Vải lụa tơ tằm Việt Nam nổi tiếng mềm mịn và mượt mà, tương truyền có từ thời đại các vua Hùng, còn dệt thổ cẩm gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số trên khắp cả nước.
Kéo tơ tằm dệt lụa tại làng nghề Vạn Phúc, Hà Nội. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)
Từ ngày 7-9/8, Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam-thế giới lần thứ 5, năm 2019 sẽ diễn ra tại Hội An (Quảng Nam).
Đây là sự kiện có ý nghĩa thiết thực, góp phần tôn vinh nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống Việt Nam, quảng bá, giới thiệu dệt lụa, thổ cẩm truyền thống của Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, vải lụa tơ tằm Việt Nam tương truyền có từ thời đại các vua Hùng, được các thế hệ cha ông truyền dạy cho con cháu đời sau.
Lụa tơ tằm được đông đảo người Việt Nam yêu thích sử dụng bởi chất vải mềm mịn, mượt mà và hoàn toàn tự nhiên.
Từ những gia đình đơn lẻ làm lụa tơ tằm dần dần dẫn đến có những làng nghề trồng dâu nuôi tằm, chuyên sản xuất lụa phục vụ nhu cầu của vua chúa, quan lại thời phong kiến, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, đến nay, ở Việt Nam vẫn còn một số làng lụa đang hoạt động và phát triển như Vạn Phúc-Hà Nội, Nha Xá-Hà Nam, Mã Châu-Quảng Nam, Tân Châu-An Giang, Bảo Lộc-Lâm Đồng…
Lụa Vạn Phúc được vua chúa thời phong kiến Việt Nam ưa thích vì màu sắc tươi sáng, hoa văn đặc sắc. Ngay từ thời Pháp thuộc, lụa Vạn Phúc đã có mặt ở châu Âu.
Ngày nay, lụa Vạn Phúc được dùng để may đủ các loại trang phục khác nhau, kể cả đồ hiện đại được giới trẻ ưa chuộng. Lụa Tân Châu tỉnh An Giang khi dệt xong được nhuộm màu bằng trái mặc nưa, làm cho lụa Tân Châu đen tuyền, óng ả.
Lụa Tân Châu có sự mềm mại, dai, bền và hút ẩm cao. Hiện nay, người làng lụa Tân Châu không ngừng học hỏi, đổi mới công nghệ và ý tưởng mới, tạo ra nhiều mẫu mã mới, đẹp đáp ứng được nhu cầu của khách hàng…
Còn dệt thổ cẩm thường gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam khắp các vùng miền của đất nước.
Đồng bào các dân tộc dệt thổ cẩm chủ yếu dùng trong đời sống hằng ngày như may trang phục váy, áo cho phụ nữ; khố, áo cho đàn ông; khăn đội đầu, tấm đắp, tấm địu con, túi đựng đồ dùng…
Nghệ nhân Nông Thị Thược (Cao Bằng) với các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)
Các sản phẩm thổ cẩm đã thể hiện sự khéo léo, sự sáng tạo, thẩm mỹ của người dệt cùng với nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc thể hiện trên hoa văn, kỹ thuật dệt được đồng bào lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Đến nay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của nhiều đồng bào dân tộc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đó là nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Hrê, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi; dệt Dèng - một loại thổ cẩm truyền thống lâu đời của dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế); Nghề dệt thổ cẩm và Vũ điệu Tâng Tung Ya Yă của đồng bào Cơ Tu tỉnh Quảng Nam…
Chất liệu cũng như hoa văn độc đáo của dệt thổ cẩm các vùng miền đã được nhiều nhà thiết kế thời trang ứng dụng vào các bộ sưu tập thời trang trình diễn trong nước và quốc tế.
Tiên phong và mạnh mẽ nhất trong sử dụng chất liệu thổ cẩm phải kể đến nhà thiết kế Minh Hạnh.
Vừa qua, Minh Hạnh đã mang 70 bộ trang phục thổ cẩm, 35 bộ áo dài tới trình diễn một buổi duy nhất trong chương trình "Sắc màu Việt Nam" tại Bảo tàng Quốc gia nghệ thuật các dân tộc phương Đông của Liên bang Nga nhân Quốc khánh Nga…
Trong Tuần lễ thời trang Thu đông 2019 vừa qua, nhiều nhà thiết kế trẻ đã mang lụa Việt Nam, thổ cẩm miền Trung vào trang phục kết hợp với in, thêu 3D trên lụa hay các phương pháp wash (giặt mài) hóa chất, đá... để làm mới các chất liệu này.
Ví dụ như bộ sưu tập của nhà thiết kế Xuân Hạo, sử dụng chất liệu thổ cẩm của khu vực miền Trung (Quảng Trị), đưa hình ảnh các đền đài, kiến trúc Huế vào sản phẩm để tạo nên một phong cách riêng.
Nhãn hàng GenViet lại đưa những mảnh đắp thổ cẩm của người Mạ và M’Nông lên chất liệu vải jeans mạnh mẽ, hiện đại.
Theo Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/festival-ton-vinh-van-hoa-to-lua-tho-cam-viet-nam-tai-hoi-an/587352.vnp