Một tòa án Bangladesh hôm nay, 24/10, đã tuyên án tử hình với 16 bị cáo bị buộc tội gây ra cái chết của nữ sinh 19 tuổi sau khi cô dám đứng lên “tố” bị thầy hiệu trưởng tấn công tình dục.
Nữ sinh xấu số Nusrat Jahan Rafi (Ảnh: BBC)
Ngày 10/4, nữ sinh Nusrat Jahan Rafi, 19 tuổi đã qua đời chỉ vài ngày sau khi cô bị thiêu sống trên nóc ngôi trường Hồi giáo mà cô theo học tại thị trấn Femi, phía nam thủ đô Dhaka của Bangladesh. Theo BBC, một đám đông dùng dầu hỏa và châm lửa đốt nạn nhân.
Nusrat đã bị bỏng tới 80% cơ thể vì vụ tấn công sau khi cô từ chối rút lại cáo buộc bị hiệu trưởng ngôi trường cô theo học quấy rối tình dục.
Thầy hiệu trưởng và 2 nữ sinh học cùng lớp với nạn nhân cũng nằm trong danh sách 16 người bị kết án tử hình hôm nay.
Gia đình của cô gái trẻ đã đồng thuận với bản án, yêu cầu các hình phạt cần sớm được thực thi. Trong khi đó, luật sư của các bị cáo tuyên bố thân chủ của họ sẽ kháng án.
Cái chết của Nusrat đã khiến dư luận Bangladesh tức giận đòi công lý cho cô (Ảnh: BBC)
Cái chết của cô gái trẻ đã khiến dư luận Bangladesh bàng hoàng, dẫn đến hàng loạt các cuộc biểu tình đòi hỏi công lý cho Nusrat.
Hồi tháng 3, Nusrat khai với cảnh sát rằng hiệu trưởng Siraj-ud-Daula đã gọi cô lên phòng làm việc và sau đó có hành vi đụng chạm không đứng đắn với cô gái trẻ.
Tuy nhiên, hành động của Nusrat đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ chống lại vào cô và gia đình. Một số nam sinh của trường Hồi giáo này thậm chí còn tổ chức tuần hành để ủng hộ hiệu trưởng.
Bi kịch xảy ra khi cô gái trẻ bị lừa lên nóc ngôi trường vào ngày 6/4, rồi bị từ 4-5 người bịt mặt vây lại, yêu cầu cô rút lại lời cáo buộc.
Khi Nusrat từ chối, cô bị châm lửa đốt. Theo cảnh sát, những kẻ gây án hy vọng vụ việc sẽ trông giống như nạn nhân tự sát, nhưng cô gái trẻ đã chạy thoát và cầu xin sự giúp đỡ.
Cảnh sát đã bắt giữ 15 người trong khi hiệu trưởng Doula đã bị lực lượng hành pháp giam giữ trước đó.
Theo truyền thông địa phương, trong đoạn video ghi lại lời của Nusrat sau vụ tấn công, cô gái 19 tuổi nói: “Thầy giáo đó đã đụng chạm vào tôi. Tôi sẽ chống lại tội ác này tới hơi thở cuối cùng”.
Theo BBC, xâm hại tình dục không phải là chuyện hiếm gặp ở Bangladesh. Tuy nhiên, việc dũng cảm lên tiếng như Nusrat được cho khá khác thường vì các nạn nhân đi trình báo bị xâm hại thường bị cộng đồng chỉ trích, soi xét và nhận áp lực lớn từ dư luận lên bản thân và gia đình.
Theo Đức Hoàng/dantri.com.vn