Trong thời gian sau sinh, tùy theo điều kiện của từng người như: sinh thường hay sinh mổ; đẻ dễ hay đẻ khó và các yếu tố cá nhân khác... tùy vào thể trạng của từng người mà phụ nữ có những thay đổi về thể chất và cảm xúc khác nhau.
Có thể thấy là phụ nữ sau khi sinh nhan sắc không như trước, sức khỏe giảm sút đi rất nhiều. Sau sinh, người có những sự thay đổi nhất định về sức khỏe, ngoại hình, cũng như tinh thần và cảm xúc. Những thay đổi và một số vấn đề có thể nhận thấy sau sinh bao gồm: có một bộ ngực lớn hơn, một số trục trặc thường gặp trong cả thai kỳ và sau khi em bé chào đời. Giai đoạn phục hồi sau sinh vô cùng quan trọng nên cần chăm sóc sức khỏe thật tốt để tránh các biến chứng sau sinh.
Sức khỏe thể chất:
- Thay đổi về bộ ngực: Sau sinh bộ ngực có thể sẽ sưng, đau và căng sữa, đầu vú sưng, nứt nếu cho con bú, khiến cho cảm thấy tức ngực khó chịu. Những khối tròn với nhiều kích thước khác nhau, chạm vào rất cứng và đau sau khi đã xuống sữa.
- Đau lưng sau sinh: Do thay đổi nội tiết tố thai kỳ, do tư thế khi mang thai, khi chăm sóc bé: có cảm giác đau lưng, đau khu trú tại chỗ hay lan xuống chân.
- Bệnh trĩ: Do sự thay đổi nội tiết tố, táo bón thai kỳ và thai phát triển lớn, quá trình chuyển dạ phải rặn để sinh gây nên các búi trĩ vùng hậu môn trực tràng.
- Rụng tóc sau sinh: Nồng độ estrogen tăng cao trong thai kỳ khiến cho tóc mọc nhiều hơn, đồng thời ít rụng. Sau sinh, mức estrogen giảm mạnh và rất nhiều nang tóc không hoạt động nữa khiến cho tóc rụng nhiều.cũng có thể là dấu hiệu bị thiếu máu hoặc viêm tuyến giáp sau sinh cần được chẩn đoán sớm.
Sau sinh cơ thể phụ nữ thường thay đổi, đặc biệt bị rạn da
- Rạn da sau sinh: Da bị tổn thương do bị kéo căng quá mức và thả lỏng đột ngột. Đó là các đường rãnh dài và hẹp, ban đầu có màu đỏ hoặc tím, sau đó chuyển sang màu trắng, bạc. Vị trí thường bị rạn sau khi sinh là bụng, đùi, ngực, mông. Trong đó, bụng và đùi là 2 vị trí phổ biến nhất. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới rạn da sau sinh, dưới đây là một số nguyên nhân chính:
- Tăng cân quá nhanh: Trọng lượng cơ thể tăng quá nhiều và quá nhanh trong thời gian mang thai sẽ làm cho da bị kéo giãn, làm đứt gãy các mô liên kết dưới da sau sinh trọng lượng giảm nhanh gây nên tình trạng rạn da.
- Yếu tố di truyền: Nguy cơ rạn da sau sinh sẽ rất cao nếu có mẹ hoặc chị em gái ruột bị rạn da.
- Độ tuổi khi mang thai quá cao hoặc quá thấp: Mang thai dưới 20 tuổi hoặc trên 35 tuổi, vùng da vẫn chưa hoàn thiện hoặc đang trong quá trình lão hóa từ đó rạn da dễ xuất hiện hơn.
- Da thiếu dưỡng chất: Da thiếu dưỡng chất sẽ yếu, tính đàn hồi thấp, nhanh bị lão hóa. Đặc biệt, với nội tiết tố thay đổi.
- Lười vận động: Việc luyện tập thường xuyên và phù hợp thể trạng, thai kỳ cũng bị rạn ít hơn so với người lười luyện tập.
- Chảy máu giống như có kinh: Là sản dịch từ âm đạo: lúc đầu nó có màu đỏ sau chuyển sang màu nâu và cuối cùng là màu vàng trắng. Sản dịch thường gặp ở tất cả các bà mẹ sau sinh dù là sinh thường hay sinh mổ. Sản dịch thường nhiều trong 10 ngày đầu sau sinh và sẽ ít dần trong khoảng 6 tuần rồi hết.
- Có các cơn co tử cung: Sau sinh, tử cung sẽ dần thu hẹp về với kích thước và vị trí bình thường nên sẽ gặp phải những cơn đau, cơn gò do co thắt rất khó chịu, thường xảy ra ở mức độ nhẹ do hormone oxytocin kích thích tử cung dẫn đến các cơn co thắt trong khi cho con bú.
- Mệt mỏi, mất sức: Khi sinh mẹ cần rất nhiều sức lực nên sau sinh rất mệt mỏi và mất sức.
- Đau vùng bụng dưới: Những vết mổ bắt con hoặc vết khâu âm đạo sau quá trình sinh con đầu tiên sẽ dẫn đến tình trạng đau vùng bụng dưới. Tình trạng đau này có thể được cải thiện một cách tự nhiên theo thời gian.
- Tiểu khó sau sinh: Sau khi sinh bàng quang chưa phục hồi tốt nên không đi tiểu được hoặc tiểu khó, tiểu ít.
- Táo bón vài ngày đầu sau sinh: Không chỉ trong thời gian mang thai mà sau khi sinh cũng có thể gặp phải vấn đề táo bón, cần có một chế độ ăn nhiều rau.
- Ra mồ hôi nhiều đặc biệt là ban đêm: Cơ thể bắt đầu bài tiết nước dư thừa trong cơ thể được tích lũy từ thời gian mang thai nên sẽ gặp phải tình trạng ra nhiều mồ hôi và đặc biệt là ban đêm, hiện tượng này sẽ chuyển biến tốt sau sinh khoảng 1 - 2 tuần.
Sức khỏe tinh thần:
Những thay đổi về cảm xúc sau khi sinh có thể thất thường.
- Vui mừng hoặc buồn chán hoặc cả hai: sẽ thấy rất vui mừng chào đón vỡ òa niềm vui của cả gia đình khi con yêu chào đời hoặc tâm trạng buồn lo lan tỏa khi sinh em bé, chăm sóc như thế nào? Sinh em bé không như ý về giới tính, cân nặng..., vóc dáng mình sẽ ra sao sau khi sinh? Sản phụ sẽ cảm thấy u uất, buồn, trầm uất một chút sau khi sinh hoặc cả hai vừa mừng vừa lo, vui buồn đan xen tạo cảm giác khó tả về cảm xúc.
- Trách nhiệm sức khỏe nhân đôi: Không chỉ trách nhiệm với sức khỏe của bản thân mà còn trách nhiệm trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng con. Mẹ có vui vẻ, khỏe mạnh thì con mới có thể phát triển tốt.
- Thất vọng, cảm xúc thất vọng khi không biết cách cho con bú, không biết cách chăm con, để con bị ốm, con biếng ăn…
Trên đây là những thay đổi về cả thể chất và cảm xúc ở phụ nữ sau sinh và đặc biệt là những mẹ sinh con lần đầu. Để có thể chăm sóc được bản thân cũng như con yêu luôn khỏe mạnh là cả một nghệ thuật; vừa chăm sóc cho mẹ vừa chăm sóc cho con vừa hài hòa cuộc sống gia đình cần ăn uống đầy đủ, không kiêng khem quá mức, tránh thực phẩm khó tiêu, trà cà phê, nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng.
Chế độ dinh dưỡng: Ăn uống như bình thường, tăng cường thức ăn giàu đạm và canxi, Bổ sung dưỡng chất cho cơ thể: khoáng, vitamin E, A, C và omega 3 như cá hồi, cà rốt, ngũ cốc, hoa quả...
Vận động, nghỉ ngơi: Sau sinh có thể cử động tay chân nhẹ nhàng hoặc ngồi dậy, có thể bước xuống giường tập đi bộ trở lại khi sức khỏe ổn định. Việc vận động, đi bộ ngắn giúp các chức năng bình thường của cơ thể hồi phục nhanh hơn. Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, để cơ thể được nghỉ ngơi thoải mái và được thư giãn.
Cho con bú: Sau khi sinh, mẹ cần cho con bú ngay càng sớm càng tốt, vì lúc này sữa non có chứa nhiều dinh dưỡng, chất đề kháng nhất cho sự phát triển tốt và tăng cường sự miễn dịch cho trẻ.
Vệ sinh: Nên rửa mặt, súc miệng và đánh răng mỗi ngày.Vệ sinh thân thể bằng nước ấm sạch và lau khô người sau đó có thể tắm rửa bình thường.
Tập các bài tập: Ưỡn mông, vặn cột sống giúp giảm đau lưng sau sinh; cải thiện tư thế đứng ngồi, cho con bú.
Xoa bóp vùng bụng sau sinh: Giúp săn chắc da, hạn chế rạn da vùng bụng bằng cách xoa vùng bụng nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ; từ 10 - 15 phút mỗi ngày giúp cơ bụng săn chắc, tử cung co tốt.
Chườm ấm vùng bụng: Bằng muối hột rang, hoặc túi chườm thảo dược giúp cải thiện làn da vùng bụng săn chắc hơn, giúp lấy lại vóc dáng xưa.
Chườm ấm vùng bụng đúng cách là một trong những phương thức giúp người phụ nữ lấy lại vóc dáng
Sau sinh sản phụ sẽ có thay đổi cơ thể, cảm xúc nhưng sẽ dần hồi phục sau 6 tuần, nếu được chăm sóc chuyên môn sớm, tốt. Chăm sóc sản phụ sẽ mang hiệu quả nhất định giúp sức khỏe tâm thể ổn định, vượt qua trục trặc ban đầu; thực hiện tốt thiên chức người mẹ, hạnh phúc gia đình thêm nồng ấm, hạnh phúc dâng trào, viễn cảnh tươi đẹp mở ra cho gia đình và xã hội với một thành viên mới.
BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Theo suckhoedoisong.vn