Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức vừa lập “kỷ lục” khi chỉ trong vòng một tuần đã thực hiện 15 ca ghép tạng. Đây là một thành công rất lớn, ngoài cứu sống 15 người bệnh còn là sự khẳng định tay nghề của các thầy thuốc trong nước và công tác điều phối, phối hợp giữa các bệnh viện trong việc tổ chức lấy và ghép tạng.
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức thực hiện một ca ghép tạng.
Trong “tuần ghép tạng” đó, các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức thực hiện thành công 10 ca ghép tạng từ người cho chết não (một phổi, hai tim, ba gan, bốn thận) và năm ca ghép từ người cho sống (một gan, bốn thận). Theo đánh giá của GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, đây là tuần làm việc căng thẳng nhưng rất hiệu quả. Tất cả các ca ghép đều có kết quả tốt, người bệnh đều đang trong quá trình phục hồi sức khỏe. Trong 15 ca ghép được thực hiện đợt này, khó khăn nhất, nhưng cũng thành công nhất là ca ghép phổi (ca ghép phổi thứ hai do bệnh viện này thực hiện). Ca mổ lấy - ghép hai phổi diễn ra liên tục trong gần 15 giờ (từ 16 giờ ngày 12-8 tới 6 giờ 30 phút ngày 13-8). Trong ghép các loại tạng, ghép phổi từ người cho chết não được xếp vào loại khó và phức tạp nhất về mặt kỹ thuật. Kết quả ghép khả quan, sau mổ sáu giờ, bệnh nhân đã tỉnh, phổi ghép hoạt động; đường mở ngực được đóng lại sau ghép 30 giờ và máy hỗ trợ phổi (ECMO) được dừng và rút sau mổ hơn hai ngày. Kết quả kiểm tra chất lượng phổi ghép bằng xét nghiệm khí máu, soi phế quản, siêu âm mạch phổi, cấy vi trùng đường thở, đều cho kết quả tốt. Chức năng tim và thận của người bệnh đều trong giới hạn bình thường.
Điểm đặc biệt khác của ca ghép phổi này là lần đầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã thực hiện cùng lúc lấy sáu tạng ghép cho năm người bệnh, gồm hai phổi, một tim, một gan, hai thận (ghép cho hai người bệnh). Như vậy, có sáu bàn mổ ghép tạng hoạt động cùng lúc (một lấy, năm ghép). Điều đó đòi hỏi công tác tổ chức phải chặt chẽ, nhịp nhàng; có sự tham gia của đông đảo đội ngũ chuyên gia kỹ thuật cao trên nhiều lĩnh vực, và sự phối hợp rất đồng bộ của các chuyên khoa - một điều rất khó thực hiện ở nhiều trung tâm ghép tạng trên thế giới. Thành công của ca ghép hai phổi thứ hai tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức càng khẳng định rõ hơn năng lực của đội ngũ thầy thuốc trong lĩnh vực ghép tạng; có ý nghĩa rất lớn trong việc động viên - khích lệ đội ngũ thầy thuốc tự tin hơn, dám nghĩ dám làm, mở ra cơ hội phát triển để đưa ghép phổi trở thành một phẫu thuật thường quy tại bệnh viện giống như ghép tim và các tạng khác.
PGS, TS Nguyễn Tiến Quyết, chuyên gia ghép tạng hàng đầu tại Việt Nam chia sẻ: Thành công từ ca ghép phổi mở ra cơ hội sống cho những người mắc bệnh phổi. Con số 15 ca ghép tạng trong vòng một tuần đã thể hiện năng lực và kinh nghiệm của các bác sĩ Việt Nam trong lĩnh vực ghép tạng ngày càng cao. Đến nay, thời gian và tay nghề ghép tạng của bác sĩ Việt Nam không thua kém các trung tâm ghép tạng trên thế giới, trong khi chi phí ghép tạng chỉ bằng một phần tư, một phần ba so với các nước.
Đến biểu dương khen thưởng các đơn vị góp công lớn cho thành công của “tuần ghép tạng”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá: Việc thực hiện thành công 15 ca ghép tạng trong một tuần đã tạo dấu ấn đột phá, thể hiện nỗ lực lớn của tập thể lãnh đạo và đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức trong làm chủ kỹ thuật ghép tạng, đưa bệnh viện trở thành đơn vị dẫn đầu cả nước về các ca ghép tạng khó. Đây cũng là kỷ lục về năng suất lao động, cống hiến hết mình vì người bệnh. Bên cạnh đó, phải kể đến vai trò của Trung tâm Điều phối quốc gia về hiến, ghép bộ phận cơ thể người trong hoạt động điều phối, kết nối giữa các bệnh viện thực hiện vận chuyển tạng kịp thời cứu chữa nhiều người bệnh nặng.
GS, TS Trần Bình Giang khẳng định, các thành tựu này chắc chắn sẽ tiếp tục được phát huy, củng cố trong thời gian tới để đưa lĩnh vực ghép tạng của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục gặt hái những thành tựu lớn hơn. Mặt khác, bệnh viện sẽ hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật ghép tạng cho bệnh viện tuyến dưới. Tuy nhiên, hiện nay, số tạng hiến ở nước ta còn rất ít, cho nên vẫn có hàng nghìn người bệnh mỏi mòn chờ để được ghép tạng. Gỡ được nút thắt này, nhiều người bệnh khác sẽ may mắn được nhận tạng để ghép.
MINH HOÀNG
Theo nhandan.com.vn