Cập nhật: 09/09/2019 08:38:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mô hình giáo dục biển đảo đã và đang được nhiều trường học tại Bạc Liêu thực hiện, có sức lan tỏa cao, hiệu quả thiết thực, được nhiều học sinh, giáo viên phấn khởi đón nhận.

Mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa trong khuôn viên Trường tiểu học Hộ Phòng A (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu).

Bạc Liêu là một trong 28 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có biển. Từ bao đời nay, biển là môi trường sinh tồn của hàng vạn người dân trong tỉnh, là tình cảm thiêng liêng, máu thịt đối với mỗi người dân. Vì vậy, mỗi khi có vấn đề “nóng” về biển, đảo, người dân Bạc Liêu nói riêng, cả nước nói chung lại bùng lên tình yêu đất nước, yêu biển đảo, hướng về biển đảo thân thương.

Đáng mừng tại Bạc Liêu, mấy năm qua xuất hiện mô hình giáo dục học sinh bằng trực quan sinh động, đặc biệt giáo dục, tuyên truyền về bản đồ Việt Nam và các quần đảo lớn của Tổ quốc như Hoàng Sa, Trường Sa… Tiêu biểu như Trường tiểu học Hộ Phòng A (phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai); Trường THPT Gành Hào (huyện Đông Hải); Trường THPT Ngang Dừa (huyện Hồng Dân)…

Sức hấp dẫn cách học mới

Trò chuyện với PV Báo Nhân Dân trước thềm năm học mới 2019-2020, thầy giáo Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) cho biết, ý thức được tầm quan trọng của giáo dục biển đảo thiêng liêng cho học sinh, mấy năm gần đây, Thị ủy, UBND và Phòng GD-ĐT thị xã đặc quan tâm chỉ đạo các trường học trên địa bàn thị xã đưa việc tuyên truyền biển đảo vào chương trình học tập bằng nhiều hình thức, như lồng ghép vào chương trình giảng dạy, tổ chức ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu biển đảo yêu thương…

Cũng theo thầy giáo Nguyễn Văn Bình, điển hình cho mô hình giáo dục biển đảo là Trường tiểu học Hộ Phòng A (thị xã Giá Rai). Tại đây, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền, Ban Giám hiệu, Hội phụ huynh nhà trường đã hang hái đi đầu trong việc vận động nhân dân cùng tham gia giáo dục tình yêu quê hương, biển đảo.

Lãnh đạo Đảng ủy phường Hộ Phòng (thị xã Giá Rai), cho biết, nhằm đăng ký thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy phường đã suy nghĩ và thực hiện một số mô hình. Đặc biệt, trong đó có mô hình biển đảo nhân tạo, được xây dựng tại Trường tiểu học Hộ Phòng A, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, giúp các học sinh tiểu học có cảm nhận sâu hơn về biển đảo tươi đẹp, thiêng liêng của Tổ quốc.

Để làm được điều này, ngoài sự đồng thuận của những cán bộ trong Ban Chấp hành, Đảng ủy phường Hộ Phòng còn nhận được sự ủng hộ hết mình từ nhân dân địa phương, tập thể nhà trường và phụ huynh của trường Hộ Phòng A. Công tác vận động nhanh chóng được triển khai, song song việc mời đơn vị thiết kế, xây dựng khảo sát. Chỉ sau hơn một tháng phát động, số tiền vận động đã đủ để khởi công. Đầu tháng 12-2015, mô hình biển đảo tại Trường tiểu học Hộ Phòng A đã chính thức hoàn thành, với kinh phí thực hiện gần 200 triệu đồng, trong đó, phường vận động trong nhân dân đóng góp 120 triệu đồng, còn lại gần 80 triệu đồng phụ huynh của Trường tiểu học Hộ Phòng A tự nguyện đóng góp.

Chỉ còn vài ngày nữa, năm học mới 2019-2020 chính thức khai giảng, cô Lê Thị Mỹ Hạnh, giáo viên lớp 4C, Trường tiểu học Hộ Phòng A, người nhiều năm trực tiếp hướng dẫn các em học sinh khối lớp 4 của trường, phấn khởi nói: “Từ khi nhà trường thực hiện mô hình này, học sinh rất hào hứng học. Các em dễ học, dễ nhớ lãnh thổ vùng biển, hải đảo yêu quý của đất nước mình, đồng thời xác định rất rõ vị trí nơi các em đang đứng trên bản đồ. Từ bản đồ thu nhỏ này, giáo viên có thể giáo dục cho học sinh cảm nhận, để có được một bản đồ đất nước đẹp như ngày nay, các thế hệ đi trước đã phải hy sinh biết bao xương máu, do đó trách nhiệm của các em là phải biết giữ gìn và bảo vệ.

Đáng mừng, mô hình biển đảo ở Trường tiểu học Hộ Phòng A cũng sẽ là một điểm tham quan, học tập về biển đảo cho các trường của thị xã Giá Rai nói riêng, tỉnh Bạc Liêu nói chung.

Cũng theo cô giáo Lê Thị Mỹ Hạnh, đến nay, cô đã trực tiếp giảng dạy, giới thiệu trực quan sinh động cho hàng chục lớp với hàng nghìn học sinh tiểu học về lịch sử dân tộc, đặc biệt là chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam thân yêu, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu, góp phần giúp các thế hệ học sinh hiểu rõ hơn hơn khí phách của những người dân Việt luôn mến khách, yêu chuộng hòa bình nhưng cũng rất bản lĩnh, trí tuệ, kiên cường, không sợ hy sinh, gian khổ, bám biển, giữ gìn biển đảo yêu thương…

Nhân rộng mô hình

Đáng chú ý, năm 2015, lần đầu tiên Sở GD-ĐT Bạc Liêu phối hợp Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 tổ chức cuộc thi "Em yêu biển, đảo quê hương" tại Trường THPT Gành Hào, đây là trường vùng ven biển huyện Đông Hải (Bạc Liêu). Từ khi có sự phối hợp này, học sinh miền biển nơi đây đã tự tin trả lời nhanh, chính xác nhiều câu hỏi xoay quanh kiến thức biển, đảo nước nhà, chức năng, nhiệm vụ, truyền thống của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, định hướng phát triển kinh tế biển, đảo…

Theo thầy giáo Dương Hồng Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu, việc phối hợp Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4, có thể khẳng định, các trường trung học, tiểu học trong tỉnh không chỉ dừng lại ở việc nói chuyện chuyên đề, chiếu phim, tổ chức tọa đàm về biển, đảo mà còn xây dựng mô hình giáo dục biển, đảo trực quan ngay trong khuôn viên trường.

Từ mô hình, cách làm của Trường tiểu học Hộ Phòng A (thị xã Giá Rai) và Trường THPT Gành Hào (huyện Đông Hải); Trường THPT Ngan Dừa (huyện Hồng Dân)…, sắp tới, ngành giáo dục tỉnh kết hợp Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, các đơn vị chức năng tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng mô hình giảng dạy về biển đảo nêu trên đến nhiều trường trong toàn tỉnh...

Chúng tôi được biết, từ năm 2015 đến nay, các cấp chính quyền, ngành giáo dục và các cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu rất quan tâm các hoạt động hướng về biển, đảo quê hương. Ngành giáo dục phối hợp Tỉnh đoàn Bạc Liêu tổ chức phát động sâu rộng phong trào “Kế hoạch nhỏ - Vì bạn ở Trường Sa”. Số tiền tiết kiệm của các học sinh tỉnh Bạc Liêu đã góp phần giúp các bạn vùng ven biển, nơi đảo xa hiện còn nhiều khó khăn đến trường.

Đặc biệt, mấy năm gần đây, nhiều người rất xúc động khi thường xuyên được tận mắt chứng kiến hình ảnh các em học sinh, sinh viên Bạc Liêu xếp thành bản đồ Tổ quốc với đầy đủ hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa tại Quảng trường Hùng Vương (TP Bạc Liêu). Tất cả nắm chặt tay nhau giương cao lá cờ đỏ sao vàng, hô vang “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!”. Đó là tiếng nói đồng thanh vang vọng từ trái tim của mỗi người về tình yêu biển, đảo thiêng liêng.

Đồng chí Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu khẳng định: “Nhiều năm qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm sự nghiệp giáo dục đào tạo của địa phương. Trong đó, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và luôn ủng hộ, đầu tư khá thỏa đáng nguồn kinh phí cho sự nghiệp giáo dục; khuyến khích sự sáng tạo, những cách làm mới, mô hình giáo dục mới. Có thể nói, mô hình giáo dục biển, đảo tại một số trường trong tỉnh là một dẫn chứng cụ thể, sinh động, cần được quan tâm nhân rộng. Đặc biệt, đối với Bạc Liêu, Tỉnh ủy đã xác định phát triển kinh tế biển là một trong năm trụ cột để phát triển nhanh, vững chắc kinh tế của tỉnh…”.

Từ kết quả rất đáng mừng của mô hình giáo dục biển đảo thiêng liêng nêu trên, trong năm học 2019-2020 và những năm tiếp theo, ngành giáo dục Bạc Liêu tiếp tục chú trọng, đẩy mạnh việc giáo dục về biển, đảo.

Cô giáo Lê Thị Mỹ Hạnh và các em học sinh Trường tiểu học Hộ Phòng A rất hứng thú, say sưa với mô hình giảng dạy, học tập trực quan sinh động.

BÀI, ẢNH: TRỌNG DUY

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm