Cập nhật: 27/01/2020 10:59:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với những ai đã được một lần đặt chân đến Trường Sa, được chứng kiến cuộc sống hàng ngày của quân dân trên đảo, chắc hẳn sẽ trong lòng sẽ không khỏi dâng trào những xúc cảm thiêng liêng và tự hào.

Giữa biển khơi sóng gió, đảo Trường Sa hiện ra như một viên ngọc lung linh, xanh tươi, hiền hòa và tràn đầy sức sống. Mặc cho khí hậu khắc nghiệt, những chồi non trên đảo vẫn vươn mình đón nắng gió biển khơi.

Được mệnh danh là “Thủ đô” của huyện đảo Trường Sa, đảo Trường Sa là cái tên thân thương gợi trong ta về những bài hát của biển, gợi trong ta về một quần đảo rộng lớn, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nằm hiền hòa giữa Biển Đông suốt bốn mùa sóng vỗ. Đảo Trường Sa cũng là điểm trú chân cho các con tàu khi gặp bão tố.

Là đảo lớn nhất trong cụm đảo Trường Sa, điều kiện khí hậu, thủy văn ở đảo Trường Sa mang đặc trưng khí hậu, thủy văn ở quần đảo Trường Sa, mùa khô từ tháng Hai đến tháng Tư, mùa mưa từ tháng Năm đến tháng Giêng năm sau. Cái nắng chói chang, bỏng rát có thể nhuộm nâu làn da của những người lính đảo, nhưng không thể bào mòn ý chí của các anh, những người luôn một lòng mến yêu từng tấc đất quê hương.

Những cây xanh trên đảo vẫn tốt tươi dưới sự chăm sóc chu đáo của các chiến sĩ.

Chồi non đón nắng gió vươn lên.

Vượt qua sự khó khăn, khắc nghiệt của thời tiết và điều kiện sống, quân dân nơi đây đã nỗ lực không ngừng để biến hòn đảo cát trắng thành “hòn ngọc xanh”. Những cây xanh trên đảo vẫn tốt tươi dưới sự chăm sóc chu đáo của các chiến sĩ. Nhìn những vạt rau xanh mơn mởn đội nắng gió lớn lên, những hàng cây phong ba, hoa bàng quả vuông, phi lao đứng sừng sững trước bao gió mưa bão biển mới thấy hết công sức của những con người nơi đây. Mồ hôi đổ xuống cho những mầm xanh căng tràn sức sống cứ thế vươn lên như minh chứng cho ý chí bền bỉ của những người lính đảo. Loài hoa muống biển với những bông hoa tím dịu dàng mọc rải rác điểm xuyết trên những con đường đầy nắng gió và sỏi đá như muốn làm dịu đi cái nắng gió nơi đảo xa, vơi bớt đi nhọc nhằn của người lính đảo.

Với nguồn hải sản phong phú có giá trị kinh tế cao như ốc, cá, hải sâm... xung quanh đảo đã thu hút nhiều tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hoà, Bình thuận, Phú Yên... đến khai thác đánh bắt. Nơi đây cũng là nơi trú chân của một số loài chim di cư theo mùa.

Cuộc sống tuy còn vất vả, khó khăn, song tình cảm đồng chí, đồng đội, tình quân dân luôn nồng thắm, tỏa sáng, sắt son, bền chặt. Vượt lên trên khó khăn, cán bộ, chiến sĩ của đảo luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Trong trái tim mỗi con người nơi đây đều coi “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”.

Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quân và dân trên đảo Trường Sa luôn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ ngư dân Việt Nam và các đối tượng khác bị nạn trên vùng biển quản lý, tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ hải quân” trong lòng nhân dân. Những việc làm giản dị, bình thường của cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa đã góp phần củng cố, xây đắp tình đoàn kết quân dân, giúp ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường, sát cánh cùng bộ đội hải quân bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bằng ý chí và sự bền bỉ, với phương châm “chủ động, tự chủ”, quân dân trên đảo đã khắc phục nhiều khó khăn để mang đến màu xanh đảo. Giờ đây, Trường Sa đã trở thành một hòn đảo xanh tươi, rợp bóng mát, cây trái bốn mùa tươi tốt. Quân dân trên đảo đã có thể chủ động tự cung cấp được toàn bộ nhu cầu rau xanh và một phần thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày.

Giây phút thiêng liêng xúc động nhất có lẽ là giây phút được chứng kiến lễ chào cờ trên đảo. Khi khúc Tiến quân ca vừa dứt, Mười lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam vang lên giữa biển trời Tổ quốc. Kết thúc nội dung mỗi lời thề là lời đáp “xin thề” đanh thép, đầy quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ nơi vùng biển tiền tiêu. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh trên đảo và đoàn quân hào hùng diễu duyệt đội ngũ, chiến sĩ hải quân oai nghiêm đứng gác bên cạnh cột mốc chủ quyền... Tất cả như tiếp thêm sức mạnh, khiến cho những ai vinh dự được có mặt trong Lễ chào cờ trên đảo trào dâng một niềm xúc động và tự hào.

Mười lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam vang lên giữa biển trời Tổ quốc.

Những chuyến tàu chở các đoàn công tác ra thăm đảo đã mang ý thức, trách nhiệm của đồng bào trong đất liền đến với biển đảo quê hương, đến với cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại đảo Trường Sa. Mỗi lần có đoàn công tác từ đất liền ra, các em nhỏ trên đảo lại háo hức với những món quà mới, những thành viên trong các đoàn công tác lại được đi thăm Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo, thăm Chùa Trường Sa, thăm cuộc sống của quân dân trên đảo... họ cũng háo hức không kém. Những chương trình giao lưu văn nghệ của các đoàn văn công với cán bộ chiến sĩ trên đảo như sợi dây kết tình quân dân thắm đượm.

Những món quà gửi gắm nhiều yêu thương của thành viên các đoàn công tác ra đảo gửi tặng các em nhỏ.

Giao lưu văn nghệ trên đảo.

Trải qua quá trình xây dựng chiến đấu và trưởng thành, quân dân thị trấn Trường Sa luôn phát huy truyền thống, thành tích của đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trên dưới đồng thuận, đoàn kết thống nhất, chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Xây dựng đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

TƯỜNG VY

Nguồn: Báo điện tử Quân đội nhân dân

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/than-thuong-truong-sa-608542

 

Tệp đính kèm