Cập nhật: 01/11/2019 10:52:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một nghiên cứu mới đây cảnh báo những người vừa hút thuốc vừa uống rượu có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao gấp 30 lần so với những người chỉ hút thuốc hoặc uống rượu.

Hướng dẫn mới từ Hội đồng Y tế Scotland về rượu nhấn mạnh mối liên hệ giữa việc tiêu thụ rượu và bệnh ung thư. Đồng thời đưa ra lời khuyên cho nhân viên y tế và bệnh nhân về cách giảm thiểu rủi ro và các triệu chứng tại chỗ.

Nguy cơ mắc ung thư họng, thanh quản, thực quản... tăng lên gấp 30 lần nếu vừa hút thuốc vừa uống rượu.

Báo cáo dựa trên nghiên cứu về mối liên quan giữa việc sử dụng rượu và thuốc lá cho thấy những người đam mê cả hai có nguy cơ cao hơn mắc ung thư họng, thanh quản, thực quản, miệng… Nguy cơ này cao gấp 30 lần so với những người tiêu thụ hoặc rượu hoặc thuốc lá.

Các nhà nghiên cứu khuyến cáo không có một mức tiêu thụ rượu bia nào được coi là an toàn. Ngoài ra, uống rượu cũng ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh ung thư, bao gồm cả cách thức hoạt động của một số loại thuốc hóa trị.

Rượu bia và ethanol được Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IRAC) xếp vào nhóm chất gây ung thư gồm: ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ. Theo đó, không có ngưỡng uống rượu bia nào là an toàn để phòng bệnh ung thư.

Ủy ban về các chất gây ung thư Anh (CoC) cũng cho rằng việc uống rượu bia, ngay cả một lượng nhỏ cũng làm tăng nguy cơ của một số bệnh ung thư so với những người không uống. Các nguy cơ mắc ung thư liên quan đến rượu bia giảm dần theo thời gian từ khi ngừng uống rượu bia, nhưng có thể phải mất nhiều năm trước khi nguy cơ giảm xuống ở mức như những người bình thường chưa bao giờ uống rượu bia.

Hình ảnh tế bào ung thư giữa các tế bào khỏe mạnh

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, với các bệnh ung thư miệng, họng, thanh quản, thực quản, người uống khoảng 1,5 đơn vị rượu một ngày có nguy cơ tăng khoảng 5 lần đối so với những người không bao giờ uống hoặc chỉ thỉnh thoảng uống. Thậm chí, người chỉ uống không quá một ly mỗi ngày cũng có nguy cơ cao hơn 20% so với người không uống rượu.

Giảm tiêu thụ rượu đồng nghĩa giảm nguy cơ mắc ung thư. Vì thế, Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IRAC) khuyên mọi người tốt nhất không nên uống rượu bia hoặc nếu có uống thì nên giới hạn mức độ. Cụ thể, nam/nữ giới khỏe mạnh không nên uống quá 2 đơn vị cồn một ngày để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và chấn thương. Không nên uống quá 4 đơn vị cồn trong một lần uống bất kỳ để giảm nguy cơ bị tai nạn thương tích do rượu bia.

Người dưới 18 tuổi không nên uống rượu bia. Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú tốt nhất không nên uống rượu bia, nếu uống có thể gây hại cho bào thai và cho trẻ bú mẹ. Để giảm lượng cồn dung nạp vào cơ thể thì phải có vài ngày không uống rượu bia trong một tuần.

Một đơn vị cồn của Tổ chức Y tế Thế giới bằng 10 g cồn nguyên chất, tương đương với 3/4 chai bia 330 ml (5%), một ly rượu vang 100 ml (13,5%), một cốc bia hơi 330 ml, hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%). 

Theo Nam Phương/dantri.com.vn

Tệp đính kèm