Theo ThS, BS Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, có một số vị trí trên cơ thể khi xuất hiện nốt ruồi nên tẩy sớm để tránh nguy cơ ung thư hóa. Tuy nhiên, nếu tẩy nốt ruồi không nguy hiểm không đúng cách, cũng có nguy cơ mắc ung thư.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương mỗi ngày tiếp nhận hàng chục ca bệnh nhân tới phẫu thuật cắt nốt ruồi. Đa phần các trường hợp bệnh nhân đến loại bỏ nốt ruồi là vì nhu cầu thẩm mỹ.
Trong số đó, trung bình 1-2 ca bệnh tới để khắc phục hậu quả sau khi tẩy nốt ruồi tại các tiệm cắt tóc, gội đầu, cơ sở làm đẹp không bảo đảm chất lượng.
ThS, BS Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, hầu hết các nốt ruồi trên cơ thể đầu không cần thiết phải loại bỏ vì nó gần như không ảnh hưởng tới chức năng. Việc tẩy nốt ruồi hay loại bỏ nốt ruồi chỉ nên loại bỏ khi nốt ruồi đó khi ảnh hưởng về chức năng, ác tính hóa, thẩm mỹ.
Bản chất của nốt ruồi là tổn thương tế bào sắc tố da, những tế bào này có nguy cơ nhất định về ung thư hóa. Trong đó, nốt ruồi bẩm sinh khổng lồ có nguy cơ tiến triển ung thư cao nhất, tỷ lệ 13%. Bên cạnh đó, ở một số vị trí như lòng bàn tay, bàn chân, vùng bán niêm mạc, trên đầu,… nốt ruồi cũng được xem là có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Vì vậy, nếu bệnh nhân tới khám có nốt ruồi ở vị trí này, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân phẫu thuật càng sớm, càng tốt.
ThS, BS Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Cũng theo BS Sơn, các nốt ruồi ở vị trí khác khi có sự thay đổi nhất định cũng trở thành dấu hiệu cảnh báo ung thư như thay đổi về kích thước - những nốt ruồi bẩm sinh nhưng lớn nhanh hơn sự phát triển của cơ thể; Thay đổi về màu sắc: đang đậm chuyển nhạt, đang nhạt chuyển đậm hoặc chuyển loang lổ, xuất hiện thêm màu khác; Thay đổi về bề mặt: nốt ruồi đang nhẵn nhui, nhô hẳn lên; Thay đổi về ranh giới: nếu như đường viền ngoài của nốt ruồi bị mờ, không rõ nét đường biên giữa da và nốt ruồi, khác thường với các nốt ruồi khác thì đó cũng có thể là cảnh báo ung thư. Các thương tổn của khối u ác tính thường là nguyên nhân làm mờ các đường biên của nốt ruồi lạ trên da. Ngoài ra, một số triệu chứng khác như viêm, chảy máu, loét ngứa,... từ nốt ruồi, cũng cần lưu ý đến nguy cơ ung thư.
Theo bác sĩ Sơn, nguy cơ ung thư hóa có thể xảy khi chọn phương pháp loại bỏ nốt ruồi kém an toàn. Bởi vì, tế bào sắc tố của nốt ruồi có thể bị kích thích dẫn tới tình trạng ung thư hóa.
Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều trường phái khác nhau để loại bỏ nốt ruồi như: phẫu thuật, đốt laser, dùng hóa chất. Phương pháp cắt bỏ nốt ruồi, để lại sẹo nhỏ, có tính thẩm mỹ cao được ưa chuộng tại Mỹ và châu Âu nhưng chi phí phẫu thuật cao.
Ở châu Á, phương pháp hủy nốt ruồi bằng laser đang được dùng phổ biến vì phương pháp này nhanh và giá rẻ. BS Sơn cho hay, nhược điểm của laser sẽ không loại bỏ được hoàn toàn tổn thương. Nếu đốt nông thì có thể còn tổn thương, đốt sâu sẽ để lại sẹo xấu. Bản thân các tế bào sắc tố khi bị kích thích sẽ có nguy cơ bị ung thư hóa.
Loại bỏ nốt ruồi bằng hóa chất giá cực rẻ, có thể loại bỏ được tổn thương. Nhưng nguy cơ có thể để lại sẹo xấu, sẹo lõm… do không kiểm soát được hóa chất dùng.
Bác sĩ Sơn khuyến cáo, các loại bỏ nốt ruồi an toàn hiện nay là phẫu thuật cắt bỏ tổn thương nốt ruồi. Đây là một tiểu phẫu có thể làm tại cơ sở thành thạo về kỹ thuật và bảo đảm về chuyên môn.
Theo LAM NGỌC/nhandan.com.vn