Cập nhật: 10/01/2020 11:16:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mùa phim Tết 2020 bắt đầu “nóng” với một số dự án vừa ra mắt. Năm nay, nhiều điểm mới về nội dung, hình thức được các nhà làm phim quan tâm đã tạo nên sức hút với công chúng, đặc biệt là đề tài đương đại.

Cảnh trong phim 30 chưa phải Tết của đạo diễn Nguyễn Quang Huy.

Khác với mọi năm, phim Tết chủ yếu chỉ khai thác các đề tài dân gian, năm nay các nhà làm phim tập trung chọn những đề tài phản ánh đời sống xã hội đương đại, trong đó có các sự kiện dư luận quan tâm gần đây. Các dự án phim đáng chú ý có thể kể đến như: 30 chưa phải Tết (đạo diễn Nguyễn Quang Huy); Đôi mắt âm dương (đạo diễn Nhất Trung); Bí mật của gió (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình); Tết ơi là Tết (đạo diễn Vũ Đức Huân); Tỷ phú đè đại gia, Trốn Tết (đạo diễn Dương Ngọc Bảo), Giấc mộng quan trường (đạo diễn Linh Đồng)…

Năm nay, hai bộ phim 30 chưa phải Tết và Đôi mắt âm dương cùng ra rạp từ mồng 1 Tết âm lịch. Sau thành công với doanh thu gần 200 tỷ đồng từ phim Cua lại vợ bầu chiếu dịp Tết 2019, đạo diễn Nhất Trung trở lại với Đôi mắt âm dương. Anh tự tin cho biết, bộ phim mang màu sắc huyền ảo, kinh dị này có thể tạo nên sự khác biệt, gây tò mò với khán giả. Nội dung phim mang đậm chất nhân văn, dựa trên câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình, tình yêu cuộc sống. 30 chưa phải Tết của đạo diễn Nguyễn Quang Huy cũng là bộ phim về chủ đề gia đình có nội dung xoay quanh nhân vật nam từ nhỏ đã mồ côi mẹ và sống với cha, bị bạo hành nên mang trong lòng thù hận. Sau nhiều năm bỏ quê ra đi, anh trở về giành lấy miếng đất của chính cha mình, để rồi một biến cố trong ngày 30 Tết giúp anh nhận ra những giá trị cuộc sống. Ngoài hai bộ phim ra rạp đúng ngày mồng 1 Tết, các phim khác sẽ được chiếu rải rác trong một vài tuần lễ trước và sau Tết. Bộ phim Bí mật của gió có sự góp mặt của dàn diễn viên trẻ tiềm năng, như: Khả Ngân, Quốc Anh, Hoàng Yến Chibi... dự kiến ra rạp từ mồng 7 Tết. Đây là phim từng dự Liên hoan phim Busan 2019 (Hàn Quốc) ở nhánh dành cho phim nổi bật của các đạo diễn châu Á có nội dung tình cảm, hài hước.

Các nhà làm phim cho biết, số lượng phim Tết năm nay không nhiều nhưng mỗi sản phẩm đều được đầu tư khá kỹ lưỡng về nội dung, chất lượng, có những bộ phim kinh phí sản xuất lên đến hàng triệu USD. Đạo diễn Nguyễn Quang Huy nhấn mạnh, để chuẩn bị cho bộ phim 30 chưa phải Tết, anh và ê-kíp đã nghiên cứu nhu cầu, xu hướng của khán giả qua các mùa Tết rồi mới quyết định lên ý tưởng thực hiện. Phim áp dụng tối đa kỹ xảo, đưa yếu tố kỳ ảo làm điểm nhấn, xây dựng hình mẫu nhân vật hiện đại nhưng nội dung chính là để truyền tải thông điệp về tình cảm con người… Đạo diễn trẻ Linh Đồng lại có một hướng đi khác, năm nay không có chương trình “Gặp nhau cuối năm - Táo quân” của Đài Truyền hình Việt Nam nên anh sản xuất phim Giấc mộng quan trường có nội dung đề cập đến nhiều vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội năm cũ qua lăng kính hóm hỉnh, hài hước.

Theo các đạo diễn, việc duy trì làm phim Tết, ngoài đam mê nghề nghiệp và kỳ vọng đoạt doanh thu cao thì hiện nay giới làm nghề còn có cuộc cạnh tranh ngầm về chất lượng, nhằm đẩy lùi những sản phẩm phim Tết chứa nội dung hài nhảm, phản cảm đang tràn lan trên thị trường khiến khán giả có cái nhìn thiếu thiện cảm về điện ảnh. Sự cạnh tranh giữa các nhà làm phim hiện nay cũng dần hướng tới giá trị lành mạnh. Thực tế phát hành phim Tết những năm qua cho thấy, nếu đồng loạt có nhiều phim ra rạp thì sẽ chỉ có một phim thắng lợi về doanh thu vì các rạp sẽ tập trung dành suất chiếu cho phim có lượng khán giả mua vé nhiều, cho nên năm nay các nhà sản xuất phim Tết không đưa phim ra rạp cùng lúc. Ngoài ra, khán giả Việt đã hình thành thói quen đến rạp xem phim vào dịp lễ, Tết hoặc lựa chọn ứng dụng xem phim trên nền tảng số nên các nhà làm phim đang nỗ lực bắt kịp xu hướng này bằng cách không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức, chỉn chu hơn trong từng công đoạn. Đây cũng chính là những điểm tích cực của phim Tết năm nay để khán giả có những phút giây thật sự thư giãn với môn nghệ thuật thứ bảy dịp Tết đến, xuân về. 

Theo MAI LỮ/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm