Nếu Yên Tử là nơi Phật hoàng hành pháp thì Ngọa Vân là nơi Ngài kết thúc hành trình tu đạo của vị Tổ sáng lập Thiền phái Trúc lâm Yên Tử.
Yên Tử và Ngọa Vân là 2 địa danh cùng nằm trên cánh cung Đông Triều (Quảng Ninh) và đều có ý nghĩa đặc biệt trong hành trình tu tập, nhập diệt của Phật hoàng Trần Nhân Tông - Vị vua đã sớm rời bỏ tột đỉnh quyền lực để chăm lo cho phần hồn văn hóa của dân tộc Việt.
Am Ngọa Vân là 1 trong 14 di tích thuộc cụm Di tích đặc biệt Quốc gia nhà Trần tại Đông Triều.
Chùa Ngọa Vân được dựng trên sườn núi Bảo Đài, mái cong hướng ra biển, quanh năm được ấp ôm bởi mây trắng trong lành. Đây là điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình tu hành, giảng pháp, đắc đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông - nhân vật nhiều điểm đặc biệt trong lịch sử Việt Nam.
Đặc biệt khi làm vua, đặc biệt khi chỉ huy quân đội trong chiến tranh và đặc biệt hơn nữa là sớm rời bỏ ngai vàng, lên núi tu hành để chăm sóc cho tư tưởng, phần hồn của dân tộc Việt. Di sản tinh thần lớn nhất mà Ngài để lại là thiền phái Trúc Lâm gắn giáo lý nhà Phật với đời sống của người dân.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử - Khảo cổ - Dân tộc học, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đánh giá: Sau hơn 7 thế kỷ, tư tưởng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông vẫn vẹn nguyên tính nhân văn và phù hợp với xu thế phát triển của đất nước hôm nay.
“Trước đó đã có rất nhiều phái thiền hình thành, nhưng chịu ảnh hưởng của nhiều tông phái khác nhau. Nhưng đến Phật hoàng Trần Nhân Tông ông đã thống nhất đạo phật hình thành Phật giáo Trúc Lâm. Và đưa vào đó nhiều giá trị của văn hóa Việt và biến nó thành bệ đỡ tư tưởng và còn nhiều triết lý nhân sinh, hòa quang đồng Trần và đấy người ta gọi là Phật giáo nhập thế. Phật ở trong người và đánh thức lương tri chúng ta”, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang nói.
Mỗi phiến đá, mái chùa nơi đây, hàng nghìn năm vẫn kể câu chuyện về một vị vua từ bỏ ngai vàng về vùng nông thôn dạy dân trồng lúa, chữa bệnh, giảng pháp, đắc đạo...
Các nghiên cứu khảo cổ học đã chứng minh vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIV, Ngọa Vân đã trở thành quần thể Phật giáo lớn gồm nhiều cụm/điểm công trình được xây dựng bao quanh đỉnh núi Ngọa Vân với cụm Am - Tháp, chùa Chính, cụm Thông Đàn - Đô Kiệu và tháp Phật Hoàng, nơi lưu giữ xá lỵ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng Ban Trị sự, Chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Ngọa Vân có giá trị đặc biệt, không nơi nào có. Đó là nơi được Phật hoàng Trần Nhân Tông về tu hành và chọn nơi đây là nơi hóa Phật vì đây chính là quê hương của nhà Trần.
Nếu như tại Ấn Độ có tứ động tâm tức là 4 vị thánh tích, gắn liền với cuộc đời của đức phật Thích Ca Mâu Ni, trong đó có nơi đức phật Thích Ca Mâu Ni hóa phật là linh thiêng nhất thì ở Việt Nam, Ngọa Vân cũng được coi là nơi linh thiêng nhất vì được chứng kiến những giây phút nhập niết bàn và hóa Phật của Ngài.
Khác với các di tích đã được trùng tu vào các giai đoạn sau này, Ngọa Vân và các di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần vẫn còn thống am tháp ở đây dày đặc và còn nguyên vẹn. Đặc biệt nơi đây giữ được nhiều di vật từ thời Trần như hộp hoa sen bằng vàng mới được tìm thấy trong năm 2019 và được công nhận là bảo vật Quốc gia”.
Trước đây, để lên với Ngọa Vân, cách duy nhất là men theo con đường mòn chỉ vừa một người đi, 1 bên là rừng trúc, mai, 1 bên là vực thẳm. Chặng đường gian nan để đến với các điểm di tích còn bị chia cắt bởi những con suối sâu, kéo dài. Năm 2016, thị xã Đông Triều đã huy động nguồn xã hội hóa, xây dựng tuyến cáp treo băng qua rừng trúc, rừng mai rút ngắn quãng đường đến với ngọn núi thiêng Bảo Đài.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng ban quản lý khu di tích Quốc gia nhà Trần, thị xã Đông Triều, nói: “Tại hai khu di tích đặc biệt Quốc gia nhà Trần và khu di tích Yên Tử, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư một tuyến đường men theo con đường mòn 18b cũ là con đường hành hương của các vua Trần xưa.
Giai đoạn 1, xây dựng tuyến đường 20km, kết nối từ Thượng Yên Công, Yên Tử sang đến ngã ba Dộc Lùn của Đông Triều. Đến giai đoạn 2 toàn tuyến với khu du tích Ngọa Vân. Và hiện nay tuyến đường này đã hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và du khách đến với 2 khu di tích này”.
Tháp Phật Hoàng, nơi lưu giữ xá lỵ của vị tổ đầu tiên, sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Ngọa Vân không chỉ hội tụ vẻ đẹp mênh mang của cánh cung Đông Triều, của Bảo Đài sơn mà còn linh thiêng vì còn lưu giữ được tháp Phật Hoàng chứa xá lợi của vị tổ đầu tiên sáng lập ra Thiền phái Trúc lâm Yên Tử.
Những tháng hội vào mùa Xuân, Ngọa Vân đón hàng nghìn lượt khách hành hương tìm về chốn tĩnh tại với những mái chùa, với những phiến đá cổ nghìn năm để được nghe câu chuyện về một vị vua từ bỏ ngai vàng về vùng thôn quê dạy dân trồng lúa, thuyết giảng Phật pháp, tu hành và đắc đạo...
Không chỉ lưu giữ những dấu tích thiêng liêng về Phật hoàng Trần Nhân Tông, khu di tích Ngọa Vân còn là một nơi có cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ hùng vĩ, thu hút hàng nghìn du khách thập phương hành hương, chiêm bái thánh tích, và để thấm thía hơn tư tưởng "Cư trần lạc đạo” - kết hợp giữa Đạo và Đời để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước./.
Theo Vũ Miền/VOV.VN