Cập nhật: 26/10/2019 11:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Diễn viên Ngọc Quỳnh-người đóng vai Thái trong “Hoa hồng trên ngực trái” trải lòng về quãng thời gian khó khăn để nuôi đam mê nghệ thuật.

Ăn mỳ tôm hàng tháng trời, chạy xe ôm, bán hoa để theo nghề diễn viên

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê của huyện Thường Tín, Hà Tây cũ. Người dân quê tôi nói giọng địa phương rất nặng. Ngày lên Hà Nội thi đại học, tôi bị ngợp bởi nhìn các bạn ai cũng xinh đẹp, sành điệu, trong khi mình gầy gò, ăn mặc quê mùa, giọng nói còn ngọng líu lô.

Nhắc đến cơ duyên thi vào trường Sân khấu Điện ảnh cũng rất tình cờ. Ngày đó, đang ôn vào trường Văn hoá thì có ông chú quen của gia đình bảo tôi nộp thêm hồ sơ thi vào Sân khấu. Lúc ấy, tôi mới biết có ngôi trường mang tên Sân khấu Điện ảnh và cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành diễn viên. Đến lúc có kết quả thi, trường Văn hoá thiếu 1,5 điểm trong khi Sân khấu báo đỗ. Như có gì đó thôi thúc, mặc kệ lời can ngăn của bố mẹ, tôi quyết chí đi học Sân khấu.

 

Ngọc Quỳnh đã trải qua nhiều vất vả để có được "trái ngọt". 

Học hết năm thứ nhất, tôi tình cờ được chọn đóng vai Tiến trong bộ phim Hoa cỏ may của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Quay gần 3 tháng, dồn hết tiền đi mua mấy cái sơ mi Việt Tiến lúc ấy là sang lắm với một thằng sinh viên nghèo, xăng xe tự đổ, tôi nhận cát-sê là 1,1 triệu bạc. Thế nhưng đến giờ nhìn lại, tôi vẫn cho rằng Tiến không phải là một vai diễn thành công, mặc dù vai của tôi nằm trong hệ thống vai chính. Thành công sao được, bởi lúc đó tôi đọc thoại còn không biết mình đang thoại gì, diễn thì run lập cập. Đóng phim mà lệ thuộc hoàn toàn vào bạn diễn, đạo diễn. Sau “Hoa cỏ may”, thấy mình còn non, tôi quyết định không nhận lời đóng bất cứ phim nào nữa mà tập trung hoàn toàn vào việc học.

Tôi tâm niệm có khổ đến mấy cũng phải theo nghề nhưng dứt khoát không thể làm gánh nặng cho bố mẹ. Thực ra gia đình tôi ngày trước rất khá giả. Bố tôi là ông chủ than, mỗi lần đánh hàng là đến hàng chục nghìn tấn rải cho các lò than. Rồi không may người ta vỡ nợ, nhà tôi cũng vỡ nợ theo, phải bán cả nhà, cả xe ô tô để trả nợ. Ngày tốt nghiệp, tôi bảo với bố mẹ: con sẽ tự sống. Nghĩ là làm, trong túi còn đúng 1 triệu, tôi đi mua 1 cái sục nước nóng của Tàu, 1 thùng mỳ tôm và mấy chục quả trứng. Ăn mỳ tôm trứng hàng tháng trời khiến người lúc nào cũng bủn rủn vì đói và thiếu chất.

Để kiếm sống, tôi không ngại ngần hay nề hà bất cứ công việc gì. Có con wave tàu, buổi tối tôi và mấy anh em cùng cảnh ngộ sinh viên mới ra trường chưa kiếm được việc ra đầu cầu Nhân Chính, đứng cạnh chú xe ôm xem có ai thuê thì chở họ. Có người nhận ra tôi còn bảo: “ôi anh diễn viên, anh cứ trêu em”. Xấu hổ quá, tôi lại xách xe đi về. Rồi ngày 8/3, mấy anh em bàn nhau phóng lên Vĩnh Phúc, mua tại vườn 700 đồng một bông hoa hồng để mang về bán 10.000 nghìn đồng. Lãi chia nhau được mấy trăm nghìn cũng thấy quý.

Cái thời ấy làm diễn viên khổ lắm. Tôi đi quay 1 vai ngắn trong phim nhựa “Người đi tìm giấc mơ” từ trưa đến 1h đêm ở Láng Hoà Lạc. Quay xong, anh trợ lý phát cho 3 anh em 60 nghìn đồng. Tôi cầm tưởng là tiền ăn trưa, về sau mới ngã ngửa biết đó là tiền cát-sê. Ngày tôi về đoàn kịch Công an, làm hơn 1 năm trời không có lương, tôi diễn đủ mọi loại vai, kể cả vai quần chúng. Sau sang Nhà hát Tuổi trẻ, cũng chịu cảnh không lương. Về sau anh em thấy tôi yêu nghề, ngày nào cũng đến Nhà hát, không nề hà bất cứ công việc gì, anh Anh Tú mới thương tình ký cho cái hợp đồng ngắn hạn, 500 nghìn đồng/tháng. Tôi mừng lắm, vì ít nhất cũng có tiền đổ xăng xe. Bây giờ, sau hơn chục năm lăn lộn trong nghề, lương tôi cán đích 4,1 triệu (cười).

Với nghề, tôi tự tin về diễn xuất, về ngoại hình. Tôi không ngại nếu phải hoàn thành một phân đoạn nội tâm cao trào, hay phải vượt qua áp lực diễn xuất bên cạnh các tên tuổi ăn khách. Nhưng tôi nghĩ mình thiếu cơ hội, thiếu sự may mắn. Đồng nghiệp bằng tuổi tôi nhiều người đã có đủ huy chương để được xét tặng danh hiệu NSƯT. Đến năm ngoái, tôi mới nhận được huy chương vàng Sân khấu Thủ đô, tấm huy chương đầu tiên trong sự nghiệp. Tôi làm nghề gian truân, vất vả hơn người khác, song đi những bước chậm nhưng chắc, tôi mừng là mình chưa bao giờ chọn lựa bỏ cuộc.

Thái không ác, anh ta chỉ quá tham sân si

“Hoa hồng trên ngực trái” đang nhận được hiệu ứng tích cực của khán giả. Đi ăn sáng, ngồi cà phê, trà đá, tôi vui khi nghe mọi người bàn tán Thái ác ra sao, Khuê nhẫn nhịn hiền lành thế nào. Tôi coi vai Thái trong “Hoa hồng trên ngực trái” là một bước trưởng thành trong sự nghiệp diễn xuất của mình. Nhiều khán giả bình luận vai Thái diễn hơi kịch, tôi không phủ nhận, bởi tôi xuất thân là một diễn viên kịch nói, song để lột tả bi kịch, tôi cũng chủ động làm quá hơn một chút. Ngày đầu trên phim trường, anh Đỗ Thanh Hải nhắc: “Quỳnh ơi, em tiết chế chút đi, em diễn hơi căng. Phim truyền hình bây giờ phải diễn tiết chế”. Còn đạo diễn Vũ Trường Khoa giúp tôi phân tích tâm lý nhân vật rất kỹ. Ngay lập tức, tôi điều chỉnh nét diễn cho "đời" hơn, mềm mại hơn.

Thái tuy đối xử tồi với vợ nhưng rất yêu mẹ, thương con.

Cảnh Thái yêu cầu Khuê ly hôn, khi Khuê đồng ý, tôi dụng tâm diễn tả sự hẫng hụt, chơi vơi của Thái, mặc dù chính Thái là người chủ động. Cái nét tâm lý đó là điểm sáng hiếm hoi của Thái, cứu Thái giữa bộn bề khuyết điểm. Thực ra Thái không ác. Vấn đề của Thái là quá tham sân si, ham mê quyền lực, tiền bạc và mê tín dị đoan. Thái là người con hiếu thảo và là người bố rất yêu con. Thái vô tình bị đẩy vào mê hồn trận của Trà, bà Dung và ông Thông nên hiểu lầm rồi ruồng rẫy Khuê. Thái làm tất cả vì đứa con trai đổi vận và không đủ tỉnh táo để suy xét cái bẫy giăng ra trước mắt mình.

Ngọc Quỳnh đã dồn 200% tâm sức cho vai diễn.

Trong phim, tôi ấn tượng nhất với Hồng Diễm. Một phần vì tôi tương tác nhiều nhất với Diễm, phần vì bạn ấy không phải là diễn viên đào tạo chính quy, nhưng chính nét diễn bản năng, tự nhiên và giàu cảm xúc của Diễm đã đẩy bạn diễn đi theo.

Nhiều người hỏi tôi có gặp áp lực không khi đóng “Hoa hồng trên ngực trái”? Bởi tôi phải diễn xuất bên cạnh cặp Hồng Diễm-Hồng Đăng rất ăn khách, bên cạnh các cô chú, đàn anh đàn chị như NSND Hoàng Cúc, NSND Công Lý đến các gương mặt mới như Lương Thanh, Trọng Lân…. Tôi xin khẳng định là không. Bởi với “Hoa hồng trên ngực trái”, Ngọc Quỳnh đã dồn đến 200% tâm sức vào vai diễn. Và tôi vui vì đã vượt qua chính mình, được làm hết mình, sống hết mình với đam mê./. 

Theo Tố Uyên/VOV.VN

Tệp đính kèm