UNESCO ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp và cống hiến của các tập thể, cá nhân đã cùng UNESCO bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản ở tỉnh Quảng Nam.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tặng quà lưu niệm cho các tổ chức quốc tế làm tốt công tác bảo tồn di sản. (Ảnh Trần Tĩnh/TTXVN)
Chiều 7/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị đánh giá và tuyên dương công tác bảo tồn, phát huy giá trị đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn qua 20 năm được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm-Hội An được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, từ năm 1999 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn, đô thị cổ Hội An đã thực hiện tu bổ 459 di tích với tổng số vốn đầu tư là hơn 182,5 tỷ đồng. Trong số đó, nguồn vốn tỉnh và Trung ương là hơn 68 tỷ đồng; vốn ngân sách thành phố là 90 tỷ đồng; vốn tài trợ nước ngoài là 3,9 tỷ đồng; xã hội hóa là 20 tỷ đồng.
Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Dự án đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ thuộc Di sản văn hóa thế giới Hội An.
Đã có 72 di tích tại đô thị cổ được tu bổ khẩn cấp với tổng kinh phí hơn 36 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn tỉnh và thành phố là 26 tỷ đồng; nguồn đóng góp là 10 tỷ đồng.
Đồng thời, để tăng cường tính bền vững cho các di tích kiến trúc gỗ, những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện Dự án phòng trừ côn trùng hại gỗ (chống mối mọt) trong khu phố cổ Hội An cho 1.521 di tích với kinh phí 14,9 tỷ đồng và Dự án chống mối cho 31 di tich vùng ven với kinh phí 2,04 tỷ đồng.
Trong 20 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã tu bổ 11 tháp Chăm và 6 hạng mục hỗ trợ cho công tác bảo tồn di tích với tổng kinh phí hơn 166 tỷ đồng.
Bên cạnh việc trùng tu, tỉnh Quảng Nam đã phát huy những giá trị của đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn. Di sản văn hóa thế giới Hội An được bảo tồn và phát huy giá trị theo định hướng gắn việc bảo tồn Khu phố cổ với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên vùng duyên hải, với bảo tồn các làng quê sinh thái, làng nghề truyền thống và nhất là gắn với những giá trị văn hóa phi vật thể Quảng Nam.
Trên lĩnh vực phát huy giá trị di sản văn hóa, tại Đô thị cổ Hội An đã ra đời hàng loạt các sản phẩm du lịch độc đáo như "Đêm rằm phố cổ," "Phố đi bộ," "Phố không có tiếng động cơ xe máy,""Một ngày làm nông dân Trà Quế,""Một ngày làm ngư dân Cù Lao Chàm" và hình thành các khu chợ đêm phục vụ du khách.
Đồng thời, nhiều tuyến tham quan các làng nghề truyền thống, làng quê sông nước như Gốm Thanh Hà, Rau Trà Quế, Mộc Kim Bồng, làng quê sinh thái Cẩm Thanh... đã hình thành.
Nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, diễn xướng dân gian gắn với di sản được phục hồi và phát huy đúng hướng, vừa phục vụ tham quan nghiên cứu, vừa đóng góp nội dung cho các sự kiện quốc gia và quốc tế như: Lễ hội "Quảng Nam Hành trình di sản," Hội thi hợp xướng quốc tế, Giao lưu văn hóa Việt-Nhật, Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Trái Đất, Hội nghị APEC. Các hoạt động đã góp phần làm cho hình ảnh Hội An ngày càng được giới thiệu, quảng bá khắp nơi trên thế giới, tạo nên tính độc đáo và sức hấp dẫn thu hút đông đảo du khách tham quan.
Tốc độ phát triển kinh tế du lịch ở Hội An tăng nhanh, đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân được nâng cao, lượng du khách đến với Hội An ngày một nhiều, năm sau cao hơn năm trước.
Nếu năm 1999, chỉ có gần 100.000 lượt khách tham quan Hội An thì đến năm 2018, đã hơn 2,3 triệu lượt khách.
Năm 1999 mới chỉ có 17 cơ sở lưu trú đến cuối năm 2018, Hội An đã có 638 cơ sở lưu trú với 10.464 phòng (khách sạn, biệt thự du lịch, homestay). Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt gần 46 triệu đồng/năm.
Song song với đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn hạ tầng du lịch ngày càng hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu du khách. Hệ thống đường giao thông nội bộ được đầu tư tạo điều kiện phát triển dịch vụ xe điện thân thiện với môi trường và phù hợp với loại hình du lịch hiện đại.
Nhiều sản phẩm du lịch mới được du khách đánh giá tốt như chụp hình qua vé, cho thuê trang phục Chăm kết hợp với chụp hình in trên sản phẩm lưu niệm.
Đặc biệt, việc tổ chức biểu diễn văn nghệ dưới chân tháp mang lại nét mới, tạo sự sống động cho di tích và rất được du khách yêu thích, góp phần khẳng định thương hiệu múa Chăm Mỹ Sơn.
Lượng khách tham quan tăng đều hằng năm. Nếu năm 1999, khách tham quan chỉ vài trăm lượt, đến năm 2018 số lượng khách đạt được gần 399.657 lượt, doanh thu đạt 62,170 tỷ đồng.
Lượng khách du lịch đến với Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn luôn vượt so với chỉ tiêu hằng năm, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội địa phương, tạo nguồn lực đầu tư lại cho công tác bảo tồn di sản, góp phần thực hiện thẳng lợi Nghị quyết số O8-NQ/TU ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy (khóa XXI) về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Đối với Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, sau 10 năm được công nhận, những tài sản quý giá nhất của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đã được bảo tồn một cách tích cực. Điều này được thể hiện thông qua tình trạng phân bổ các hệ sinh thái cả trên cạn và dưới nước trong Khu dự trư sinh quyển...
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho rằng qua 20 năm được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, 10 năm được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm đã đạt được những kết quả quan trọng.
Toàn bộ hệ thống đền tháp, nhà cổ và hệ sinh thái đều được bảo tồn nguyên vẹn, đảm bảo tính chân xác của di sản, góp phần tạo nên sức hấp dẫn thu hút khách tham quan.
Cùng với việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đa dạng tại Hội An, Mỹ Sơn cũng được phục hồi và phát huy giá trị.
Các ngành du lịch dịch vụ đã phát triển vượt bật, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững, đưa Quảng Nam đứng vào top những địa phương tự cân đối ngân sách và có đóng góp cho cả nước.
Công tác nghiên cứu khoa học về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ đạt được những kết quả bước đầu đang khích lệ. Hoạt động hợp tác quốc tế đã tạo những tiền đề, kinh nghiệm quý trong công tác tu bổ, phục hồi di tích.
Công tác phát huy giá trị với những sản phẩm du lịch độc đáo đã khẳng định thương hiệu, điểm đến 2 di sản văn hóa Hội An, Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm trên bản đồ du lịch miền Trung và có sức lan tỏa đến khu vực và thế giới.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết Việt Nam thực sự đi tiên phong lĩnh vực ngoại giao văn hóa, ngay trong Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có một cơ quan phụ trách các lĩnh vực thuộc UNESCO.
UNESCO ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp và cống hiến của các tập thể, cá nhân đã cùng UNESCO bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản.
Đại diện Bộ Ngoại giao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân. (Ảnh Trần Tĩnh/TTXVN)
Tại hội nghị, thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng danh hiệu của Chủ tịch nước cho 13 nghệ nhân ưu tú, đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao cũng tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 6 cá nhân; Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen cho 25 tập thể và cá nhân đã có nhiều thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn qua 20 năm được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm-Hội An được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh còn tôn vinh một số tổ chức, cá nhân đã có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn các di sản thế giới./.
Theo Trần Tĩnh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/quang-nam-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-cac-di-san-van-hoa-the-gioi/594091.vnp