Cập nhật: 25/12/2019 08:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nằm cách trung tâm Hà Nội 30km, thôn Chàng Sơn, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, nổi tiếng với nghề mộc thủ công mỹ nghệ. Về nơi đây, ai ai cũng bị cuốn hút bởi tác phẩm mà các nghệ nhân tạo ra từ gỗ.

Các hoa văn, họa tiết được người thợ Chàng Sơn đục chạm bằng tay. (Ảnh: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam)

Người ta biết đến Chàng Sơn là một trong những làng nghề lâu đời nhất nước, nơi đây có nghề truyền thống và nổi tiếng nhất là nghề mộc.

Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 30km về phía Tây, thôn Chàng Sơn, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất vốn nổi tiếng với nghề mộc thủ công mỹ nghệ.

Truyền thuyết về ngôi làng

Tên làng nghề ngày xưa là Nủa Chàng, chữ "chàng" ở đây chỉ là mang tên một dụng cụ để làm nghề mộc.

Truyền thuyết trong làng còn kể rằng ngoài làng có một bãi đất hoang, nơi mà Thánh Tản Viên sai người đến đón các nghệ nhân lên chạm trổ đình thờ trên non Tản. Đến khi đưa về, mỗi người đều có một lá trúc đặt trong cổ họng. Nếu họ tiết lộ những bí mật của nghề cho người khác cũng như họ kể về những điều tai nghe mắt thấy tại Tản Viên thì họ sẽ bị lá trúc đó xuyên thủng.

Hiện nay, các cụ cao niên, nghệ nhân cao tuổi cũng không thể nắm rõ nghề mộc của làng khởi nguồn từ bao giờ, do ai tạo lập vì làng hiện có nhiều ngôi Đình nhưng không Đình nào thờ thần hoàng làng làm nghề thợ mộc.

Thực hư của những giai thoại ấy thế nào không ai rõ nhưng những nghệ nhân cao niên trong làng khẳng định làng nghề mộc Chàng Sơn đã tồn tại và có tiếng từ cái thời Hùng Vương dựng nước.

Đến năm 1956, làng Nủa Chàng được gọi là Chàng Sơn.

Tinh hoa nghề mộc

Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, Chàng Sơn ngày nay vẫn không thiếu những người thợ tài hoa có thể làm nên những công trình đi vào giai thoại như thế.

Sản phẩm của họ làm ra, không còn dành cho những bậc vưa chúa nữa mà để bán cho khách thập phương, từ những người bình dân nhất đến những khách hang sành sỏi nhất.

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự trợ giúp của máy móc hiện đại, giờ đây công việc của người thợ mộc Chàng Sơn đã phần nào bớt nặng nhọc hơn, năng suất cao hơn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những sản phẩm mộc xóm Chàng mất đi giá trị của mình. Vẫn còn đó những hoa văn, những đường nét đục đẽo tinh xảo mà chỉ có chính đôi tay người thợ mới có thể làm ra được.

Người mua vẫn tìm đến nườm nượp, vẫn say đắm đến siêu lòng với những sản phẩm của làng nghề này.

Về Chàng Sơn, ai ai cũng bị cuốn hút bởi sự mải mê của những nghệ nhân bên chiếc đục, chiếc bào đang say sưa chế tác. Họ đang dành hết tâm trí cho công việc mà chẳng hề để ý đến những gì đang diễn ra xung quanh. Có người trẻ tuổi, có người cao tuổi, tất cả đang chuẩn bị cho ra lò những sản phẩm mộc của làng nghề đã có một bề dày truyền thống.

Nhà gỗ Chàng Sơn

Trong các làng nghề làm nhà gỗ cổ nổi tiếng ở đồng bằng Bắc Bộ, xã Chàng Sơn được biết đến là một trong những nơi có nghề làm nhà gỗ với nhiều công trình đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc gỗ của Việt Nam.

Một ngôi nhà cổ do thạc sỹ, kiến trúc sư Nguyễn Giang thiết kế và được xây dựng tại Củ Chi. (Ảnh: Nguyễn Giang/Báo ảnh Việt Nam)

Trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, nhà gỗ là sự lựa chọn phù hợp với điều kiện và tính cách của người Việt.

Trong kiến trúc nhà người thợ Chàng Sơn thường dựng dựa trên kết cấu kiến trúc điển hình nhà gỗ của người Việt.

Nhà gỗ được xây thành 5 gian và chỉ có duy nhất một tầng. Mái nhà hình chóp, trải đều sang phía trước và sau hiên nhà. Kiến trúc khung gỗ cũng khá độc đáo, được dựng từ các vỉ kèo liên kết cùng nhau tạo ra một khối thống nhất có khuôn hình chữ nhật và bốn góc đều vuông.

Phòng khách bày những bàn ghế bằng gỗ nguyên khối khê chính giữa. Sát vách bầy các vác tủ, sập gỗ và bàn thờ gia tiên. Những ngôi nhà gian theo phong cách truyền thống có thể treo hoành phi cấu đối trong gian chính. Phía trước nếu có khoảng trống rộng sẽ làm sân vườn, trồng những loại cây cảnh có kích thước nhỏ.

Để làm một công trình nhà gỗ truyền thống, người thợ Chàng Sơn phải tính toán, lên được kích thước của ngôi nhà.

Nguyên liệu truyền thống trước đây thường làm bằng gỗ xoan, lim, táu… , sau này cũng do điều kiện thay đổi nên người thợ cũng điều chỉnh chuyển sang gỗ rừng trồng khác.

Sau khi chọn nguyên liệu, người thợ sẽ gia công các cấu kiện thô ở xưởng và chạm khắc hoa văn trên các cấu kiện.

Để thể hiện rõ yếu tố nhà gỗ truyền thống Việt Nam, người thợ Chàng Sơn thường đục chạm các hoa văn mang hình ảnh văn hóa Việt Nam như các trò chơi dân gian, trầu cau, cây Nêu, Thánh Gióng./.

Theo (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/ve-lang-moc-chang-son-xem-cac-nghe-nhan-lam-nha-go-doc-dao/614263.vnp                

Tệp đính kèm