Chỉ có hiểu biết đúng đắn về cái hay, cái đẹp của xẩm mới có thể yêu nó và lan tỏa tình yêu ấy đến với những người khác.
Đó là trăn trở và cũng là khó khăn mà nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đề cập đến trong việc bảo tồn và phát huy vốn quý di sản xẩm nói riêng và âm nhạc dân gian nói chung khi trao đổi bên lề Liên hoan các câu lạc bộ hát xẩm khu vực phía Bắc – Ninh Bình 2019 diễn ra đầu tháng 12 tới đây.
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa.
Tiếc vì Xẩm Hà Thành không dự Liên hoan
PV: Thưa chị, được biết, nhóm Xẩm Hà Thành của chị đã kỳ vọng có một Liên hoan, nhưng lại vắng mặt trong dịp này. Chị chỉ tham gia với tư cách cá nhân là phó BTC?
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa: Đúng là cá nhân tôi và nhóm Xẩm Hà Thành đã rất mong muốn có một Liên hoan xẩm. Chúng tôi coi đây là ngày hội của anh em nghệ sỹ, nghệ nhân thực hành hát xẩm và là cơ hội để tổ chức một hội thảo đầu tiên và bài bản về loại hình diễn xướng dân gian đang ngày một yêu mến nhưng thiếu luận cứ khoa học để có thể bảo tồn, phát huy một cách đúng hướng. Đây cũng là cơ hội để truyền thông xẩm bài bản nhất đến công chúng, lan toả tình yêu đối với loại hình nghệ thuật này một cách sâu, rộng nhất.
Trên thực tế, Xẩm Hà Thành đã chuẩn bị kỹ càng cho liên hoan, trong đó có ba tiết mục biểu diễn. Tuy nhiên, nhóm đã không đến được cuộc vui này là vì những lý do khách quan. Rất đáng tiếc, một số anh em trong nhóm có việc riêng nên không tề tựu được. Từ trước đến nay, các nhóm xẩm sinh hoạt đều do cơ chế tự phát, bằng tình yêu. Liên hoan có ý nghĩa cổ vũ rất lớn đến họ. Tôi có tham gia chấm sơ loại các CLB tham gia và rất đáng mừng là chất lượng khá tốt với nhiều thể loại, phong cách.
PV: Chứ không phải vì chị là phó BTC nên e ngại tham gia như thí sinh?
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa: Tôi không e ngại điều gì cả. Vì nhóm tham gia cũng là cá nhân tham gia nên vị trí, vai trò cũng không lẫn lộn. Hơn nữa, tôi không phải là thành phần giám khảo nên cũng chẳng có gì e ngại. Trong quá trình tham mưu cho Liên hoan, tôi cũng trình bày rõ quan điểm mình sẽ không tham gia bất cứ giải thưởng, thể lệ khắt khe nào.
Liên hoan dành cho tất cả các các CLB xẩm trên các tỉnh thành. Ở đây, không có sự ganh đua giải thưởng, huy chương như các loại hình nghệ thuật khác vốn đã có tiêu chí rõ ràng để chấm như vở diễn, vai diễn. Đối với tôi, việc động viên và tạo cơ hội để các nhóm xẩm tham gia Liên hoan đã rất đáng trân trọng rồi. Liên hoan cũng là dịp khảo sát xem hiện tại, thực hành di sản này có bao nhiêu trung tâm, có bao nhiêu cá nhân sẵn lòng đến với xẩm.
Con đường di sản Xẩm vẫn nhiều hy vọng
PV: Xẩm Hà Thành với những thành viên như chị hay nhạc sỹ Quang Long đều là những người làm việc trong môi truyền thông, chị thấy công việc truyền thông cho nghệ thuật dân gian, đặc biệt là xẩm gặp khó khăn ở điểm nào?
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa: Khó khăn thì quá nhiều. Nhưng theo tôi, chúng ta phải tìm được căn nguyên của vấn đề để giải quyết nó. Chỉ có hiểu biết đúng đắn về cái hay, cái đẹp của xẩm mới có thể yêu nó và lan toả tình yêu ấy đến với những người khác. Hơn nữa, cần đặt nghệ thuật hát xẩm và môi trường diễn xướng của nó trong bối cảnh xã hội đương đại thì nghệ thuật dân gian mới có chỗ đứng trong lòng công chúng trẻ.
Trong các sản phẩm, chúng tôi cố gắng xây dựng một diện mạo mới cho xẩm, trẻ trung, đương đại và thời sự hơn. Nếu để ý các MV mà nhóm thực hiện sẽ thấy vẻ thanh tân, hiện đại trong đó. Chúng tôi chỉn chu từ màu sắc, trang phục cho đến từng fame hình. Xoá bỏ định kiến về xẩm là mù loà, ăn xin, xây dựng một cách nhìn toàn vẹn hơn, gần gũi hơn với nhịp sống và sở thích công chúng sẽ tạo cơ hội cho xẩm đi xa hơn.
Bên cạnh đó, như nhóm chúng tôi còn xây dựng và thực hiện truyền thông cho các dự án của mình trên nền tảng truyền thông đa phương tiện từ báo chí cho đến mạng xã hội, chúng tôi có cả kênh youtube và fanpage riêng của nhóm.
Tuy nhiên, đấy là lợi thế của nhóm Xẩm Hà Thành. Trên bình diện chung, cái yếu và thiếu nhất của nghệ thuật truyền thống là không có chuyên gia về truyền thông, marketing đồng hành, tư vấn và không có kinh phí để thực hiện công việc này một cách bài bản.
Phải nói rằng, xẩm được truyền thông rất ưu ái. Nhưng như thế chưa đủ trong thời điểm truyền thông mạng xã hội lên ngôi như hiện tại. Người xem có quyền lựa chọn, thể hiện thái độ của mình trước các sản phẩm nghệ thuật nên thiếu những tư vấn, thiếu sự đầu tư thì xẩm hay các di sản dân gian khác cũng rất khó để phủ rộng và tiếp cận công chúng trẻ.
PV: Kênh truyền thông trực tiếp mà Xẩm Hà Thành thực hiện như dự án sân khấu định kỳ Tinh hoa nhạc Việt, các chương trình Ngãi mẹ sinh thành, Xẩm xuân… cái thì dừng lại, cái thì gặp khó về khán giả, chị nói gì về điều này?
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa: Vấn đề này không chỉ xảy ra với xẩm hay nhóm chúng tôi. Nếu không được bao cấp, nhiều nhà hát nghệ thuật truyền thống sẽ cũng không thể tồn tại được. Trong những bước đi của chúng tôi, xây dựng các format như vậy giống như một phần công việc để tìm ra hướng đi đúng trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật xẩm. Chúng tôi vẫn có những không gian diễn xướng thu hút nhiều công chúng như chiếu xẩm ở phố đi bộ, đền Vua Đinh ở Hồ Gươm. Ngoài ra, một tín hiệu đáng mừng là chúng tôi cũng có những cơ hội để giới thiệu hát xẩm đến với khán giả, họ giả nước ngoài bằng những cuộc hội thảo, trò chuyện. Đã có những nghiên cứu sinh, sinh viên nước ngoài tìm tới chúng tôi để học xẩm. Thực sự, tôi có niềm tin, con đường di sản của xẩm có nhiều cơ hội trong tương lai.
PV: Xin cảm ơn chị./.
Theo Thiếu Anh/VOV.VN