Cập nhật: 18/08/2019 08:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với ông, yêu là cho đi mà không hề nhận lại, yêu là lặng lẽ gom nhận mọi khổ đau, cay đắng riêng mình, chấp nhận bên lề hạnh phúc người mình yêu.

Là tác giả của nhiều bài thơ tình được bạn đọc yêu mến như: “Đơn phương”, “Thì anh lại sợ”, “Bên lề”, “Ví dầu”…, nhà thơ Phạm Đức nhỏ nhẹ và dịu dàng cả trong quan niệm tình yêu.

Với ông, yêu là cho đi mà không hề nhận lại, yêu là lặng lẽ gom nhận mọi khổ đau, cay đắng riêng mình, chấp nhận bên lề hạnh phúc người mình yêu. Ít ai nghĩ đó là tiếng lòng của một nhà thơ từng là người lính đi qua thời trận mạc…

Nhà thơ Phạm Đức.

Khi yêu mình không thể ác

PV: Thưa nhà thơ, ông từng viết: “Tôi mắc giữa tình yêu, như cá nhỏ - giữa bốn bề mắt lưới lao xao”. Cảm giác của ông như thế nào khi mắc giữa vòng lưới đó?

Nhà thơ Phạm Đức: Là cảm giác luôn tìm thấy điều mới lạ nhưng cũng thấy một cái gì đó vướng mắc, ràng buộc, níu kéo.  Như thế, tình yêu vừa có sức thu hút kỳ lạ, đem đến cho mình niềm vui, đồng thời cũng không ít trắc trở. Nhưng đó là thứ trắc trở ngọt ngào. Cái mất cũng là cái được, cái trắc trở cũng là một thứ hạnh phúc.

PV:Và nhà thơ không bao giờ từ chối để bơi vào lưới?

Nhà thơ Phạm Đức: Đúng vậy. Bởi khi mình còn yêu một người nào đó nghĩa là mình vẫn còn yêu cuộc đời. Cho nên tôi khuyên các bạn trẻ hãy luôn luôn yêu, vì khi yêu mình không thể ác được, khi yêu mình luôn yêu cuộc đời.

PV: Ở tuổi này ông có nhận thấy những sắc thái tình yêu, ngọn lửa tình yêu trong ông đã nhuốm màu thời gian không ạ?

Nhà thơ Phạm Đức: Ồ có lẽ không đâu, thậm chí tình yêu còn có những khía cạnh sâu sắc hơn. Ví như khi tôi nhìn những giọt mưa: “Gió vò rối mưa, ai vò rối ta” -  Đó là một câu thơ, có thể là một bài thơ hai câu về mưa và đó cũng là cái nhìn về tình yêu. Nếu các bạn quan sát lúc trời mưa, những hạt mưa trắng xóa bị gió thổi nghiêng ngả xiêu vẹo, đấy là bàn tay của gió vò nhàu đi. Còn câu hỏi “ai vò rối ta”, lúc đó trong lòng mình có thể có một nỗi buồn, một trắc trở nào đấy. Đi tới tình yêu luôn cực nhọc khó khăn, nhưng tình yêu đem lại sự đẹp đẽ, thậm chí hùng tráng nữa, mình cảm thấy mình vượt hẳn chính mình, vượt hẳn cái tuổi của mình. Ví như tuổi tôi bây giờ cũng thất thập rồi nhưng tôi vẫn cảm thấy mình trẻ trung lắm, chính là vì tôi nhìn qua lăng kính của người vẫn đang yêu…

Cầu mong cho người yêu hạnh phúc

PV: Tôi đoán chắc rằng khi đối diện với người phụ nữ mà ông có cảm tình thì ông vẫn đỏ mặt đấy ạ!

Nhà thơ Phạm Đức: Nếu tôi có cảm tình với ai tôi không dám nhìn lại (cười). Có lẽ mình sợ! Từ đó hình thành những bài thơ như “Thì anh lại sợ”, “Đơn phương” hay “Ví dầu”... Cái tạng của tôi thích ứng với một loại thơ như là mình nhấm nháp tình yêu chứ không phải hưởng thụ, giống như mình hưởng thụ cái hương của trà chứ không cần phải uống trà vậy.

PV: Nhưng trong tình yêu không thể thiếu những xúc cảm đời thường được, thưa ông!

Nhà thơ Phạm Đức: Vâng, tất nhiên đó là một phần hoặc nét riêng của nhân vật trữ tình trong thơ. Còn ngoài đời tôi vẫn là một người bình thường với những mong muốn bình thường, làm sao để đạt tới một tình yêu mà trong đó có cả hương vị của thánh thiện, có cả hương vị của hoa và quả ngày thường.

Với mong muốn như vậy, tôi nghĩ rằng ông thường bị thất vọng trong tình yêu.

Vâng đúng thế. Trong thế giới yêu của tôi nhiều khi là ảo. Bài “Ví dầu” chẳng hạn, có rất nhiều ảo: “Ví dầu ngọn lửa hắt hiu/Thì anh nhen nhúm, lựa chiều gió mưa/Thì anh đóm mỏng củi khô/Thì anh gượng nhẹ đợi chờ lửa lan...”. Hay “Đơn phương” cũng là “Mong em yêu và được yêu, đừng như tôi chỉ một chiều tương tư”. Cầu mong cho người yêu có được điều tốt đẹp hạnh phúc có nghĩa là tình yêu của mình đối với họ không còn nữa, nhưng mình vẫn giữ gìn vẫn nhen nhóm. Tôi nghĩ cái đó vừa thực vừa ảo. Cái ảo bền vững về mặt tinh thần, nhưng khi va đập với cái thực thì có phần hụt hẫng.

Ông luôn mong mỏi, nói như Puskin trong bài thơ “Tôi yêu em”: “Cầu mong em được người tình như tôi đã yêu em”. Tôi hơi nghi ngờ khía cạnh này, bởi nhân hậu quá!

Tôi cũng không biết nói thế nào để chứng minh cho bạn hết nghi ngờ, nhưng những điều ấy tôi đã nói một cách rất chân thành. Mình mở rất nhiều cánh cửa tình yêu nhưng mình cũng luôn dè dặt. Bài “Bên lề” chẳng hạn. Đó là một tình huống cuộc đời đặt ra. “Tôi đi bên cuộc đời em/Bên lề của những ngày đêm vui buồn/Bên lề giọt lệ lặng tuôn/Bên lề sóng gió dập dồn riêng tư/ Bên lề ngang trái thờ ơ/Bên lề khắc khoải mong chờ thinh không/Bước chân ghìm bước bên lề/Trái tim vật vã tái tê giữa dòng”.

Mình nhận toàn bộ sự tái tê giữa dòng, chia sẻ tất cả những vui buồn của người mình yêu mến nhưng vẫn ghìm bước bên lề hạnh phúc của họ. Biết là phải chịu nhiều thiệt thòi, chịu rất nhiều ngang trái nữa nhưng hình như tôi lại không bận tâm. Tôi chỉ nhận thấy cái phần mà mình được chính là cảm thấy rằng cuộc đời có nhiều người đáng yêu quá, có nhiều cái mà mình phải trăn trở và đối với người làm thơ thì trăn trở có khi thành những câu thơ. Mình được những câu thơ nào đó.

Nhà thơ rất thi vị hóa, mỹ lệ hóa tình yêu. Ông ít quan tâm tới những xúc cảm trần tục của đời sống lứa đôi, ít quan tâm tới nhan sắc người yêu. Duy có một bài “Quầng mắt”, ông miêu tả đôi mắt quầng thâm của người yêu và kết luận “Vòng hào quang thẫm màu quanh đôi mắt tình yêu”. Đấy là một sự mỹ lệ hóa về nhan sắc người yêu!

Quầng mắt là thể hiện của suy nghĩ, suy nghĩ ấy nếu dành cho tình yêu thì rất ưu ái. Đấy là vẻ đẹp không bị mất đi theo thời gian. Trong tình yêu, nhan sắc là cái đập vào mắt đầu tiên, nhất là đối với người con trai, nhưng lại không bền vững. Cho nên cái mà mình nhìn thấy đẹp chính là phần sâu sắc ở bên trong nhan sắc. Vẻ đẹp, nhan sắc người yêu là một cái gì đấy chỉ riêng mình anh thấy, mình anh đánh giá được. Nếu ai cũng nhìn thấy cả thì đó không phải cái nhan sắc của tình yêu mà mình tâm niệm, mình theo đuổi, mình khao khát.

PV: Xin cảm ơn nhà thơ!./.

Theo Anh Thư/VOV.VN

Tệp đính kèm