Cập nhật: 11/12/2019 09:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh) đã chỉ rõ, việc mất dần các công trình di sản kiến trúc, trong đó điển hình là các biệt thự cổ đang thật sự là hồi chuông báo động cho sự mất cân đối của đô thị TP Hồ Chí Minh. Thực tế đòi hỏi cần có giải pháp căn cơ, cụ thể để giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa của thành phố trước tốc độ quy hoạch phát triển đô thị ồ ạt như hiện nay.

Khu nhà bốn mặt tiền: Trần Hưng Ðạo, Ký Con, Yersin và Lê Thị Hồng Gấm (quận 1) đang xuống cấp trầm trọng.

Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cảnh báo, quá trình vận động du lịch ồ ạt thiếu kiểm soát ở nhiều nơi đang mang đến không ít những tác động tiêu cực tới di sản văn hóa, dẫn tới những hệ lụy phải trả giá đắt. Ngoài vấn đề quy hoạch thì việc khai thác thương mại quá mức, quá tải về khách, sự lạm dụng các công trình kiến trúc, di sản, phục dựng sai quy cách, làm mới di sản… đã làm cho di sản nhanh chóng xuống cấp, méo mó, nhạt nhòa giá trị. Giám sát của HÐND thành phố Hồ Chí Minh về công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị vừa qua đã khẳng định, công tác bảo tồn di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị là việc cần làm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Từ năm 2013, thành phố đã ban hành chương trình bảo tồn với 10 nội dung, trong đó lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố là phó trưởng ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động. Qua gần bảy năm triển khai, kết quả đạt được chưa như mong muốn, các nội dung đều chậm thực hiện hoặc chưa triển khai. Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Nguyễn Thanh Nhã, nguyên nhân khách quan là do sự thay đổi quy định quy phạm pháp luật, nội dung thực hiện có phạm vi rộng, phức tạp, đòi hỏi tính chuyên sâu, chuyên gia có trình độ, thiếu nguồn nhân lực, tài chính… Còn nguyên nhân chủ quan là các đơn vị thực hiện còn bị động, chưa kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện khiến kết quả công việc chưa đạt yêu cầu. Do chưa được quan tâm đúng mức cho nên nhiều năm nay, một số công trình di sản bị xâm lấn, lấn chiếm, tranh chấp hoặc xuống cấp, chưa được trùng tu, bảo vệ. Nhiều công trình cảnh quan kiến trúc thuộc sở hữu tư nhân do chưa có cơ chế khuyến khích vì thế đã bị thay đổi hiện trạng. Cụ thể, do công tác phân loại, đánh giá biệt thự cổ kéo dài nhiều năm, khi kiểm tra thực tế đã có 560 trong số 1.400 biệt thự biến mất, không còn giữ nguyên hiện trạng mà xây thành nhà phố dù trên giấy tờ đất vẫn ghi nguồn gốc đất là biệt thự. Phó Chủ tịch Thường trực HÐND thành phố Phạm Ðức Hải cho biết: Thành phố cần tập trung năm giải pháp trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Thứ nhất, tăng cường quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn ngay tình trạng xuống cấp, lấn chiếm di tích di sản. Thứ hai, nâng cao vai trò của cộng đồng để cùng nhau bảo quản di tích, di sản. Trước hết là cộng đồng ở khu dân cư đó, rộng hơn là cộng đồng ở cấp phường, xã, quận, huyện để cùng nhau bảo vệ di tích di sản. Thứ ba, phải đẩy nhanh việc lập hồ sơ khoa học cho di tích, di sản, từ đó đề ra các giải pháp tổng thể để bảo vệ. Thứ tư, vừa đầu tư ngân sách nhiều hơn nữa, vừa đẩy mạnh xã hội hóa thì hoạt động bảo tồn sẽ hiệu quả. Thứ năm, tăng cường hợp tác trong nước và ngoài nước để thực hiện tốt hơn công tác bảo quản di tích, di sản.

Đầu tháng 10-2019, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Xây dựng quản lý chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn chủ đầu tư các biệt thự cũ có giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa được xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn thành phố tự ý phá dỡ, chia cắt biệt thự trái pháp luật. UBND thành phố giao UBND các quận, huyện có trách nhiệm tiếp tục rà soát, phân loại tất cả biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1975, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bỏ sót các biệt thự cũ có giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa trên địa bàn. Ðồng thời, các đơn vị thực hiện phân loại bước đầu theo quy định về tiêu chí đánh giá và phân loại biệt thự cũ trên địa bàn thành phố. Hiện thành phố có khoảng 1.300 căn biệt thự được xây dựng trước năm 1975 có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, cảnh quan, lịch sử, văn hóa cao nhưng đang dần xuống cấp, phần lớn tập trung ở các quận: 1, 3, 5, 6, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Gò Vấp. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TP Hồ Chí Minh Trương Kim Quân đề xuất ba giải pháp về bảo tồn di tích. Ðầu tiên là hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản pháp lý của thành phố về phân cấp quản lý di tích, quy chế quản lý đầu tư tu bổ di tích; đẩy nhanh chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố. Thứ hai là xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích của thành phố đến năm 2030, từ đó chọn danh mục di tích có giá trị cao về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, khảo cổ, truyền thống… để có kế hoạch ưu tiên đầu tư. Một giải pháp hết sức quan trọng nữa là giải quyết hài hòa lợi ích chung của toàn xã hội và lợi ích riêng của các cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng công trình di tích.

Bài và ảnh: NGUYÊN QUỐC

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm