Cập nhật: 20/01/2020 09:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tại huyện đảo Trường Sa, hàng ngàn người con đất Việt vẫn ngày đêm giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Trong số đó, có không ít cán bộ, chiến sĩ là người đồng bào người dân tộc thiểu số đang chung sức giữ gìn biển đảo quê hương.

Lên thăm đảo Sơn Ca, nhiều người sẽ ngạc nhiên về các chiến sĩ là đồng bào dân tộc thiểu số đang đóng quân nơi đây. Những con người vốn bao năm chỉ quen với đối núi rừng, cỏ cây, khi ra Trường Sa, họ vẫn phát huy rất tốt năng lực ở các vị trí công tác. Được chỉ huy đảo Sơn Ca giới thiệu, chúng tôi tìm gặp Trung úy Phạm Công Giáp, người dân tộc Mường (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa), sinh năm 1994 và ra công tác Trường Sa từ năm 2018. Với gương mặt rạn dày sương gió, nụ cười hiền khô, Giáp đã say sưa kể về con đường binh nghiệp mà em đã chọn. Giáp tâm sự: “Do đặc thù sinh ra ở vùng quê không có biển, việc được ra huyện đảo Trường Sa công tác đã giúp em thỏa được mong muốn của mình. Ngày đầu đặt chân đến đảo Sơn Ca, em thấy bất ngờ vì biển đảo quê hương đẹp hơn so với tưởng tượng. Dù ban đầu có chút bỡ ngỡ nhưng chỉ một thời gian ngắn em đã kịp thích nghi và yên tâm công tác”.

Dù là người dân tộc thiểu số, công tác trong môi trường quân đội, nhưng điều đó không tạo ra áp lực cho Phạm Công Giáp. Trái lại, điều đó chính là động lực để em cố gắng hoàn thiện bản thân hơn, nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Với Trung úy Phạm Công Giáp, được công tác tại huyện đảo Trường Sa, chính là cơ hội để rèn luyện cả về phẩm chất và bản lĩnh của người lính.

Trung úy Phạm Công Giáp kiểm tra đơn vị trực gác.

“Dù gia đình em không có truyền thống quân ngũ, nhưng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường em đã quyết chọn con đường binh nghiệp làm lý tưởng của cuộc đời. Sự trưởng thành của em làm tấm gương sáng cho em trai của em tiếp bước đời quân ngũ và đang theo học ở Trường Sĩ quan Chính trị. Nếu được nói với cá bạn trẻ đồng bào dân tộc thiểu số, em mong muốn các bạn hãy phấn đấu, tu dưỡng để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp” - Trung úy Phạm Công Giáp chia sẻ.

Là chỉ huy đơn vị, Giáp cho biết, hoạt động phong trào ngoài đảo có nhiều khác biệt so với đặc thù các đơn vị trong đất liền. Phần lớn các đơn vị công tác ngoài đảo thường không có các đơn vị kết nghĩa dân sự nên việc tổ chức phong trào chủ yếu hướng vào hoạt động giao lưu giữa các đơn vị trên đảo. Bằng các hoạt động giao lưu thiết thực như thông qua thi đấu thể thao hoặc văn nghệ giúp nâng cao chất lượng hoạt động phong trào, cũng như sự đoàn kết giữa các đồng chí, đồng đội nơi đảo xa.

Chia tay chàng trai người mường xứ Thanh, chúng tôi tìm gặp chiến sĩ dân tộc Chăm, Binh nhất Thập Văn Hoan, quê Ninh Thuận. Chàng trai sinh năm 1999 không hoạt ngôn, nhưng gây ấn tượng với người đối diện bằng sự chân chất. Là con thứ 3 trong gia đình, em rất vui khi biết tin được đóng quân tại huyện đảo Trường Sa. Dưới tán cây bàng quả vuông, Hoan kể lại những kỷ niệm đáng nhớ trong đời người lính, đặc biệt là kỷ niệm đón Tết ở Trường Sa. Với Hoan, cái Tết đầu tiên nơi đảo xa rất khác xa trong đất liền. Mọi vật phẩm có tiền cũng không thể mua được, mọi thứ đều do các đoàn công tác vượt sóng gió chuyển ra. Cũng chính vì thế, kỷ niệm đầu đời quân ngũ của Hoan càng trở nên đáng quý và trân trọng hơn.

Thập Văn Hoan cho biết: “Em được đón cái Tết đầu tiên trong đời quân ngũ chỉ ít ngày ra đảo Sơn Ca. Sự quan tâm của đồng chí, đồng đội đã giúp em vượt qua nỗi nhớ nhà và nhanh chóng hòa nhập với môi trường quân đội. Được cùng đồng chí, đồng đội làm bánh chưng, dọn dẹp, chỉnh trang doanh trại, trang trí hội trường đơn vị chính là những kỷ niệm đáng nhớ trong đời quân ngũ của em. Ngày Tết được nghe kể nhiều về cây bàng quả vuông và được chứng kiến loài hoa đẹp này bung nở, toả hương khiến tâm hồn trở nên bâng khuâng khó tả”.

Binh nhất Thập Văn Hoan sửa soạn quân tư trang trong giờ nghỉ.

Theo lời kể của đồng đội, trên đảo Sơn Ca, Hoan là một trong những người con của dân tộc Chăm hiếm hoi công tác tại huyện đảo Trường Sa. Chàng trai mặn mòi của vùng nắng gió Ninh Thuận đặc biệt có rất nhiều tài lẻ và yêu động vật. Từ ngày Hoan ra đảo, toàn bộ đàn chó của đơn vị đều do em chăm sóc. Chiến sĩ Thập Văn Hoan khẳng định, em rất tự hào khi được trở thành người lính Trường Sa. Những câu chuyện đẹp về Trường Sa sẽ được Hoan kể lại cho bạn bè nơi quê nhà. Nếu một lần nữa được lựa chọn, Hoan vẫn lựa chọn được đóng quân tại Trường Sa, nơi địa đầu Tổ quốc.

Nhận xét về những cán bộ, chiến sĩ là đồng bào dân tộc thiểu số công tác tại Đảo Sơn Ca, Trung tá Phạm Doãn Thảo, Chính trị viên đơn vị cho biết, trong đơn vị, các đồng chí là dân tộc ít người đều có nhận thức rất tốt. Trong đó, Trung úy Phạm Công Giáp và Binh nhất Thập Văn Hoan là những người có ý chí mạnh mẽ, kiên định. Đối với công việc, các đồng chí này luôn luôn đi đầu, xốc vác, không ngại khổ, ngại khó. Mặc dù là người dân tộc thiểu số, nhưng có ý thức tự giác rất cao. Người làm chỉ huy thì luôn luôn gương mẫu, còn chiến sĩ thì nghiêm túc chấp hành kỷ luật. Năm 2019, Thập Văn Hoan được Lữ đoàn 146 tặng danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến.

Trung tá Phạm Doãn Thảo cho biết thêm, Thập Văn Hoan là người có rất nhiều tài lẻ. Toàn bộ các bảng hiệu ở đơn vị đều do Hoan kẻ, vẽ. Các chậu cây cảnh, bonsai của đơn vị cũng một tay Hoan cắt tỉa, uốn tạo. “Những đồng chí như Hoan, Giáp là tấm gương sáng để các cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc ít người học hỏi. Các đồng chí đã thể hiện được phẩm chất tốt nhất của mình”, Trung tá Phạm Doãn Thảo chia sẻ.

Những chiến sĩ nơi đảo xa, trong đó có cả đồng bào dân tộc ít người như giáp và Hoan, không chỉ là tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong quân ngũ, mà còn thể hiện sự đoàn kết của người dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

TUẤN SƠN

Nguồn: Báo điện tử Quân đội nhân dân

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhung-chien-si-dan-toc-it-nguoi-cong-tac-o-truong-sa-607990

Tệp đính kèm