Việc áp dụng thành công kỹ thuật “đốt u phổi bằng vi sóng”, BV Phổi Trung ương đã giúp bệnh nhân ung thư phổi có thêm cơ hội điều trị, kéo dài sự sống.
Theo TS.BS Cung Văn Công, “ưu điểm của phương pháp này là không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn khuyến cáo với những bệnh nhân u phổi kèm khí phế thũng nặng; bệnh nhân rối loạn đông, thiếu máu; bệnh nhân nhiễm trùng máu; mắc các bệnh hệ thống hay vị trí u quá khó để tiếp cận cần được hội chẩn trước khi áp dụng kỹ thuật này”.
Một ca đốt u phổi bằng vi sóng tại Bệnh viện Phổi Trung ương
Ít xâm lấn, an toàn và hiệu quả
U phổi luôn là nỗi lo sợ của người bệnh ung thư phổi và là thách thức đối với ngành y khoa. Hiện nay, ung thư phổi là loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất ở nam giới và thứ nhì ở nữ giới (sau ung thư vú). Dự báo năm 2020, Việt Nam trung bình mỗi ngày có tới 90 ca mắc mới ung thư phổi, việc điều trị ung thư phổi thường phải phối hợp nhiều phương thức, rất tốn kém và khó khăn.
Ung thư phổi có thể quan sát qua những tấm ảnh X quang ngực và chụp cắt lớp vi tính. Cách thức chẩn đoán là làm sinh thiết và thường được thực hiện bằng nội soi phế quản hay theo chỉ dẫn của chụp cắt lớp.
Việc điều trị và kết quả lâu dài phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn bệnh (mức độ lây lan của khối u), và sức khỏe của người bệnh. Hiện các phương pháp chữa trị phổ biến gồm có phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Mới đây, ngành y khoa đã có thêm phương pháp mới có thể giúp tiêu diệt tế bào u tại chỗ một cách nhanh chóng, trong thời gian ngắn. Đó là phương pháp “đốt u phổi bằng vi sóng” dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính hay còn gọi là kỹ thuật “đốt u bằng vi sóng”. Bệnh viện phổi Trung ương là đơn vị đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á có thiết bị và đã triển khai thành công kỹ thuật này từ tháng 2/2018.
Theo TS.BS Cung Văn Công, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phổi Trung ương, phương pháp này đã được phát triển vài năm ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh…, giúp bệnh nhân chịu ít xâm lấn, giảm thiểu những tác hại đến sức khỏe và việc điều trị cũng đơn giản hơn.
Điều trị đốt u phổi bằng vi sóng là hình thức gây hoại tử khối u tại chỗ bằng nhiệt. MWA sử dụng sóng điện từ trong quang phổ năng lượng vi sóng (300 MHz - 300 GHz) để tạo ra hiệu ứng làm nóng tổ chức mô trong khoảng thời gian đủ gây chết tế bào và hoại tử trong khu vực mô quan tâm. Hiệu ứng nhiệt sẽ gây đông vón, hoại tử và gây chết tế bào trong phạm vi tác động của sóng ngắn. Toàn bộ khối u sẽ bị tiêu diệt trong khoảng thời gian tối đa 10 phút.
“Khi sóng ngắn được truyền vào khối u, sẽ làm cho các phân tử nước ở đó tăng dao động, cọ xát và sinh nhiệt (nhiệt độ tích tụ lên 80-85, thậm chí 90 độ C, sẽ gây chết tế bào ung thư). Do vậy, chỉ những chỗ nào có nước được cắm cây kim vào mới tăng nhiệt độ. Trong khi xung quanh khối u này là khí, cho nên nhiệt độ xung quanh nhu mô phổi sẽ không tăng, giúp bảo vệ an toàn những phần phổi lành xung quanh. Với kỹ thuật mới này các bệnh nhân ung thư phổi sẽ có thêm cơ hội được điều trị hiệu quả và kéo dài sự sống”, TS.BS Cung Văn Công nhấn mạnh.
Hy vọng mới cho người mắc bệnh phổi
Bệnh nhân nam (80 tuổi, quê Thái Nguyên) là một trong gần 20 ca được áp dụng thành công kỹ thuật “đốt u phổi bằng vi sóng” tại BV Phổi Trung ương. Bác sĩ Công cho biết, cách đây 10 năm, BN này đã cắt thùy bên trái do u tại viện này. Lần này, BN xuất hiện thêm khối u lớn thùy dưới phổi phải. Khi sinh thiết, BN bị ung thư phổi biểu mô tuyến. Sau khi vào BV Phổi Trung ương, BN được xạ trị và khối u còn 5cm. Tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ đã chỉ định đốt u phổi đối với BN này.
“Vì bệnh nhân có khối u lớn, các bác sĩ phải chia thành 2 liệu trình đốt để đảm bảo kết quả tối đa. Sau khi thủ thuật được thực hiện, suốt 3 tuần sau đó, vùng đốt hoại tử dần. 1 tháng sau, phim Xquang ngực chụp lại cho thấy kết quả khả quan”, bác sĩ Cung Văn Công dẫn chứng.
“Đốt u phổi bằng vi sóng” dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính có thể nói là một kỹ thuật nằm trong nhóm điều trị đa mô thức ung thư phổi, tốc độ tiêu diệt tế bào u tại chỗ một cách nhanh nhất so với hóa trị, xạ trị và các phương pháp khác. Tuy nhiên, theo bác sĩ Cung Văn Công, kỹ thuật này chỉ được áp dụng đối với bệnh nhân khối u phổi nguyên phát ác tính hoặc nghi ngờ ác tính cao, có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 5cm hoặc bệnh nhân có những khối u phổi thứ phát (nốt vi căn phổi) có dưới hoặc bằng ba nốt. Những trường hợp có chỉ định phẫu thuật nhưng vì một lý do nào đó không muốn hoặc không thể phẫu thuật; hay những bệnh nhân khối u đã lớn, với mong muốn điều trị giảm nhẹ cũng có thể đốt bằng phương pháp này.
TS.BS Công cho biết, kỹ thuật này cũng có thể gây ra các biến chứng song thường ít gặp. Các biến chứng từ nhẹ đến nặng như: đau, sốt, tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, ho ra máu, viêm phổi, viêm thành ngực cũng đã được y văn đề cập. Tuy nhiên, nhờ tuân thủ chặt chẽ các bước theo quy trình thường quy ở BV Phổi Trung ương, gần 20 bệnh nhân được sử dụng kỹ thuật này đều ghi nhận khả quan, không có biến chứng, vẫn đang được theo dõi chặt chẽ.
“Hiện nay, số lượng bệnh nhân mắc bệnh phổi ho ra máu rất nhiều. Lợi dụng đặc điểm của vấn đề đông cầm máu khi sử dụng thiết bị đốt u phổi bằng vi sóng để chúng tôi có thể xử lý cấp cứu bệnh nhân. Đây là một ý tưởng rất mới, thậm chí y văn thế giới chưa nói tới. Nhưng, chúng tôi cũng đang ấp ủ và từng bước thử nghiệm, nếu như có tác dụng thì đó cũng là một giải pháp hiệu quả với những bệnh nhân ho ra máu mà không thể điều trị bằng nội khoa hoặc phẫu thuật”, TS Cung cho biết.
Theo Lưu Hường/Báo VOV.VN