Cập nhật: 17/09/2019 16:58:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời gian gần đây, hàng loạt bộ phim về gia đình đã tạo nên những cơn sốt kéo dài và khiến người xem thổn thức theo cảm xúc của từng nhân vật. Tuy nhiên, càng thành công, các nhà làm phim lại càng phải đối diện với nhiều áp lực hơn khi tạo ra những tác phẩm mới.

Vì sao phim đề tài gia đình lại hút khách đến thế?

Nếu 2 năm về trước, màn ảnh Việt vẫn nhan nhản những bộ phim về tình yêu đậm hơi hướng Hàn Quốc (thường được gọi là phim “ngôn tình”) thì 2 năm trở lại đây phim về đề tài gia đình đã chiếm sóng.

Hàng loạt bộ phim như: Sống chung với mẹ chồng, Cả một đời ân oán, Gạo nếp gạo tẻ, Về nhà đi con, Hoa hồng trên ngực trái... đã thực sự kéo khán giả trở lại với phim Việt mà không cần phải dùng tới chiêu trò, thủ thuật. Và không chỉ có sóng truyền hình quốc gia mà các kênh sóng địa phương cũng có sự dịch chuyển đó. Điều này cho thấy, phim truyền hình về đề tài gia đình đang trở lại thời kỳ hoàng kim mà không cần dùng chiêu trò, thủ thuật...

Cảnh trong phim "Về nhà đi con" từng khiến nhiều khán giả khóc hết nước mắt.

Vốn không phải là một “tín đồ” của phim Việt nhưng một năm trở lại đây chị Ngô Thuý Hằng (28 tuổi) ở Hoàng Mai - Hà Nội lại nghiện phim đến độ chuyển tập yoga từ buổi tối sang buổi trưa để sau bữa cơm tối còn kịp xem phim Việt.

Nhà có sáu thành viên thì cả bố mẹ đẻ và con gái lớn đều có thói quen như chị. Những hôm có tập phim nào “gay cấn” cả nhà còn “tám” với nhau cho đến tận khuya mới chịu đi ngủ. Và nhờ một số bộ phim về gia đình như: “Gạo nếp gạo tẻ”, “Về nhà đi con”… mà con gái chị đã ý thức hơn về trách nhiệm với gia đình, đặc biệt là ông bà và bố mẹ.

Tương tự, bà Trương Thị Hồng Anh (58 tuổi) ở Cầu Giấy - Hà Nội cũng mê các bộ phim Việt gần đây tới mức nghỉ luôn cả tập khiêu vũ ở công viên. Có những tập phim của “Về nhà đi con” khiến bà khóc sưng vù cả mắt và sẵn sàng trò chuyện với bạn bè về đề tài này cả tuần trời không chán.

Với bà Anh, phim Việt về đề tài gia đình đang lấy lại được thế “thượng phong” là bởi đã biết đưa phim về gần với đời sống và soi vào từng ngóc ngách gai góc của mỗi gia đình. Mỗi một nhân vật trong phim cũng mang bóng dáng của nhiều người thực - việc thực và khiến cho người xem thổn thức với từng cảm xúc. Ở một góc độ cao hơn, điều này cũng cho thấy ẩn sâu trong mỗi con người vẫn là nhu cầu tìm lại những giá trị thiêng liêng của gia đình.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, trước đây, thế hệ của bà được dạy khi làm phim phải hướng đến những đề tài mang tính xã hội. Chính vì lẽ đó mà đề tài gia đình bị xem là nhỏ, vụn vặt… Nếu có làm về đề tài gia đình cũng phải gắn với những vấn đề xã hội to lớn. Nhưng vì thế mà người ta quên đi mọi vấn đề to lớn trong xã hội đều do nhiều vấn đề nhỏ gộp lại.

“Tôi thấy thật là thú vị khi sự dịch chuyển của phim truyền hình đang đi theo hướng xã hội đang cần kíp, đang đòi hỏi”, nhà biên kịch họ Trịnh nói.

NSND Lan Hương cũng cho rằng: “Phim truyền hình Việt đang thực hiện tốt vai trò giáo dục, định hướng thẩm mỹ, đưa khán giả đến gần với các giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Đặc biệt là giáo dục cho người trẻ về văn hóa ứng xử, cái cốt lõi của cuộc sống con người, đưa con người đến sự văn minh.

Những vấn đề được đề cập trong phim có cả sự lớn lao và cả những điều nhỏ bé nhưng rất khéo léo, tinh tế, hấp dẫn… Điều này cũng tựa như các vở kịch của cố kịch gia Lưu Quang Vũ khi nói đến những vấn đề vĩ mô, có tính triết học cao nhưng bao giờ cũng có yếu tố nhân sinh ở đó, cách nói đời thường kết hợp với các ứng xử đơn giản trong cuộc sống, dễ đi vào lòng người.

Phim Việt đang tiến dần đến trái tim và khối óc của người xem. Muốn chinh phục mọi người không thể gò ép mà phải đi vào trái tim người ta để người ta đến với mình một cách tự nguyện, đánh vào sự đồng điệu của cảm xúc”.

Áp lực nặng nề sau những thành công lớn?

NSND Hoàng Dũng cho rằng, sự thành công của các bộ phim truyền hình về đề tài gia đình gần đây là một tín hiệu mừng nhưng cũng sẽ vô hình trung tạo ra những áp lực mới cho những người làm phim. Điều này đòi hỏi các nhà làm phim phải không ngừng thay đổi cách nhìn, thay đổi về hướng sáng tạo và tư duy phim ảnh.

“Sự vận động của thế giới là không ngừng nghỉ, nhất là khi công nghệ số và thế giới số len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống. Nhu cầu và thị hiếu của khán giả ngày càng cao lên đòi hỏi người làm phim phải nỗ lực không ngừng mới đáp ứng nổi. Hôm nay làm phim đạt đến thang điểm 8, 9 thì ngày mai phải nâng lên tới 10, 11, 12. Và sự thay đổi ở đây không chỉ có biên kịch, đạo diễn, diễn viên mà là cả bộ máy tham gia phim. Có như thế phim Việt mới giữ được khán giả và mới cạnh tranh nổi với phim nước ngoài”, nam nghệ sĩ bày tỏ.

Bản thân đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) cũng thừa nhận, áp lực đối với các nhà làm phim sau sự thành công của một bộ phim là rất lớn. Bài toán mà ai cũng phải bắt buộc tham gia tìm đáp số chính là làm sao để những  phim sau hay hơn phim trước. Và điều này không chỉ đòi hỏi người làm phim nỗ lực sáng tạo mà còn phải cập nhật liên tục các xu hướng của thế giới cũng như thị hiếu của khán giả.

Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cũng cho biết, chỉ riêng việc thực hiện 5 tập phim “Về nhà đi con” ngoại truyện, cả ê-kíp đã phải lao tâm khổ tứ, đối diện với bao nhiêu là áp lực. Áp lực làm sao để các tập phim này có nội dung mới mẻ hơn, thú vị hơn nhưng vẫn ăn nhập với đường dây của phim cũ. Áp lực nữa là để người xem không bị mất lòng tin với phim ngoại truyện.

“Tôi vẫn luôn nói rằng, thành công của tác phẩm này chính là áp lực của tác phẩm khác. Người làm phim không được phép đi thụt lùi, tức tác phẩm sau không thể kém hơn tác phẩm trước. Bởi lẽ đó mà khi bắt tay vào làm một bộ phim, người làm phim phải đối diện với “tứ bề” áp lực. Cả ê-kíp cùng chung cái cảm giác đó chứ không riêng gì đạo diễn. Tuy nhiên, điều đó có cái hay là thúc đẩy người ta nỗ lực hơn, chủ động hơn trong việc tìm cách vượt qua áp lực”, đạo diễn “Về nhà đi con” nhấn mạnh. 

Theo Hà Tùng Long

dantri.com.vn

 

Tệp đính kèm