Cập nhật: 20/11/2019 08:43:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hàng trăm cây cảnh, đá cảnh với hình dạng độc đáo, đặc sắc được trình diễn với công chúng tại Lễ hội Bonsai và Suiseki châu Á - Thái Bình Dương.

TPHCM đã khai mạc Lễ hội Bonsai và Suiseki Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 15, do Hội sinh vật cảnh Việt Nam, Hội sinh vật cảnh TTPHCM và Tổ chức bonsai Châu Á – Thái Bình Dương (ASPAC) phối hợp tổ chức. Hàng trăm cây cảnh, đá cảnh với hình dạng độc đáo, đặc sắc được trình diễn với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.

Lễ hội Bonsai và Suiseki Châu Á – Thái Bình Dương là sự kiện mang tầm quốc tế, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức, với sự tham gia của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, dự kiến thu hút hơn 50.000 lượt khách trong nước và hàng ngàn lượt khách quốc tế tham quan.

Lễ hội Bonsai và Suiseki Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Công viên văn hoá Suối Tiên, Quận 9 từ nay đến hết ngày 18/11.

Các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội quy tụ gần 1.000 tác phẩm nghệ thuật sinh vật cảnh từ 40 tỉnh, thành phố, được chọn lọc kỹ càng đảm bảo tiêu chí chất lượng cao, đa dạng chủng loại. Nổi bật nhất là những tác phẩm bonsai cao hơn 1m được tạo hình độc đáo, đậm chất nghệ thuật. Ngoài ra còn có hơn 250 tác phẩm suiseki (đá cảnh), trong đó có một số tác phẩm trị giá gần 10 tỷ đồng.

Ông Trương Hoàng, Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Việt Nam cho biết lễ hội nhằm quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với quốc tế; giao lưu, học hỏi, trao đổi nghệ thuật, thông qua đó đẩy mạnh hoạt động thương mại trong các dịch vụ sinh vật cảnh của nước ta.

Các tác phẩm tham gia sự kiện lần này cho thấy bàn tay tài hoa, trí óc thông minh và sự cần cù, sáng tạo của nghệ nhân Việt Nam, khẳng định điều kiện đầy đủ về nhân lực, vật lực, tài lực để hội nhập với thế giới trong lĩnh vực bonsai và suiseki. Hiện nay, nhà nước đã có chính sách hỗ trợ nông dân thay đổi cơ cấu kinh tế. Cả nước có 50.000 ha trồng hoa và cây cảnh, đây là cơ sở để tạo ra giá trị kinh tế từ thú chơi sinh vật cảnh.

Các tác phẩm bonsai được chọn lọc kỹ càng đảm bảo tiêu chí chất lượng cao, đa dạng chủng loại.

Ông Trương Hoàng nói: "Mỗi hecta cây bonsai có thể tạo ra giá trị tăng thêm từ 1 tỷ đến 2,5 tỷ đồng, giúp cải thiện đời sống của nông dân, nâng cao thu nhập và thân thiện với môi trường. Đã đến lúc khẳng định chúng ta có sức cạnh tranh với bonsai của các nước trên thế giới”.

Đại diện Hội đá cảnh Việt Nam - ông Phạm Phú Thuận, nghệ nhân tỉnh Lâm Đồng cho biết đa số người dân Việt Nam vẫn còn lạ lẫm với bộ môn nghệ thuật này. Những người đến với suiseki phải thực sự yêu thích thiên nhiên, có một trình độ cảm nhận nghệ thuật để đưa một viên đá tĩnh lặng trở nên có hồn.

Ông Thuận cho biết: "Một số nghệ nhân suiseki quốc tế tới đây đã bày tỏ sự thích thú và cảm nhận trình độ của nghệ nhân Việt Nam không thua kém họ, và chất lượng đá Việt Nam cũng thuộc hàng A của thế giới”.

Một góc trưng bày suiseki với hình dáng đa dạng, phong phú.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, một nghệ nhân đến từ Bà Rịa – Vũng Tàu, do điều kiện khí hậu nhiệt đới của Việt Nam thuận lợi cho việc trồng cây cảnh, giúp cây dễ phát triển hơn, nên có nhiều người dân ở các nước trên thế giới đã tìm đến nước ta để mua bonsai và suiseki. Khó khăn của nghệ nhân trong nước là hạn chế về trình độ ngoại ngữ cũng như không đủ khả năng giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn.

Ông Kiên cho hay: “Ở nước ngoài, người giàu mới chơi bộ môn này, còn ở nước ta chủ yếu là người dân địa phương sưu tầm. Nếu tác phẩm được quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng thì sẽ bán được ra nước ngoài có giá trị hơn, chứ không phải qua thương lái”.

Lễ hội Bonsai và Suiseki Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 15 được tổ chức tại Công viên văn hoá Suối Tiên, Quận 9 từ hôm nay đến hết ngày 18/11./.

Theo Duy Phương/VOV.VN

Tệp đính kèm