Cập nhật: 24/01/2020 15:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đa số mọi người đều có suy nghĩ “xả hơi” trong những ngày nghỉ Tết vì cả năm mới có dịp đoàn tụ gia đình.

Thế nhưng cũng chính từ việc ăn uống thái quá, nạp nhiều năng lượng trong khi vận động ít đi gây ảnh hưởng đến sức khỏe khiến Tết kém vui. Đặc biệt, người cao tuổi (NCT) là đối tượng vốn có nhiều bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch..., do đó, cần đặc biệt lưu ý chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt tránh bệnh trở nặng.

Chia sẻ với PV báo SK&ĐS, ThS.BS. Nguyễn Thị Tám - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, BV Hữu Nghị cho biết, ngày Tết với cách ăn uống thoải mái, ăn không ra bữa cộng với rượu bia nhiều khiến không ít người mắc các vấn đề về tiêu hóa - dạ dày (như đầy bụng, khó tiêu, ngộ độc thực phẩm...), rối loạn mỡ máu, tăng đường huyết... Điều này tiềm ẩn nguy cơ cho các bệnh mạn tính âm thầm phát triển. Do đó, BS. Tám khuyến cáo người dân cần lưu ý lựa chọn thực phẩm, ăn cân đối 4 nhóm thực phẩm gồm: nhóm bột đường (carbon hydrat); chất đạm; chất béo và chất xơ có nhiều trong rau củ quả.

BS. Tám gợi ý cách bổ sung dinh dưỡng nhanh gọn, hiệu quả cho Tết thêm vui:

Uống đủ nước

NCT là nhóm đối tượng thường bị thiếu nước, nhất là với các cụ ông mắc bệnh tiền liệt tuyến - họ đi tiểu nhiều, thậm chí còn sinh ra tâm lý e ngại khi phải uống nước. Bên cạnh đó, ở người già, cảm giác thèm nước, khát nước cũng bị giảm đi nên họ ít có nhu cầu bổ sung nước. Điều này khiến cơ thể như một cái cây khô héo, thiếu nước làm cho da nhăn nheo và táo bón là chứng bệnh gần như 100% các cụ cao tuổi mắc phải.

ThS.BS. Nguyễn Thị Tám - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, BV Hữu Nghị.

“Bình thường, mỗi người phải bổ sung 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày. Đây là lượng nước phải dùng tối thiểu, thậm chí trong mùa hè, hanh khô, lượng nước này phải tăng hơn để đáp ứng nhu cầu cơ thể với môi trường bên ngoài”, BS. Tám tư vấn.

Theo khuyến cáo của BS. Tám, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy, NCT cũng nên uống một cốc nước ấm giúp làm pha loãng lượng máu bị cô đặc sau một đêm ngủ kéo dài, phòng ngừa vấn đề tắc mạch.

Ưu tiên thực phẩm nhiều chất xơ và cách chế biến thanh đạm

Chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị, lượng chất xơ cần đảm bảo cho cơ thể từ 20-25g/ngày. Với NCT, thường răng đã suy yếu khiến sức nhai hạn chế. Có người chia sẻ rằng họ không thể ăn các loại rau cứng trong bữa cơm gia đình và rất ngại “phiền” con cháu nên gần như không yêu cầu nấu những món ăn riêng. Chính vì vậy, các thành viên trong gia đình nên quan tâm và chọn những loại rau mềm, chế biến nhừ hơn bình thường một chút để các cụ dễ ăn. Có thể ăn các loại rau có chất xơ hòa tan rất tốt cho cơ thể, ăn các loại rau có chất đạm thực vật cao (nếu NCT không bị suy thận kèm theo) như: rau ngót, rau dền, mùng tơi...

Nên ưu tiên ăn cách chế biến luộc, hấp..., hạn chế đồ xào nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán không tốt cho sức khỏe.

Kiểm soát cân nặng, tránh béo phì

BS. Tám cho rằng, ở người già, nhu cầu năng lượng sẽ giảm đi so với người trưởng thành. Tuy nhiên, đa số NCT lại rất khó định hình được việc nên dừng lại ở lúc nào. Họ cứ đói là ăn, thậm chí có cụ rất “háo ngọt” nên ăn đồ ngọt, uống nước ngọt, bánh kẹo ngọt khiến dư thừa năng lượng. Cho nên bên cạnh tỉ lệ suy dinh dưỡng ở NCT thì thừa cân, béo phì cũng là vấn đề rất đáng quan tâm.

“Lối sống tĩnh tại, ít vận động, thay vào đó là thích xem tivi, đọc báo nên rất ít NCT biết lắng nghe cơ thể mình để điều tiết. “Đầu vào” nhiều hơn năng lượng thải ra thì mỡ thừa sẽ tích lũy gây ra béo phì, nhất là béo phì vùng bụng. Do đó, cần điều chỉnh cách ăn uống, giảm đường, ăn đầy đủ nhưng phải cân đối và tích cực vận động để kiểm soát cân nặng”, chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ.

Trong nhà có NCT thì nên chia nhỏ đồ ăn thành các bữa nhỏ trong ngày, giải thích cho các cụ hiểu là vẫn ăn nhưng cần cắt giảm năng lượng, giảm đường ngọt, thay vào đó là rau, củ, quả và chọn những thực phẩm ít năng lượng. Với một số trường hợp béo phì không nên ăn thịt có mỡ, thịt gà cần bỏ da.

30 phút vận động mỗi ngày

Tăng cường vận động rất có ích cho cơ thể. Ở NCT nên cố gắng vận động 20-30 phút mỗi ngày, tốt nhất là nên đi bộ chậm rãi hoặc tập các động tác dưỡng sinh, thái cực quyền... Việc vận động ngoài vừa tiếp xúc được với ánh nắng tăng hấp thu vitamin D, phòng ngừa loãng xương vừa giúp lưu thông khí huyết rất tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên, BS. Tám cũng lưu ý vào những ngày rét mướt thì NCT tuyệt đối không nên dậy sớm và tập thể dục ngoài trời. Thay vào đó, chỉ nên tập các động tác nhẹ nhàng trong nhà, xoa bóp chân tay cho khí huyết lưu thông, cơ thể ấm dần lên sau đó khi trời hửng ấm thì mới nên ra ngoài.

 

Người cao tuổi và những lưu ý không thể bỏ qua trong kỳ nghỉNgười cao tuổi nên cố gắng vận động 20-30 phút mỗi ngày. Ảnh: TM

Lưu ý với người mắc các bệnh mạn tính

Với người mắc bệnh đái tháo đường, chế độ dinh dưỡng là cực kỳ quan trọng bên cạnh việc dùng thuốc đều đặn và vận động hợp lý - được coi là “kiềng 3 chân” trong kiểm soát bệnh. Trong bữa tiệc ngày Tết với vô số các món ăn bổ dưỡng khiến nhiều người bệnh khó mà kiềm chế được. Cách lựa chọn thông minh là nên chọn các thực phẩm không chiên rán, ăn đa dạng các món và nhất định không được bỏ qua các loại rau, trái cây. Tăng cường ăn rau xanh từ 300 - 500g/ngày. Hoa quả từ 200 - 500g các loại/ngày, chọn loại quả có hàm lượng đường ít như: thanh long, cam, ổi, đu đủ chín...

Hạn chế ăn khoai tây, miến dong, bánh mì trắng. Hạn chế sử dụng bánh ngọt, đường, kẹo, mật ong. Hạn chế dùng mỡ, bơ, lòng, phủ tạng, đồ hộp. Hạn chế các thực phẩm chế biến dưới dạng nướng, rán. Không nên ăn các loại hoa quả sấy. Hạn chế ăn các loại quả có hàm lượng đường cao: na, nhãn, mít, vải, hồng xiêm... Không sử dụng rượu, bia, nước ngọt...

“Có người bệnh chia sẻ cả Tết họ không ăn miếng bánh chưng nào vì sợ đường huyết tăng cao, thay vào đó là ăn miến triền miên 3 bữa/ngày. Điều này là sai lầm nghiêm trọng trong ăn uống vì miến cũng thuộc nhóm carbon hydrat và là thực phẩm tinh chế có lượng đường cao khiến đường huyết tăng vọt nếu ăn quá nhiều. Do đó, thay vì kiêng khem không đúng, người bệnh nên điều tiết ăn cân đối, đầy đủ hương vị ngày Tết. Ví dụ nếu ăn bánh chưng rồi thì không nên ăn cơm hoặc ăn giảm bánh kẹo đi, chia nhỏ các bữa để đỡ cảm giác đói, không ăn quá nhiều cùng một lúc...”, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế tư vấn.

Với NCT mắc tăng huyết áp thì nên hạn chế ăn giò, chả vì trong đó có nhiều muối không tốt cho huyết áp. Hoặc người bị suy tim kết hợp với đái tháo đường cần lựa chọn thực phẩm hạn chế các chất kích thích như cà phê, rượu, bia... và các thực phẩm có ga. Người bị gout kết hợp đái tháo đường thì không dùng các thực phẩm và đồ uống có khả năng gây đợt gout cấp: rượu, bia, cà phê, chè...

 

Theo Phạm Hiệp(ghi)/suckhoedoisong.vn  

Tệp đính kèm