Trên đường từ thác Bản Giốc tới động Ngườm Ngao, những người dân địa phương tư vấn cho du khách nên tới “làng đá” Khuổi Ky (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng). Cách ngọn thác kỳ vĩ miền đông bắc chỉ 3 km, ngôi làng quần tụ tới 14 nếp nhà sàn có tuổi đời cả trăm năm, được xây dựng bằng đá núi độc đáo.
Khuổi Ky được đặt theo tên con suối xanh trong chảy trước làng. Người Tày, chủ nhân của mảnh đất này, gọi quê hương bản quán của mình là bản Gun.
Nằm trong một thung lũng, làng Khuổi Ky dựa lưng vào núi, chung quanh là cánh đồng, gần nguồn nước, làng xóm quây quần bên nhau như những bản làng truyền thống của người Tày - Nùng. Tương truyền, việc xây dựng nhà sàn bằng đá xuất hiện từ khi nhà Mạc lên Cao Bằng để xây dựng thành quách và những bậc quyền quý đã cất công thu gom đá trên núi về dựng nhà để bảo đảm an toàn. Tính đến nay, ngôi làng cổ đã có tuổi đời hơn 500 năm. Nhiều ngôi nhà được sử dụng hiện nay cũng được xây dựng từ trước năm 1945 và dấu tích của những công trình cũ vẫn còn trong làng. Những bức tường cao tới bảy, tám mét với những ô cửa sổ thoáng, giúp nhà mát mẻ vào mùa hè và ấm áp khi gió mùa đông bắc về. Tới Khuổi Ky, du khách còn được tìm hiểu về tục thờ thần đá của dân làng, cách trao truyền niềm tin vào vị thần bảo vệ và che chở con người khỏi thiên nhiên khắc nghiệt qua các thế hệ.
Không chỉ 14 ngôi nhà bằng đá nằm quây quần bên nhau tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo, mà hầu hết công trình xây dựng trong làng Khuổi Ky đều làm bằng đá, từ tường rào, đập nước, cối xay, bếp lò… Sự tỉ mỉ, chi tiết, khéo léo của những người thợ có thể thấy ngay trong những bức tường kiên cố được xếp từ hàng vạn viên đá lớn nhỏ, kết dính bằng đá vôi và cát.
Đặt giữa không gian xanh mát của núi rừng, đồng ruộng nên mầu xám nâu của đá núi hay những mái ngói âm dương phủ rêu không còn lạnh lẽo mà thâm trầm, cổ kính, yên bình. Vào từng mùa, cỏ cây hoa lá, ruộng lúa xanh rì, hay những bó ngô vàng óng ả làm nên sức sống cho không gian quanh nhà. Nhiều ngôi nhà sàn truyền qua mấy đời, tới nay thế hệ con cháu vẫn tiếp tục giữ gìn và sinh sống. Có gia đình đã sửa sang, đón khách du lịch tới trải nghiệm du lịch cộng đồng, tìm hiểu về phong tục cũng như nét đẹp truyền thống văn hóa Tày - Nùng vùng cao.
Theo BÀI & ẢNH: NGUYỄN LÊ/nhandan.com.vn