Cập nhật: 14/11/2019 15:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Để có được những thước phim chính luận vừa sắc bén, vừa hấp dẫn… trên màn ảnh, các diễn viên lẫn ê-kíp sản xuất phim “Sinh tử” đã phải đối diện với nhiều nỗi ám ảnh. Trong số đó, lời thoại của nhân vật chính là nỗi ám ảnh lớn nhất.

Tiếp nối sự thành công của một số phim chính luận từng gây tiếng vang trước đây như: “Chủ tịch tỉnh”, “Bí thư Tỉnh ủy”, “Đàn trời”…, “Sinh tử” đi sâu vào khai thác đề tài chống tham nhũng và sự tha hoá quyền lực. Vì toàn “động chạm” đến những chuyện nhạy cảm nên cả ê-kíp làm phim đã gặp không ít áp lực, phải nhắc lên đặt xuống từng chi tiết nhỏ.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến chia sẻ tại buổi họp báo ra mắt phim "Sinh tử".

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho biết, ông đã phải mất 10 năm ấp ủ mới cho ra đời được kịch bản bộ phim. Tuy nhiên, khi mang đến gặp đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) ông vẫn buộc phải bỏ cái tôi ngạo nghễ của mình qua một bên để chỉnh sửa theo yêu cầu của nhà sản xuất.

Gọi là chỉnh sửa nhưng ông gần như phải viết lại và phải mất tới 3 tháng để hoàn thiện trong trạng thái “vắt kiệt sức” vì đây là mảng đề tài rất khó. Chống tham nhũng là đụng đến cả thể chế, đến lãnh đạo cấp cao nên nếu không cẩn thận là dễ “ăn đòn” như chơi.

“Sinh tử” lần này lấy đi nhiều tâm sức, hao tổn nhiều thần kinh của tôi vì những quăng quật thay đổi. Cuộc sống thay đổi đến chóng mặt và không một thứ nghệ thuật nào có thể theo kịp diễn tiến của nó. Hai lần viết với tổng số chữ mỗi lần xấp xỉ 320.000 từ tương đương với 1.200 trang sách. 3 tháng cật lực viết lại, mỗi lần viết đến nhòa mắt, kiệt cùng thân xác”, nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho biết.

Kỳ công là vậy nhưng khi mang kịch bản ra quay, đạo diễn phim là NSND Khải Hưng cùng ê-kíp lại tiếp tục phải chỉnh sửa thêm một lần nữa về phần lời thoại vì thoại của kịch bản gốc chưa đủ sự phức tạp, đanh thép và mạnh mẽ.

Thuý Hà gặp không ít khó khăn khi vào vai Phó Bí thư tỉnh uỷ.

Chính vì lời thoại có nhiều thuật ngữ chuyên ngành, nhiều ẩn ý, lại đòi hỏi phải có sự chuẩn xác cao độ nên các diễn viên gặp phải rất nhiều khó khăn. Diễn viên Thuý Hà chia sẻ, nếu ngày hôm sau có cảnh quay thì diễn viên phải học thuộc thoại từ ngày hôm trước. Tuy nhiên, có những lúc học thoại xong đến sáng hôm sau lại quên sạch.

“Thường thường, tôi với anh Trọng Trinh sẽ ngồi học thoại với nhau từ 9 giờ tối ngày hôm trước đến 1 giờ sáng ngày hôm sau. Nhiều khi nghĩ mình đã thuộc hết rồi, yên tâm đi ngủ nhưng sáng dậy thì đầu trắng xoá, không còn một lời thoại nào trong đầu nữa.

Khó nhất là những từ ngữ chuyên ngành vì nó rất lạ tai khiến chúng tôi không tài nào nhớ nổi. Vừa nhớ thoại chuẩn chỉnh, vừa phải diễn cho ra tâm lý nhân vật, vừa phải thực hiện theo yêu cầu của đạo diễn... là khó vô cùng.

Những ngày đầu bước vào quay, tôi choáng vô cùng tận. Choáng hơn tất cả những gì anh chị em trong đoàn phim đã nói với nhau trước đó. Cảnh nào cũng khiến chúng tôi như đánh vật, vã mồ hôi, căng thẳng tột độ… Những căng thẳng đó khiến tôi không tự tin vào mình một chút nào”, diễn viên Thuý Hà nói.

 

NSND Trọng Trinh thừa nhận đây là lần đầu tiên trong mấy chục năm gắn bó với nghiệp diễn, ông phải đối diện với nhiều khó khăn khi nhập vai Bí thư tỉnh.

Bản thân NSND Trọng Trinh cũng thừa nhận, từ khi bước chân vào nghề diễn cho đến nay, đây là lần đầu tiên anh hóa thân vào một vai diễn mà ngôn ngữ đời sống không thể mang vào phim, thay vào đó là những câu từ “chuẩn chỉ, chấm phẩy rõ ràng, không được sai dù chỉ một từ”. Có nhiều câu thoại anh đã mất cả đêm để học thuộc rồi nhưng không hiểu sao đến sáng hôm sau lại như chưa đọc bao giờ. Trong quá trình quay, có những lúc phải quay 50-70 đúp mới xong được vài câu thoại.

“Có nhiều từ ngữ mang tính chuyên môn học thuật nên kể cả thuộc lời nhưng nhấn nhá ngữ điệu như thế nào cũng phải chuẩn chỉ, vì chỉ không đúng giọng điệu là câu nói có thể mang một nghĩa khác hay nói trượt một từ cũng sai nghĩa. Diễn viên phải nói đúng từng dấu chấm, dấu phẩy.

Đặc biệt những cảnh quay trong phòng họp, ngôn ngữ nói ra phải mang tính định hướng, trong khi phim thu tiếng trực tiếp, có những nhân vật lời thoại dài hơn một trang. Ngôn ngữ như thế thì diễn thế nào? Tôi nghĩ diễn viên phải thực sự tâm huyết mới có thể diễn được vì chúng tôi cũng không thể chỉ chạy theo tâm lý nhân vật như những bộ phim tình cảm, tâm lý khác”, NSND Trọng Trinh bộc bạch.

 

Mạnh Trường cho biết, lúc nhận kịch bản vào vai Huy - Trưởng phòng ở Viện Kiểm sát, anh rất mông lung. 

Tương tự, diễn viên Mạnh Trường cũng thành thật rằng, khi nhận kịch bản vai Huy - Trưởng phòng tại Viện Kiểm sát, anh rất mông lung, không biết mình sẽ thể hiện nhân vật này như thế nào vì anh chưa bao giờ tiếp xúc với kiểm sát viên nào ngoài đời thực. Ngoài ra, lời thoại quá nhiều từ ngữ chính trị - chuyên ngành nên nam diễn viên đọc kỹ kịch bản mà đôi lúc vẫn không nắm bắt được hết ý.

“Thực ra vai Huy - kiểm sát viên không nặng về tâm lý nhưng thoại lại quá gian nan, có những đoạn cả trang giấy rất khó hiểu vì có nhiều từ tôi chưa nghe thấy bao giờ. Vì thế để nhập vai hoàn chỉnh tôi đã phải dành thời gian đi thực tế đến văn phòng kiểm sát viên để tìm hiểu về nghề, xem cách họ làm việc. Nhưng nói chung thoại vẫn rất khó khăn”, Mạnh Trường chia sẻ.

Bên cạnh đó, thời điểm thực hiện bộ phim là lúc miền Bắc đang vào đợt nắng nóng cao độ. Bởi lẽ đó, mỗi khi bước vào cảnh quay, cả diễn viên lẫn đạo diễn và đội ngũ sản xuất như “đánh vật” với thời tiết. Theo đạo diễn Khải Hưng, có những hôm thời tiết 50 độ C, ngồi 50 phút mà chỉ qua được đúng 3 đoạn thoại.

Và cũng vì thời tiết quá nóng nực nên diễn viên có cố cũng không diễn nổi, mặt mày vừa trang điểm đã trôi hết phấn, tóc tai búi gọn lại mướt mát mồ hôi… Tiến độ thực hiện bộ phim do đó mà đội lên rất nhiều so với dự kiến.

Theo Hà Tùng Long/dantri.com.vn

Tệp đính kèm