Ngày 25-9, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Trường đại học Tây Nguyên tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Trường đại học Tây Nguyên.
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”
Các sinh viên Trường đại học Tây Nguyên được chuyên gia giới thiệu các hình ảnh, bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Đây là hoạt động thông tin, tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thông qua các tư liệu, văn bản, bản đồ, hình ảnh, hiện vật. Qua đó, khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Triển lãm trưng bày các tư liệu, văn bản, ấn phẩm và bản đồ được tập hợp từ các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế với mục đích cung cấp các thông tin, bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam cũng như giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường đại học Tây Nguyên.
Thông qua các tư liệu, văn bản, bản đồ, hình ảnh, hiện vật, khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bảo đảm cho cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường được phổ biến đầy đủ và nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo Việt Nam.
Triển lãm gồm các nhóm tư liệu chính: Bộ tranh vẽ “Lược sử Việt Nam”, tóm tắt quá trình hình thành, xây dựng, phát triển và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam qua các thời kỳ, từ thời Kinh Dương Vương cho đến thời kỳ nước CHXHCN Việt Nam.
Các tư liệu thành văn của các triều đại phong kiến Việt Nam, gồm các văn bản, thư tịch cổ thể hiện rõ việc các triều đại phong kiến Việt Nam đã thường xuyên tổ chức các hoạt động đi ra thăm dò, khai phá, xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt là bộ châu bản của triều Nguyễn, có niên đại từ triều Minh Mạng (1820 - 1841) đến triều Bảo Đại (1926 - 1945), phản ánh quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền một cách liên tục dưới triều Nguyễn.
Các bản đồ và các atlas liên quan chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt là bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795 - 1869), nhà địa lý học người Bỉ, người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ biên soạn. Đây là một tài liệu vô giá, không chỉ về mặt học thuật, mà còn là một tài liệu có giá trị pháp lý góp thêm vào bộ hồ sơ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và là tài liệu quý trong công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Các tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa trong thời kỳ Pháp thuộc và Việt Nam cộng hòa; một số tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong thời gian vừa qua. Hình ảnh, tư liệu về “Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Việt Nam và bạn bè quốc tế” cùng những hiện vật và hình ảnh về công cuộc thực thi chủ quyền và đấu tranh “Bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa”.
Trong khuôn khổ triển lãm, còn trình chiếu triển lãm 3D, trải nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trên máy tính bảng. Phần mềm Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ thực tại ảo 3D bằng cách số hóa một số tư liệu có giá trị pháp lý cao, như: thư tịch, châu bản, bản đồ cổ của Việt Nam; bản đồ các nước phương Tây; bản đồ Trung Quốc;... được tích hợp và số hóa dưới dạng âm thanh, văn bản trên nền tảng công nghệ thực tại ảo 3D, cho phép người xem được tự do đi lại và khám phá các tư liệu hiện vật trong không gian ảo như thật...
Tại triển lãm, còn trưng bày tem bưu chính chung tay bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam, gồm các hình ảnh con tem nói về chủ quyền biển, đảo; về phát triển kinh tế biển của Việt Nam thông qua ngôn ngữ hội họa đặc trưng của tem bưu chính, qua đó khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các quần đảo của Việt Nam, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoài ra, Ban tổ chức triển lãm còn tổ chức giao lưu giữa cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường đại học Tây Nguyên với các chuyên gia, nhà nghiên cứu về Biển Đông nhằm giải đáp cũng như cung cấp thêm thông tin liên quan biển, đảo, đặc biệt là chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Sau khi kết thúc triển lãm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chuyển giao toàn bộ tư liệu và hiện vật trưng bày tại triển lãm để Trường đại học Tây Nguyên tiếp tục tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường.
Triển lãm diễn ra từ ngày 25 đến 27-9.
Các sinh viên tìm hiểu chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa qua sách, ảnh trưng bày tại triển lãm.
Các sinh viên tìm hiểu chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng các tư liệu số hóa trên máy tính bảng.
NGUYỄN CÔNG LÝ
Theo nhandan.com.vn