền, Luật số 42/2019/QH14 bổ sung một số nội dung: quyền yêu cầu tòa án buộc nguyên đơn thanh toán chi phí thuê luật sư hoặc các chi phí khác trong vụ kiện xâm phạm quyền SHTT nếu bị đơn được Tòa án kết luận là không thực hiện hành vi xâm phạm quyền; quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền SHTT của tổ chức, cá nhân khác; căn cứ xác định theo các cách tính khác do chủ thể quyền SHTT đưa ra trong việc xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền SHTT; nghĩa vụ của cơ quan hải quan trong việc cung cấp thông tin cho chủ thể quyền SHTT trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra quyết định áp dụng biện pháp hành chính để xử lý đối với hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu và hàng hóa sao chép lậu. Các quy định này góp phần xây dựng hệ thống thực thi quyền SHTT hiệu quả, khuyến khích hoạt động sáng tạo đổi mới. Quá trình xét xử các tranh chấp dân sự về quyền SHTT cũng sẽ có nhiều căn cứ hơn để xem xét mức bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, tòa án phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra mức bồi thường thỏa đáng, thẩm phán phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực SHTT để đáp ứng yêu cầu xét xử. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, mới tham gia thị trường phải thận trọng trong sản xuất, kinh doanh, tránh xâm phạm quyền của người khác, có thể dẫn đến nguy cơ phá sản do mức bồi thường thiệt hại lớn.
Các yêu cầu đặt ra trong Hiệp định CPTPP và các quy định trong Luật số 42/2019/QH14 là nhằm bảo đảm hệ thống SHTT minh bạch, hiện đại và cân bằng lợi ích của chủ sở hữu tài sản trí tuệ và xã hội, tạo thuận lợi trong quá trình xác lập, thực thi quyền sở hữu công nghiệp. Các nghĩa vụ có thời gian chuyển tiếp quy định trong Hiệp định CPTPP dự kiến sẽ được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2021.
Theo MINH HÀ/nhandan.com.vn