Việc Nga không mấy “mặn mà” trước đề xuất quay lại G7 của Tổng thống Trump nằm trong những tính toán sâu xa của Tổng thống Putin.
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn đưa Nga quay trở lại G7 sau khi Moscow mất tư cách thành viên năm 2014 vì việc sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin không thực sự muốn quay trở lại nhóm này bởi những tính toán riêng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: AFP
Đề xuất của Tổng thống Trump
Ngày 20/8, Tổng thống Trump đã đề xuất để Nga quay trở lại G7 để tạo thành G8 và gọi đó sẽ là một lựa chọn "hợp lý hơn" bởi "có nhiều điều chúng ta đang thảo luận cần phải hợp tác với Nga". Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Mỹ đưa ra ý tưởng này. Hồi tháng 6/2018, ông Trump cũng phát biểu với báo giới rằng "chúng ta nên có Nga trên bàn đàm phán". Tuy nhiên, bình luận của ông chủ Nhà Trắng hôm 20/8 không hề đề cập đến Crimea cũng như không nêu bất kỳ điều kiện nào đối với Nga để tái gia nhập G7.
Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới này bắt đầu nhóm họp năm 1975 khi các nhà lãnh đạo của 6 quốc gia gặp nhau trong 1 giờ đồng hồ tại Chateau de Rambouillet (Lâu đài Rambouillet) ở ngoại ô Paris để thảo luận về cuộc khủng hoảng kinh tế. Canada gia nhập ngay năm sau đó. Năm 1991, G7 mời nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev tham gia thảo luận tại London. Nga chính ghức gia nhập tổ chức này năm 1998. Tuy nhiên, Nga bị loại khỏi G8 sau khi sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014.
Điều khác biệt năm nay trong đề xuất của ông Trump là Tổng thống Mỹ dường như hoạt động tích cực hơn trong việc vận động các thành viên khác trong nhóm, đặc biệt là Tổng thống Macron nhằm đưa Nga trở lại. Tuy nhiên, cho tới nay, không giống như ông Trump, Tổng thống Pháp muốn Nga quay trở lại có điều kiện, đó là giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine theo các điều khoản của thỏa thuận Minsk.
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Amelie de Montchalin cũng tuyên bố hôm 21/8 rằng hiện tại Paris sẽ không mời Moscow quay trở lại G8 ngay.
Ngoài ra, một số thành viên khác trong G7 như Canada, Đức và Anh cũng không mấy hài lòng với ý tưởng Nga sẽ quay lại G7. Một quan chức giấu tên Canada nhận định rằng: "Nga không nên được mời tới Hội nghị này và lập trường của Thủ tướng cũng như của Canada vẫn như năm ngoái khi đề xuất này được đưa ra. Câu trả lời của chúng tôi vẫn là không".
Đức và Anh cũng có cùng quan điểm với Canada. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 21/8 đã khẳng định rằng Nga đã bị loại khỏi G7 năm 2014 do sáp nhập Crimea và cuộc khủng hoảng ở phía đông Ukraine, do đó, bất kỳ quyết định nào thừa nhận sự quay lại của Nga đều cần dựa trên tiến trình giải quyết các vấn đề trên.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định rằng Nga cần nhận được lời mời chính thức trước khi cân nhắc đến việc quay lại G7.
Đằng sau những tính toán của ông Putin
Việc Tổng thống Trump đề nghị đưa Nga trở lại G7 đã tạo nên những bất đồng trong nhóm này. Dù vậy, tình hình hiện nay giống như việc những bước cờ dù đã được tính toán trước song trên thực tế, người chơi cờ lại không hề biết "đường đi nước bước" của đối thủ sẽ ra sao.
Tổng thống Putin đã khẳng định nhiều lần từ năm 2014 rằng Nga đã rời khỏi G8 và ông nhận thấy Moscow quan tâm đến các mạng lưới đa dạng các khu vực hơn, chẳng hạn như G20 - nơi tập hợp cả các nền kinh tế mới nổi quan trọng khác như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp hồi đầu tuần, nhà lãnh đạo Nga cũng nhắc lại quan điểm này.
Trước khi Nga bị loại khỏi G8 năm 2014, những thành viên còn lại của nhóm này thường bất đồng với Tổng thống Putin trong hầu hết mọi vấn đề. Sự tham gia của Nga trong các cuộc thảo luận không khiến phương Tây thay đổi lập trường tại các khu vực trên thế giới, đáng chú ý nhất là ở Iraq và Libya.
Hơn nữa, trở lại G7 không khiến Nga nhận được bất kỳ lợi ích thực tế nào, chẳng hạn như chấm dứt các lệnh trừng phạt của châu Âu. Hội nghị này chỉ là một diễn đàn để Tổng thống Putin gặp các nhà lãnh đạo phương Tây song đó không phải là mục tiêu ưu tiên của Moscow.
Trong khi đó, nếu như các nước G7 dường như đều thống nhất trong việc chống lại Nga thì với hình thức của G20, Nga có thể tìm được nhiều tiếng nói đồng thuận hơn. Ở G8 trước đây, Nga luôn gặp khó khăn trong việc dẫn dắt các chương trình nghị sự và không hề muốn trở thành một bên chỉ đi theo quyết định của các nước khác.
Nghị sĩ cấp cao Nga Konstantin Kosachev cũng bác bỏ ý tưởng tái lập G8 mà thay vào đó, đề xuất bổ sung thêm Trung Quốc và Ấn Độ để tạo thành G10.
"Tôi nghĩ sự quay lại của Nga chỉ có ý nghĩa khi có thể tránh được cái bẫy "7 chống lại 1", ông Konstantin Kosachev cho biết.
Ở thời điểm hiện tại, Nga đang ở một vị thế "thoải mái hơn nhiều" trong quan hệ với từng bên riêng rẽ như Mỹ, EU và Nhật Bản thay vì ở trong một nhóm nào đó. Điều Moscow không hài lòng nhất nếu tham gia là G7, đặc biệt là Mỹ luôn nỗ lực đưa Nga quay trở lại nhóm này như một chiến lược nhằm làm suy yếu quan hệ Nga - Trung cũng như nhằm đưa Moscow "trở về đúng bên trong lịch sử" giữa bối cảnh Mỹ - Trung leo thang căng thẳng trong một loạt vấn đề.
Bên cạnh đó, không phải ngẫu nhiên chuyến thăm của ông Putin diễn ra chỉ 4 ngày trước khi Hội nghị Thượng đỉnh G7 khai mạc tại Pháp. Tổng thống Macron dường như muốn đưa Nga "đứng cùng phe" với châu Âu nhằm chống lại với Trung Quốc. Ngày 20/8, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Putin, ông Macron đã khẳng định "Nga là một nước châu Âu" và cuộc gặp này đóng vai trò "thắt chặt mối quan hệ giữa Nga và EU", đồng thời nhấn mạnh rằng "châu Âu trải dài từ Lisbon tới tận Vladivostok".
Nhưng Nga lại không thích như vậy. Theo tờ The Moscow Times, Nga coi những nỗ lực của Mỹ và Pháp như một dấu hiệu nhằm kiềm chế sự tự do hành động của nước này khi phương Tây đang tranh thủ tăng ảnh hưởng của Moscow với Bắc Kinh.
Việc Nga có quay lại G7 hay không vẫn chỉ là khả năng bởi đó mới chỉ là một đề xuất của Tổng thống Trump và vẫn còn quá nhiều bất đồng để đề xuất này thành hiện thực. Hơn nữa, ván bài mà Tổng thống Putin đang chơi không phải là quay trở lại G7, mà là tận dụng thời thế và các mối quan hệ với Mỹ, EU, Trung Quốc để tránh bị kéo vào các căng thẳng cũng như đạt được các lợi ích và tăng cường ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế./.
Theo Kiều Anh/VOV.VN