Không ít người dân TP Hồ Chí Minh vẫn quen gọi ngõ 423 phố Lạc Long Quân (quận 11) là phố đèn lồng hay xa hơn nữa là làng đèn lồng Phú Bình. Từ bao năm, cứ qua tháng bảy âm lịch, nơi đây lại rực rỡ với đèn lồng đủ sắc mầu, báo hiệu một mùa Trung thu nữa lại về.
Làng đèn lồng Phú Bình gần như chỉ gói gọn trong con ngõ nhỏ, nằm khép mình bên đường Lạc Long Quân vốn thường xuyên tấp nập xe cộ. Không ít người dân thành phố bảo, nếu không có con phố đó, Trung thu nơi đây liệu có trọn vẹn? Đám trẻ con lớn lên, làm sao biết trong lòng thành phố cũng có một trung tâm đèn lồng rực rỡ sắc mầu mỗi khi Trung thu chạm ngõ. Con phố nhỏ, mấy chục ngôi nhà, không cao, không thấp. Trong đó, những hộ dân còn đan đan, vót vót, tỉ mẩn làm đèn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Những chiếc đèn Trung thu xuất hiện trên con ngõ nhỏ đến nay đã khoảng 60 năm, từ hồi những người dân ở Nam Định vào nam, tập hợp thành làng rồi lấy cây đèn lồng ở nơi xưa, quê cũ làm kế sinh nhai. Trải qua nhiều thăng trầm, tưởng như những năm 90 của thế kỷ trước, đèn lồng Phú Bình bị chìm vào quên lãng bởi sự lạ mắt của đèn lồng Trung Quốc. Giai đoạn đó cũng chỉ kéo dài khoảng 10 năm, sau nhiều năm khó khăn chồng chất, dù chỉ còn khoảng chục hộ theo nghề, nhưng đèn lồng Phú Bình đã sống dậy, phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển của thương hiệu đèn lồng Phú Bình hôm nay chủ yếu dựa vào bàn tay, khối óc của các nghệ nhân, những người không chịu bỏ cuộc. Đèn lồng ở Phú Bình thường xuyên xuất hiện mẫu mã mới, vẫn giữ được sự đơn giản nhưng tinh tế. Những chiếc đèn con bướm, con gà, con lợn… lần lượt được những bàn tay làng Phú Bình làm ra, đem lại sức sống mới cho một làng nghề tưởng như sắp mai một.
Tôi hỏi nghệ nhân Nguyễn Hưng Thịnh: “Tại sao thời kỳ khó khăn, nhiều người bỏ nghề, mà ông vẫn làm, không tìm sinh kế mới?”. Chậm rãi với những nan tre, với chiếc đèn lồng xanh đỏ, ông Thịnh chia sẻ: “Từ hồi tóc còn để chỏm tôi đã theo cha, theo mẹ học làm lồng đèn. Hơn 40 năm làm đèn rồi, giờ biết làm chi”. Nói thì nói vậy, nhưng qua câu chuyện của ông Thịnh, tôi biết, như một sự run rủi, số phận đã mang ông đến với đèn lồng, ông không muốn chuyển sang nghề khác. Như ông tâm sự, chính sự tỉ mẩn, khéo léo, công phu của những chiếc đèn lồng đã khiến ông say mê. Mùa Trung thu, mấy tháng ngồi làm đèn lồng mà ông chỉ thấy vui, chưa bao giờ thấy chán.
Mùa Trung thu năm nay, đến với làng Phú Bình, không khó để bắt gặp những chủ hiệu đồ chơi kiên nhẫn đợi hàng. Rồi những chuyến xe chở đèn lồng nơi đây tản ra, mang nét văn hóa của làng đi khắp thành phố. Lớp trẻ tối đến dạo trên phố, nhanh chóng bị những chiếc đèn đủ mầu sắc, hình dạng thu hút, hí hoáy chụp cho mình những bức ảnh ưng ý nhất. Không ít phụ huynh sau giờ làm ghé vào chọn mua những chiếc đèn xinh xắn cho con. Chị Phạm Thanh Ngân, nhà ở quận Tân Bình chia sẻ: “Dù không vui tai, vui mắt như những cây đèn bằng nhựa, có thể phát nhạc, nhưng tôi bị chính sự đơn giản, tinh tế mà không kém phần đẹp đẽ của những chiếc đèn ở Phú Bình lôi cuốn”.
Nhìn theo chiếc xe chở đầy đèn từ cơ sở của mình hướng ra đường Lạc Long Quân, chị Nguyễn Thị Ánh Loan, một chủ hàng ở Phú Bình không giấu nổi ánh mắt đầy hân hoan. Chị bảo, mới chỉ 10 năm trước thôi, đang khó khăn là thế, nhiều khi chị muốn buông xuôi. Còn bây giờ, mọi thứ đã ổn hơn nhiều. Những ngày đầu làng nghề mới qua khỏi giai đoạn khó khăn, nhìn đám trẻ thích thú với những chiếc đèn lồng Phú Bình, đã có lúc, chị Loan không cầm được nước mắt.
Chia tay làng đèn lồng Phú Bình, khi ánh đèn đường đã leo lét, tôi thấy vui khi chứng kiến sự phát triển của làng nghề nơi đây. Thế nhưng câu nói của ông Nguyễn Hưng Thịnh, người nghệ nhân tâm huyết vẫn khiến tôi không khỏi suy nghĩ. Đám trẻ nơi đây, phụ cha mẹ làm đèn thì được, đứng mũi chịu sào thì không dám, chưa kể nhiều nghề có thu nhập cao hơn nhiều. Sau này, khi những nghệ nhân mắt đã mờ, tay đã mỏi, tương lai của đèn lồng Phú Bình sẽ đi về đâu?
Theo MỘC LAN/nhandan.com.vn