Mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” chính là xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên biển, để mỗi con tàu là cột mốc sống trên biển quê hương.
Hai năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 triển khai mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” tại một số địa phương ven biển và huyện đảo ở khu vực phía Nam. Hoạt động này được ngư dân đón nhận và thu hút sự quan tâm, ủng hộ, đồng hành của các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền các địa phương, tạo nên sức mạnh tổng hợp hỗ trợ cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương.
12 ngư dân được trên tàu đánh cá số hiệu BTh-95066TS trong cơn sóng dữ được CSB cứu về bờ.
Một ngày mới bắt đầu, những đoàn thuyền lướt sóng ra khơi mang theo mong mỏi của ngư dân về một chuyến đi mưa thuận gió hòa, thuyền đầy tôm cá… Đối với ngư dân, biển chính là nguồn sống, nhưng nghề cá là một nghề vất vả lẫn hiểm nguy, khắc nghiệt.
Về cuộc đời đi biển, ông Huỳnh Tâm, ngư dân thôn phú An, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận kể: Cách đây ít tháng, ông và con trai cùng với 10 thuyền viên khác có lẽ không còn được trở về nhà, khi tàu đánh cá số hiệu BTh-95066TS bị nhận chìm trong cơn sóng dữ. Trong sự bế tắc, tưởng chừng như vô vọng giữa biển khơi thì tàu Cảnh sát biển kịp thời có mặt, đúng nghĩa là vị cứu tinh.
CSB trực tiếp đưa tàu sang Inddonesia tiếp nhận và đưa trên 1000 ngư dân Việt Nam bị nước bạn bắt giữ và trao trả trở về quê hương an toàn.
“Chiều hôm đó khoảng hơn 4 giờ chiều, anh em đang chới với sau nhiều giờ trôi dạt thì thấy một bóng trắng đi về hướng chúng tôi, khi định hình lại mới biết là anh em tàu cảnh sát biển nhận được tin chạy ra cứu. Nếu mà cảnh sát biển không xuống kịp thì gió thổi chúng tôi trôi ra xa qua đêm thì cũng không ai có thể cứu được. 12 thuyền viên trên ghe nếu không nhờ có mấy anh thì lúc đó cũng không thể sống sót...”, ông Tâm kể lại.
Chồng con trở về an bình sau vụ chìm tàu cá, có lẽ bà Trần Thị Thiếp, vợ ông Huỳnh Tâm là người mừng vui nhất, bà Thiếp xúc động kể lại: “Đợt đó, khi nghe tin ghe mình bị chìm ở nhà rất lo lắng, nhưng sau hay được là cảnh sát biển đã đến kịp thời để cứu chồng, con trai và cả những người thân khác trong gia đình tôi nên mừng lắm, chúng tôi rất cảm ơn”.
Tặng hàng chục ngàn cờ tổ quốc, tủ thuốc, áo phao cho ngư dân đánh bắt trên biển khu vực đảo Phú Quý.
Đó chỉ là 1 trong rất nhiều trường hợp ngư dân được lực lượng Cảnh sát biển kịp thời hỗ trợ. Suốt nhiều năm qua, lực lượng Cảnh sát biển thường xuyên tăng cường sự hiện diện trên biển hỗ trợ hàng trăm tàu thuyền ngư dân gặp tai nạn sự cố, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền quốc gia.
Vùng Cảnh sát biển 3 cũng kịp thời bảo vệ, hỗ trợ ngư dân khi bị tàu nước ngoài tấn công, phá tàu, lấy ngư cụ; cung cấp nước ngọt, lương thực thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu, lai kéo phương tiện trong những trường hợp cần thiết.
Đặc biệt vừa qua, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã trực tiếp đưa tàu sang Indonesia tiếp nhận và đưa trên 1.000 ngư dân Việt Nam bị nước bạn bắt giữ và trao trả, về quê hương an toàn.
Cán bộ chiến sỹ tuyên truyền pháp luật cho ngư dân huyện Ninh Hoà - Khánh Hoà.
Cảnh sát biển cũng đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về biển đảo, Luật biển Việt Nam, Luật biển của các nước có vùng chồng lấn, vùng biển giáp ranh để ngư dân không vi phạm.
“Trong thời gian tới đây, được sư quan tâm của Đảng, Nhà nước, lực lượng cảnh sát biển chúng tôi sẽ triển khai thêm nhiều địa điểm ứng trực trên biển tạo độ dày trên biển để khi ngư dân có yêu cầu hỗ trợ thì lực lượng cảnh sát biển chúng tôi sẽ có mặt được ngay”, Thiếu tướng Đỗ Hồng Đó, Chính uỷ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 nói.
Để tăng cường việc quan tâm, sát cánh với ngư dân, các địa phương ven biển, 2 năm qua, các hoạt động từ mô hình dân vận "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" đã được triển khai rộng khắp ở nhiều địa phương như: Khánh Hoà, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu và TPHCM. Vùng Cảnh sát biển 3 đã vận động và tranh thủ sự ủng hộ của 23 tổ chức chính trị- xã hội, doanh nghiệp, 24 cơ quan thông tấn báo chí từ trung ương đến địa phương tham gia.
Ông Lê Tấn Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận cho biết, năm 2019 này lần thứ 2, trong điều kiện sóng to gió lớn như thế này, đoàn công tác của cảnh sát biển vẫn cố gắng đến với bà con ngư dân của địa phương. Tinh thần đó đã tạo thêm động lực cho nhân dân và các lực lượng trên đảo.
Trung tướng Hoàng Văn Đồng - Chính ủy Cảnh sát biển VN tặng quà cho ngư dân huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
“Tôi thấy hoạt động đồng hành với ngư dân là chương trình rất sâu sắc ý nghĩa thể hiện sự gắn bó mối quan hệ quân dân các địa phương trong đó đăc biệt có đảo Phú Quý…”, ông Lực khẳng định.
Chỉ trong hai năm, Vùng Cảnh sát biển 3 đã cử hơn 1.257 lượt cán bộ, chiến sỹ với hàng ngàn ngày công lao động và hàng trăm triệu đồng giúp các địa phương ven biển làm mới, tu sửa hơn 10km đường giao thông, kênh, mương thuỷ lợi; vệ sinh môi trường, thu gom được hơn 20 tấn rác thải, trồng mới hơn 1 ngàn cây xanh; trao tặng hàng chục ngàn suất quà, phương tiện xe đạp, bình chữa cháy, cờ Tổ quốc, áo phao cá nhân, tủ thuốc, thùng đựng nước ngọt cho ngư dân...
Song song đó, Cảnh sát biển còn quan tâm, chăm lo cho gia đình chính sách, gia đình nghèo, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 1.250 người với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng...
“Chúng tôi đã cùng các địa phương tổ chức rút kinh nghiệm để tìm ra những điểm mạnh, yếu qua 2 năm triển khai hoạt động này, để làm như thế nào giúp mô hình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân ngày càng lan toả được rộng khắp ở các vùng biển đảo. Qua đó góp phần sát cánh cùng ngư dân, bảo đảm cho bà con yên tâm vươn khơi bám biển xây dựng kinh tế gia đình và địa phương:, Trung tướng Hoàng Văn Đồng, Chính uỷ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam nói.
Mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” chính là xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển, để mỗi con tàu của ngư dân trở thành cột mốc sống trên vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.
Những tổ đội đánh bắt trên biển chính là những làng bản, lũy thép nhiều tầng nhiều lớp, tích cực tham gia cung cấp thông tin tình hình an ninh, an toàn trên biển, kịp thời tố giác tội phạm cho các cơ quan chức năng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương./.
Theo Vinh Quang/VOV.VN