Những ngày qua, trên mạng xã hội tràn lan những quảng cáo về các loại thuốc, thực phẩm chức năng, thậm chí cả "kẹo" giải rượu thần tốc, "đánh bay" nồng độ cồn, không lo bị đo nồng độ cồn khi bị cảnh sát "hỏi thăm". Thực tế các chuyên gia khẳng định, trên thế giới cũng không có loại thuốc nào chứng minh được công dụng "đánh bay" nồng độ cồn thần tốc.
Nghị định số 100/2019 áp dụng từ ngày 1/1, bất kể trường hợp nào lái ô tô, xe máy, xe đạp... có nồng độ cồn đều bị xử phạt.
Cùng với sự nghiêm minh của pháp luật với không ít trường hợp bị xử phạt 7 triệu đồng sau 2 ly bia, trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt những quảng cáo về lại kẹo, thực phẩm chức năng, thuốc với công dụng thổi bay nồng độ cồn.
Loại kẹo được quảng cáo là viên mềm dễ nhai, với thành phần chính là Curcumin 30mg được chiết xuất từ tinh bộ nghệ, củ sả và hương xoài thơm giúp xả nhanh lượng cồn trong cơ thể.
Về vấn đề này, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết: "Đến nay, chưa một sản phẩm thuốc, dược phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có công dụng "thổi bay" nồng độ cồn. Đến cả thế giới, chưa có loại thuốc nào chứng minh được công dụng này", ông Đông nói.
Trong khi đó, có một số sản phẩm thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hoá, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở trong tích tắc, "thổi bay" hết nồng độ cồn như quảng cáo.
Chuyên gia về dược, PGS.TS Trần Nhân Thắng, Trưởng Khoa Dược thuộc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng khẳng định, một số thuốc có công dụng gây cảm ứng enzym gan, giúp gan tăng cường chuyển hoá, đào thải rượu.
Nhưng đây là những loại thuốc phải được bác sĩ chỉ định, dùng trong cấp cứu y khoa với những trường hợp nghiện rượu, ngộ độc…với sự theo dõi của bác sĩ tại cơ sở y tế.
Những loại thuốc này đẩy nhanh việc đào thải nồng độ cồn ra khỏi cơ thể nhưng có thể gây ra phản ứng nguy hại cho sức khoẻ nên cần có chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
Ví dụ nếu uống 300ml bia hoặc 30ml rượu nặng, cơ thể cần khoảng 1 giờ đồng hồ để đào thải hết nồng độ cồn, nhưng với những trường hợp ngộ độc rượu, nghiện rượu, bác sĩ kê thuốc để thúc đẩy nhanh quá trình đào thải cồn, cần khoảng 30 -45 phút so với 60 phút nếu không dùng thuốc.
"Tuy nhiên không thể "thổi bay" nồng độ cồn trong chốc lát", PGS Thắng khẳng định.
Vì thế, các bác sĩ kêu gọi văn hóa uống rượu cần thay đổi, “chén rượu đầu xuân” để chúc nhau mang lại may mắn, sức khỏe chứ không nên ép rượu đến biêng biêng, say rượu vừa mất vui, vừa có những hiểm nguy đe dọa tới sức khỏe người say.
Mọi người cũng cần chú ý, một khi đã uống rượu, bia, bạn sẽ rất dễ dàng nhanh chóng mất khả năng kiểm soát và chuyển từ “uống ít” sang “uống nhiều”. Vì thế, nếu thấy không còn tỉnh táo, đi lại biêng biêng rồi thì nên dừng lại để giảm thiểu các nguy cơ về sức khỏe. Bởi khi say không chỉ có tác hại của rượu, mà việc không làm chủ hành vi có thể khiến người say sinh sự đánh nhau, đi xe gây tai nạn…vì thế tuyệt đối không lái xe sau khi đã uống bia rượu.
Ở người Việt Nam, để phù hợp với kích cỡ cơ thể và dễ ước tính, với nam giới không nên quá 20 gam/ngày, tương đương 500ml loại bia 5%, 60ml loại rượu 39.9%; với nữ giới không nên quá 10 gam/ngày, tương đương với 250ml loại bia 5%, 30ml loại rượu 39.9%.
Theo Tú Anh/dantri.com.vn