Cập nhật: 18/09/2019 08:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vịnh Lăng Cô có chiều dài 42,5km, cách thành phố Huế hơn 60km và cách Đà Nẵng 20km; là vịnh biển gần như nguyên sơ nằm dưới chân đèo Hải Vân.

Một góc vịnh Lăng Cô. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Thừa Thiên-Huế có 127km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng như Thuận An, Cảnh Dương, Tư Hiền, Lăng Cô..., có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch biển.

Trong số đó, vịnh Lăng Cô được tổ chức Worldbays Club bình chọn là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới (cùng với vịnh Hạ Long và Nha Trang).

Vịnh Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) có chiều dài 42,5km, cách thành phố Huế hơn 60km và cách Đà Nẵng 20km; là vịnh biển gần như nguyên sơ nằm dưới chân đèo Hải Vân, với bãi tắm phẳng lì, nước xanh ngắt cùng hệ sinh thái rất đa dạng, phong phú.

Đây là một trong những thắng cảnh, địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên-Huế, được vua Khải Định xem là chốn bồng lai tiên cảnh.

Khai thác tiềm năng du lịch biển Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư. Hiện tại, Khu Du lịch Lăng Cô đã xây dựng được sáu khu du lịch tổng hợp, 45 khách sạn, nhà nghỉ hoạt động với khoảng 1.200 phòng, 1.800 giường, cùng hàng chục nhà hàng ăn uống phục vụ du khách.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Lộc Nguyễn Văn Mạnh cho biết năm nay, huyện đã tổ chức thành công Lễ hội "Lăng Cô - Vịnh đẹp thế giới" và kỷ niệm 10 năm Lăng Cô được công nhận là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.

Tổng lượt khách du lịch đến với Phú Lộc trong 8 tháng đầu năm đạt gần 1,2 triệu lượt khách du lịch; trong đó có 333.000 lượt khách quốc tế; đạt 99,6% kế hoạch và tăng 21,8% cùng kỳ năm 2018. Doanh thu dịch vụ du lịch trên địa bàn đạt khoảng 1.150 tỷ đồng, đạt 82,7% kế hoạch, tăng 25,1% cùng kỳ năm 2018.

Bước đầu, địa phương đã khai thác tốt các điểm du lịch như Thác Nhị Hồ, suối Voi, suối Mơ... biển Lăng Cô, Bình An, Cảnh Dương, Vinh Hiền, Hải Bình, Vinh Mỹ, Vinh Hải; Khu du lịch Laguna-Lăng Cô, Vedana Lagon, Khu du lịch Bạch Mã, Bạch Mã Village, các khu nghỉ dưỡng ở thị trấn Lăng Cô và các khu nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện.

Nhiều thời điểm như những ngày nghỉ lễ, ngày cuối tuần, công suất sử dụng buồng phòng của các cơ sở lưu trú đạt từ 75% trở lên.

Thời gian tới, Phú Lộc tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế về các khu nghỉ dưỡng, bãi tắm biển, điểm du lịch sinh thái; cùng với việc tăng cường quảng bá, giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch.

Lễ đón khách du khách quốc tế đến Thừa Thiên-Huế tại cảng Chân Mây. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Việc đón khách du lịch đến Huế bằng tàu biển qua cảng Chân Mây (Lăng Cô, Phú Lộc) có nhiều khởi sắc.

Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến giữa tháng 9/2019, trên 34.000 khách du lịch tàu biển đã cập cảng Chân Mây để tham quan Di tích Cố đô Huế.

Tàu Celebrity Millennium thuộc hãng tàu biển Royal Caribeen Cruise Lines của Mỹ từ đầu năm đến nay đã có hai chuyến cập cảng Chân Mây đưa tổng cộng hơn 5.200 du khách và thủy thủ đoàn thăm Cố đô Huế. Đây cũng là tàu chở lượng khách du lịch lớn nhất cập cảng trong thời gian qua. Theo kế hoạch trong năm nay, tàu Celebrity Millennium sẽ có tám chuyến cập cảng Chân Mây.

Để khai thác tiềm năng của cảng Chân Mây, trở thành điểm đến "An toàn, thân thiện và chất lượng" đối với du khách, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tiếp tục đầu tư, triển khai các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm; đồng thời tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch và du lịch tàu biển tại các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế nhằm xúc tiến, thu hút, tăng thời gian lưu trú của khách du lịch khi cập cảng Chân Mây.

Cảng Chân Mây là một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á (ACA) lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á. Đây là cảng chính giữa con đường biển kết nối Singapore, Philippines và Hong Kong.

Ngoài ra, cảng Chân Mây nằm ở vị trí trung tâm của Việt Nam, giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung (Huế-Đà Nẵng), Khu du lịch trọng điểm quốc gia (Cảnh Dương-Lăng Cô-Hải Vân, Vườn Quốc gia Bạch Mã), đô thị du lịch quốc gia Huế.

Mặt khác, cảng Chân Mây là cửa ngõ hướng ra Biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất đối với các vùng miền khu vực Hành lang kinh tế Đông Tây (là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar).

Cảng Chân Mây vì thế hội đủ điều kiện và tiềm năng để phát triển trở thành cảng công nghiệp du lịch tàu biển chuyên dùng. Hiện tại, cảng Chân Mây có bến tàu với chiều dài 420m, độ sâu trước bến 12,5m đủ khả năng đón tàu có trọng tải 30.000 DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn khoảng 3.000 khách.

Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1774/QĐ-TTg, ngày 19/12/2018 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Lăng Cô-Cảnh Dương tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm đưa Lăng Cô-Cảnh Dương phát triển xứng tầm một điểm đến mang tầm cỡ quốc tế với những sản phẩm du lịch nổi bật về nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, các sự kiện văn hóa-thể thao, cảng quốc tế, hình thành được thương hiệu lớn, nâng cao sức cạnh tranh, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Lăng Cô-Cảnh Dương có lợi thế về tài nguyên du lịch biển với một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam; có mối liên hệ thuận lợi với ba di sản thế giới là Cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn.

Để phát huy hiệu quả những tiềm năng và lợi thế, phát triển Lăng Cô-Cảnh Dương thành Khu du lịch quốc gia, một điểm đến tầm cỡ quốc tế trong tương lai, trên cơ sở quy định của Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc tổ chức lập Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Lăng Cô-Cảnh Dương là cần thiết nhằm xây dựng hệ thống các quan điểm, mục tiêu và các định hướng phát triển du lịch với với tầm nhìn dài hạn và bền vững cho Khu du lịch.

Theo quy hoạch, Khu du lịch quốc gia Lăng Cô-Cảnh Dương nằm trong Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, thuộc thị trấn Lăng Cô và xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc có diện tích khoảng 9.490ha. Trong đó, diện tích vùng lõi tập trung phát triển du lịch là 1.350ha.

Đến năm 2025, Khu du lịch Lăng Cô-Cảnh Dương trở thành điểm đến quan trọng hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên-Huế và khu vực miền Trung, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút được các dự án đầu tư phát triển du lịch, đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia; phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Lăng Cô-Cảnh Dương trở thành điểm đến mang tầm cỡ quốc tế.

Về chỉ tiêu khách du lịch, phấn đấu đến năm 2025, đón trên 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 600.000 lượt; đến năm 2030, đón trên 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 950.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt khoảng 3.400 tỷ đồng và tạo việc làm cho 7.000 lao động trực tiếp./.

Theo Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/thua-thienhue-phat-huy-tiem-nang-du-lich-bien-lang-co/595315.vnp

Tệp đính kèm