Nếu bạn đang cần tìm một cuốn sách viết về sự phát triển của một đô thị trẻ có tính đặc thù riêng nhưng đặt trong sự phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là về sự đổi mới của một địa danh nổi tiếng như Đà Lạt trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng thì bạn không thể bỏ qua tác phẩm “Đà Lạt: Ba thiên đường, hai hội tụ, một tầm nhìn” của tác giả - Tiến sĩ Phạm S.
Tiến sĩ Phạm S vừa là nhà quản lý, vừa là nhà khoa học, vừa là một nhà giáo - là tác giả với tâm huyết của mình trong suốt nhiều năm bền bỉ đã dành nhiều thời gian cho nghiên cứu một số quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, nghiên cứu những quốc gia có ngành du lịch phát triển bền vững và nghiên cứu quản lý phát triển đô thị trong nước và một số quốc gia ở trên thế giới. Tiến sĩ Phạm S vừa cho ra đời cuốn sách “Đà Lạt: Ba thiên đường, hai hội tụ, một tầm nhìn” do nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật phát hành.
Đây là cuốn sách có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, bổ ích cho bạn đọc, cách hành văn mộc mạc, thực tế; là nguồn tài liệu tham khảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh; công tác đào tạo, nghiên cứu trong quá trình phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cuốn sách bao gồm bốn chương. Trong đó, chương đầu tiên khái quát quá trình 125 năm hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt. Đà Lạt là thành phố trẻ song do yêu cầu phát triển để phù hợp với tính chất, yêu cầu mới đáp ứng quá trình phát triển theo xu thế thời đại, đến nay Đà Lạt đã có 13 Đồ án quy hoạch, chỉnh trang đô thị, quy hoạch đô thị. Hiện nay thành phố Đà Lạt đang triển khai Quyết định số: 704/QĐ - TTg ngày 12-5-2014 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó, tác giả đã nêu bật 10 đặc điểm nổi bật của thành phố Đà Lạt so với các thành phố khác ở Việt Nam và thế giới.
Chương 2 có tên gọi “Ba Thiên Đường – Thiên đường Du lịch, Thiên đường Tình yêu và Thiên đường Nông nghiệp” là một trong những chương tác giả dành nhiều thời gian nhất. Bởi trong quá trình hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt đã tạo nên tính đặc thù riêng, được cộng đồng xã hội, được du khách trong và ngoài nước cảm nhận và công nhận những nét đặc sắc hiếm có và duy nhất mà không có một thành phố nào trên thế giới có được, đó là: Đà Lạt là Thiên Đường Du lịch, Thiên Đường Tình yêu và Thiên đường Nông nghiệp.
Nhưng để làm sáng tỏ những điều đó không đơn giản, cần phải tìm sự khác biệt, cần những dẫn chứng thực tế... Tác giả đã cố gắng hệ thống lại chuỗi thời gian, với trải nghiệm cuộc sống, từng sống và làm việc tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, cũng như nghiên cứu, tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Trên cơ sở khoa học và thực tiễn, tác giả đã chứng minh rất thuyết phục Đà Lạt thật sự là Thiên đường Du lịch, Thiên đường Tình yêu và Thiên đường Nông nghiệp.
Tác giả cũng đã phân tích rất sâu sắc, rút ra được những đặc điểm, sự khác biệt để chứng minh ba thiên đường, 10 sự khác biệt về du lịch Đà Lạt so với các thành phố khác. Dẫn dắt giúp độc giả thấy được cảm nhận tình yêu thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan kiến trúc Đà Lạt và dẫn chứng những câu chuyện tình trong truyền thuyết đến những câu chuyện tình có thật đã góp phần tạo nên Đà Lạt là Thiên đường Tình yêu.
Chính từ cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, cảnh quan kiến trúc độc đáo Đà Lạt đã làm say đắm biết bao nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ và nhiếp ảnh tài ba cảm nhận từ đáy lòng với tình yêu Đà Lạt, họ đã để lại biết bao những tác phẩm để đời, trong đó số những bậc danh tài ấy có cố nhà thơ Hàn Mặc Tử và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thông qua nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của họ, tác giả là người rất hiếm đã cảm nhận, phân tích được 10 đặc điểm tương đồng rất thú vị giữa nhà thơ Hàn Mặc Tử và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mặc dù tuổi đời của các bậc danh tài ấy cách xa nhau, cho dù lĩnh vực hoạt động nghệ thuật cũng khác nhau. Đồng thời, tác giả cũng phân tích đưa ra 10 đặc điểm nổi bật của ngành nông nghiệp Đà Lạt để minh chứng Đà Lạt là Thiên đường Nông nghiệp.
Trong chương 3: “Hai hội tụ - Cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan kiến trúc và con người Đà Lạt”, tác giả đã đi sâu phân tích trong suốt quá trình hình thành và phát triển, thành phố Đà Lạt luôn thực hiện nguyên tắc: “Bảo tồn cảnh quan kiến trúc trong phát triển đô thị” giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển đã tạo cho Đà Lạt một nét rất riêng và về cảnh quan kiến trúc.
Dân cư Đà Lạt được hình thành từ người dân tộc gốc Tây Nguyên và cư dân từ khắp mọi miền đất nước, từ đó đã tạo nên những nét văn hóa phong cách rất riêng của người Đà Lạt. Qua nghiên cứu tác giả đã đưa ra 10 đặc điểm khác biệt do sự hòa quyện về cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan kiến trúc và con người Đà Lạt.
Ở chương cuối cùng mang tên “Một tầm nhìn – Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”, tác giả đã phân tích về quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu, quy luật khách quan của sự phát triển các quốc gia trên thế giới. Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế có tác động nhiều lĩnh vực kinh kinh tế - xã hội, đặc biệt trong điều kiện tác động vô cùng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong điều kiện cụ thể quá khứ, hiện tại và tương lai của thành phố Đà Lạt, tác giả khuyến nghị và đề xuất một một số ngành và lĩnh vực mà Đà Lạt có lợi thế với đến năm 2030 để cho thế hệ trẻ Đà Lạt tham khảo, nhận thấy cơ hội trong tương lai với tầm nhìn dài hạn, từ đó luôn có khát vọng, có quyết tâm cao, biến những tri thức trở thành những hành động cụ thể góp phần xây dựng Đà Lạt ngày càng phồn vinh, thịnh vượng tương xứng với tiềm năng vốn có.
Để hoàn thiện nội dung cuốn sách, tác giả đã luôn trăn trở và có cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, nhân văn, khoa học, giáo dục, quản lý phát triển đô thị, du lịch, nông nghiệp, thơ, nhạc, tình yêu, thiên nhiên, môi trường, biến đổi khí hậu và tầm nhìn chiến lược trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế…
Cuốn sách cho độc giả biết khái quát về mặt thời gian suốt quá trình 125 năm Đà Lạt hình thành và phát triển triển. Về không gian, cuốn sách cho độc giả thấy thành phố Đà Lạt có mối quan hệ xã hội rất đặc sắc, ngẫu nhiên với nhiều địa phương khác trong cả nước như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh...; có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều bộ ngành; có quan hệ tốt đẹp với nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Anh, Nhật Bản, Bỉ, Hà Lan, Mỹ, Úc, Hàn Quốc...; và nhiều tổ chức quốc tế như: UNESCO, UNEP, ASEAN, WB, ADB, UNDP, WHO, IDH, JICA, JETRO, KOICA, PUM...
“Đà Lạt: Ba thiên đường, hai hội tụ, một tầm nhìn” của tác giả - Tiến sĩ Phạm S là cuốn sách viết về sự phát triển của một đô thị trẻ có tính đặc thù riêng nhưng đặt trong sự phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng. Do đó nội dung cuốn sách đáp ứng cho nhiều đối tượng độc giả trong nhiều lĩnh vực và mọi lứa tuổi: độc giả là các nhà quản lý, các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp, sinh viên và các bạn trẻ khởi nghiệp sáng tạo... có thể dùng để nghiên cứu, tham khảo vận dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
PV
Theo nhandan.com.vn