“Ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên” - câu ca truyền khẩu ấy nói về sự khắc nghiệt, gian khó của vùng đất được mệnh danh “cửa gió” trên đỉnh đèo Khau Co, “cánh cửa” phía tây nam tỉnh Lào Cai thông với tỉnh Lai Châu hùng vĩ. Ở đó, những người lính kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn cùng với tộc người Mông xanh duy nhất ở vùng Tây Bắc vẫn ngày đêm bám đất, bám rừng giữ bình yên và mầu xanh đại ngàn Hoàng Liên hoang sơ, tươi đẹp.
Tuần tra bảo vệ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn (Lào Cai).
“Cửa gió” nơi đỉnh trời Khau Co
Quốc lộ 279, con đường chiến lược mang số hiệu lớn nhất Việt Nam, dài hơn 600 km, chạy qua 10 tỉnh biên giới phía bắc, từ Hạ Long (Quảng Ninh) tới cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) được hoàn thành trong thời gian ngắn kỷ lục sau chiến tranh bảo vệ biên giới, kết nối một dải biên cương phía bắc đất nước. Sớm mùa thu, trên con đường uốn lượn như dải lụa mềm, vắt qua những địa danh miền sơn cước: Võ Lao, Sơn Thủy, Minh Lương, Nậm Xé lãng đãng sương mây, chúng tôi đến độ cao 1.200 m so với mực nước biển, thì bất ngờ òa ra trước mặt khoảng trời chói chang, hun hút gió gào như vỗ vào tai. Đó chính là “cửa gió” trên đỉnh đèo Khau Co hùng vĩ. Con đèo này dài hơn 30 km, lớn thứ hai (sau đèo Ô Quí Hồ, dài 50 km) ở tỉnh Lào Cai nối thông sang phía tây nam miền đất cực bắc của Tổ quốc, “trái tim đập không một ai nhìn thấy/ nơi cuối trời Tây Bắc có Lai Châu”.
Xe dừng ở Trạm kiểm lâm Khau Co. Cuối thu mà gió vẫn rít như xé vải, anh bạn đồng nghiệp một tờ báo ở Hà Nội đi cùng hào hứng: “Trăm nghe không bằng một thấy, “cửa gió” Khau Co quả là hùng vĩ và bí hiểm, lặng lẽ ẩn mình một góc trời Tây Bắc”. Đứng trên đỉnh đèo, phóng tầm mắt phía Văn Bàn (Lào Cai) hay phía Than Uyên (Lai Châu) mới thấy hết sự hiểm trở, hun hút khe sâu và dựng đứng vách đá ken trời ở đây. Khau Co là tên đọc chệch ra từ “Khau Cọ”, là tiếng của đồng bào bản địa, tức là “Cửa Gió”. Chúng tôi từng đi qua “tứ đại đèo” nổi tiếng ở các tỉnh miền núi phía bắc như Pha Đin, Khau Phạ, Ô Quí Hồ… Tại Khau Co, vẫn thấy nét đặc trưng gió thổi ngày đêm không ngớt, ào ào như bão, như muốn bốc cả người và xe “ném” xuống vực sâu hun hút. Địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt là thế nên ngày trước, thực dân Pháp đã xây đồn bốt kiên cố, đặt hỏa lực khống chế cả vùng Văn Bàn và Than Uyên rộng lớn, ý đồ “bịt chặt” Cửa Gió, được coi như “yết hầu” của bộ đội và du kích ta ở vùng Tây Bắc. Nhưng cũng chính nơi đây, vào tháng 10-1949 đã ghi dấu trận công kiên ác liệt của bộ đội ta đánh đồn Khau Co, sau khi Bác Hồ phát Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Tại đây, bộ đội chủ lực và du kích huyện Văn Bàn sau nhiều giờ chiến đấu dũng cảm, đã chiếm lĩnh, cắm lá cờ đỏ sao vàng chiến thắng lên hầm ngầm của địch, tạo tiền đề tiến xuống đánh đồn Minh Lương, giải phóng huyện lỵ Văn Bàn, tiến tới giải phóng hoàn toàn Lào Cai. Di tích chiến thắng đồn Khau Co vừa được tỉnh Lào Cai tôn tạo và công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa, để ghi nhớ và biết ơn những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước, quê hương.
Đưa chúng tôi đến từng địa danh Tà Náng, Nậm Xi Tan, Tu Thượng, cựu binh già Lý A Kho, dân tộc Mông xanh vẫn nhớ như in những ngày tháng ăn măng rừng, rau tàu bay, nằm phơi mình chịu vắt cắn, muỗi đốt để phục kích tiễu trừ những tên phỉ cuối cùng ngoan cố không chịu hoàn lương, giữ bình yên cho tộc người Mông xanh duy nhất sinh sống nơi đây. Ông bảo, chính chỗ bờ ruộng Nậm Xi Tan này, ông đã bắt sống hai tên phỉ, giải về đơn vị, sau đó phóng thích cho chúng về với gia đình để hoàn lương. Trên từng tấc đất quê hương, dù ở nơi “cuối trời Tây Bắc” xa xôi vẫn thấm hồng xương máu của cha anh năm nào, càng trân quý và tự hào về cuộc sống bình yên hôm nay. Nắng thu vàng như rót mật, đứng ở đỉnh đèo Khau Co, hút tầm mắt là đại ngàn Hoàng Liên xanh thăm thẳm, ken dày thân cây tán lá rừng đủ loại, như chiếc ô xanh khổng lồ bao bọc, che chở bản làng, con người sinh sống nơi “cửa gió” khắc nghiệt nhất ở Lào Cai. Mấy ai biết, dưới những tán rừng đại ngàn xanh ngăn ngắt kia là “kho” động, thực vật phong phú, quý hiếm, chỉ nơi này mới có.
Giữ mầu xanh đại ngàn
Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn được thành lập ngày 27-3-2017, rộng hơn 24 nghìn ha. Đây là vùng rừng nguyên sinh nằm trên các sườn núi cao từ 800 đến 1.900 m, nhiều nơi chưa in dấu chân người. Hệ động vật ở đây rất đa dạng về thành phần loài và đặc trưng cho khu hệ động vật vùng Tây Bắc ở Việt Nam, bao gồm 486 loài động vật, thuộc 89 họ và 27 bộ, có nhiều loài quý hiếm như vượn đen tuyền, cầy vằn, chim trèo cây, cá cóc… Thực vật có 2.500 loài, trong đó có tám loài lần đầu phát hiện ở Việt Nam, có sáu loài rất mới mà khoa học cần nghiên cứu. Ở đây có loài bách tán Đài Loan, hiện chỉ còn một quần thể duy nhất tại Văn Bàn với khoảng 120 cá thể.
Rừng Khau Co như “tấm áo giáp” che chở huyện Văn Bàn đầy nắng gắt và gió Lào khô khát từ phía Than Uyên (Lai Châu) thổi sang. Cũng do tiếp giáp giữa ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu, có hàng trăm lối mòn từ các địa phương dẫn đến vùng lõi của rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nên việc giữ cây, giữ rừng như là mệnh lệnh chiến đấu với những người lính kiểm lâm ở đây.
“Xưa, rừng che bộ đội, rừng vây quân thù, thì nay nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ và phát triển rừng” - Trưởng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Văn Bàn Trần Đức Hà khẳng định. Việc đầu tiên là đi thực địa cắm hàng trăm mốc ranh giới bảo vệ rừng mà các kiểm lâm viên ở đây gọi là “đi chấm”, tức là vào rừng để xác định thực địa các điểm tọa độ theo bản đồ. Hoàng Hữu Hát, người “đi chấm” giỏi nhất ở Trạm kiểm lâm Nậm Xi Tan vẫn nhớ như in lần “đi chấm” ở vùng giáp ranh Than Uyên (Lai Châu). Giày vải, áo mưa, dụng cụ đo đạc, bản đồ, định vị chuyên dụng, gạo rang, nước uống, thuốc men, dao phát… tổ ba người “đi chấm” cắt gai luồn rừng, đêm căng bạt hạ sơn tại chỗ, chui túi ngủ chống muỗi và rắn rết, ròng rã 32 ngày đêm để xác định đúng điểm tọa độ cắm mốc trên thực địa. “Người “đi chấm” phải khỏe, bền bỉ, xác định phương hướng tốt, kỹ năng sinh tồn giỏi thì mới “trụ được” với nghề” - anh Hát chia sẻ. Chẳng thế, trong câu chuyện về những người lính kiểm lâm từ nhiều miền quê, tốt nghiệp trung cấp hay đại học chuyên ngành tụ hội nơi “cửa gió” Khau Co này lập nghiệp, cũng có người đã “thoái chí, nản lòng” rời bỏ đội ngũ vì gian khổ, hiểm nguy, xa gia đình, đời sống khó khăn.
Bằng tình yêu rừng và trách nhiệm với nghề nghiệp, những người lính kiểm lâm ở Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn đã cắm 148 cột mốc ranh giới thực địa, làm “bức tường cứng” bảo vệ rừng ở nơi hiểm yếu này. Cắm được mốc ranh giới thực địa, Khu bảo tồn và chính quyền địa phương ở ba tỉnh mới có cơ sở để ký kết nội dung, cách thức phối hợp bảo vệ “lá phổi” xanh mẹ thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây. Vậy bức tường mềm là gì? Trưởng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Văn Bàn Trần Đức Hà trả lời ngay: Đó là lòng dân, là ý thức và trách nhiệm “giữ cây, bảo vệ tấm áo đang mặc” của chính mình. Trên đỉnh Khau Co ngút ngàn nắng gió này, chỉ duy nhất có tộc người Mông xanh, khoảng hơn 100 hộ bám trụ, sinh sống bền bỉ và kiên cường từ bao đời nay. Họ được coi là những “chiến binh” ở nơi “cửa gió” đầy lam chướng, bởi tri thức bản địa phong phú, kỹ năng sinh tồn trên núi cao và nhất là tấm lòng yêu mẹ thiên nhiên vô bờ bến. Ở phía dưới thấp hơn là nơi sinh sống của người Dao, người Giáy.
Anh Hà tâm sự: “Nếu không dựa vào dân, tạo điều kiện cho dân sống được từ rừng thì chúng tôi không thể bảo vệ, gìn giữ được rừng. Bởi rừng thì rộng mà lực lượng có hạn, trong khi “lâm tặc” luôn nhăm nhe chặt phá”. Dân sống được từ rừng là biết tận dụng tán che của rừng nguyên sinh để trồng thảo quả, một loại dược liệu quý. Khu bảo tồn thiên nhiên Văn Bàn phối hợp chính quyền xã thực hiện “ba cùng” với kiểm lâm của đơn vị, tức cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng chung. Dân vào rừng chăm sóc và thu hoạch thảo quả theo diện tích đăng ký, có xác nhận của chính quyền địa phương và có trách nhiệm bảo vệ cây lớn trên phần đất trồng thảo quả đó. Hơn 1.000 ha thảo quả hằng năm đem về cho đồng bào Mông, Dao, Giáy nơi đây hàng chục tỷ đồng, giúp cải thiện và nâng cao đời sống. Người dân hăng hái cùng kiểm lâm viên tuần tra giữ cây, bảo vệ rừng như nhà mình. Đến nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Văn Bàn đã xây dựng được 11 tổ tuần tra hỗn hợp và hàng trăm cộng tác viên kiểm lâm ở các thôn, bản, đó là lực lượng then chốt, là “tai mắt” của đơn vị bảo vệ và gìn giữ rừng trên đỉnh Khau Co.
Tại Trạm kiểm lâm Nậm Xi Tan, tôi gặp Bàn Văn San, người dân tộc Dao, ở bản Ta Náng đang sửa soạn đồ nghề chuẩn bị cùng các kiểm lâm viên của Khu bảo tồn lên đường tuần tra vùng lõi thuộc tiểu khu 510, 518, nơi tập trung những cây pơ mu trăm tuổi duy nhất còn lại ở Lào Cai. Đây là cung tuần tra gian khổ nhất, kéo dài cả tuần. Họ lên đường để giữ mầu xanh của đại ngàn Hoàng Liên hùng vĩ, để “cửa gió” bớt khô khát mùa nắng lửa, để phía dưới là những bản làng đồng bào người Mông xanh, Dao đỏ luôn bình yên.
BÀI VÀ ẢNH: QUỐC HỒNG
Theo nhandan.com.vn