Trong bối cảnh hội nhập với những tác động mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh cơ hội thuận lợi để phát triển, nhiều làng nghề truyền thống Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Trước thực trạng này, việc xây dựng bảo tàng được coi là một trong những giải pháp góp phần vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị sản phẩm làng nghề.
Học sinh tham quan Bảo tàng Nghề y truyền thống (Hội An, Quảng Nam).
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nước ta có khoảng hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 1.700 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Hình thành và phát triển cùng những thăng trầm lịch sử, làng nghề chính là nơi sản sinh và lưu giữ những sản phẩm thủ công truyền thống, hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc được bồi đắp qua thời gian. Sự phát triển của các làng nghề không những mang đến việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng triệu lao động, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước mà còn góp phần gìn giữ, phát triển những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, khi giao thương mở rộng cũng là lúc các làng nghề phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường với tràn lan những sản phẩm hàng hóa ngoại nhập, cùng với đó là sự ra đi của nhiều nghệ nhân cao tuổi khiến không ít giá trị văn hóa bị mai một, bí mật nghề nghiệp bị thất truyền. Ðiều này đe dọa trực tiếp tới sự tồn tại, phát triển bền vững của các làng nghề truyền thống. TS Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng: Ðiều kiện tốt nhất để bảo tồn những di sản làng nghề chính là môi trường sản sinh ra nó, do cộng đồng cư dân bảo vệ và giữ gìn. Nhu cầu xây dựng các bảo tàng làng nghề xuất phát từ đó. Thông qua bảo tàng, các câu chuyện về nghề thủ công truyền thống và làng nghề dễ dàng được diễn giải, minh họa. Ðây vừa là hình thức góp phần bảo tồn một loại hình di sản văn hóa, vừa gián tiếp hỗ trợ các làng nghề trong quảng bá tới khách du lịch khi tham quan bảo tàng.
Ý thức được điều này, một số nơi ở nước ta đã hình thành những bảo tàng làng nghề với quy mô, hình thức khác nhau. Tiêu biểu phải kể đến Bảo tàng Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá (Hoài Ðức, Hà Nội), Bảo tàng Gốm cổ (xã Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội), Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Ðô (Ba Vì, Hà Nội), Bảo tàng Nghề y truyền thống Hội An (Hội An, Quảng Nam), bảo tàng gốm của một số nghệ nhân làng gốm Bát Tràng (Hà Nội)… Sự xuất hiện của những bảo tàng này ít nhiều tạo không gian để du khách được ngắm nhìn, mua sản phẩm làng nghề, đồng thời tìm về với tinh hoa nghề truyền thống xưa. Tuy nhiên, so với số lượng hàng nghìn làng nghề truyền thống, số lượng bảo tàng vẫn còn quá ít ỏi. Thêm nữa, phần lớn các bảo tàng làng nghề mới chỉ được tổ chức ở quy mô rất nhỏ, chưa được quan tâm đầu tư thích đáng cho nên nhìn chung còn hoạt động manh mún, thiếu khoa học trong bố trí, sắp xếp hiện vật, hạn chế về các hoạt động thuyết minh, trải nghiệm… Do đó, chưa tạo được ấn tượng sâu sắc để giữ chân du khách, chưa tăng được nhiều nguồn thu từ hoạt động bảo tàng.
Mới đây, tại hội thảo Phát triển bảo tàng tư nhân và ứng dụng mỹ thuật sản phẩm làng nghề trong thời đại công nghệ 4.0 diễn ra tại Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định tầm quan trọng, sự cần thiết của việc phát triển những bảo tàng làng nghề, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để bảo tàng làng nghề hoạt động hiệu quả. Phần lớn các chuyên gia đều khẳng định, muốn hình thành bảo tàng làng nghề và thúc đẩy bảo tàng hoạt động hiệu quả, trước hết các làng nghề cần xây dựng được hệ thống sản phẩm hấp dẫn, độc đáo, mang đặc trưng riêng; đi kèm là việc hệ thống hóa các tư liệu lịch sử liên quan làng nghề. Bảo tàng làng nghề cần được tổ chức một cách khoa học với hệ thống các công cụ sản xuất, nghệ nhân dân gian, sản phẩm nghề truyền thống, công nghệ, kỹ năng sản xuất, lễ hội, sinh hoạt văn hóa gắn với làng nghề... Ðây phải là những hiện vật, tư liệu đủ khả năng lưu giữ các giá trị văn hóa của làng nghề, có sức ảnh hưởng tới người thưởng lãm. Bà Lê Thị Minh Hằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bán hàng và Chăm sóc khách hàng cho biết: Mô hình bảo tàng thông minh kết hợp giữa bảo tàng tư nhân, nhà truyền thống và showroom (phòng trưng bày) với sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ đang là hướng đi mới của nhiều bảo tàng trên thế giới. Nếu muốn thu hút khách đến với làng nghề, cần nghiêm túc tham khảo, nghiên cứu về xu hướng này. Ở đó, các tư liệu, hiện vật, sản phẩm làng nghề không phải được trưng bày theo kiểu đóng khung một chỗ mà cần gắn liền những câu chuyện văn hóa, tái hiện lịch sử làng nghề với những hỗ trợ về công nghệ. Việc ứng dụng công nghệ số giúp tạo môi trường trải nghiệm, hỗ trợ người xem dễ dàng hình dung về “đời sống” trước đó của hiện vật, từ đó gia tăng giá trị sản phẩm, thôi thúc khách tham quan chọn mua.
Bên cạnh đó, sự kết nối giữa mô hình bảo tàng thông minh với ngành du lịch và các chương trình giáo dục trong nhà trường, cộng đồng cần được thiết lập và thắt chặt. Qua đây, góp phần mở rộng đối tượng tham quan và đa dạng hoá các chương trình trải nghiệm, học tập, từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của bảo tàng làng nghề. Ðây cũng là cách hữu hiệu để bảo tồn, quảng bá và tìm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề trong bối cảnh hiện tại.
VIỆT ANH
Theo nhandan.com.vn