Cập nhật: 02/02/2020 09:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, chính quyền các địa phương và sự nỗ lực của ngành tài nguyên và môi trường (TN và MT) việc kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường tại các địa phương đã có sự chuyển biến và bước đầu thu được một số kết quả đáng khích lệ.

Vận hành nhà máy xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (Hà Nội).

Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ TN và MT) Hoàng Văn Thức cho biết: Với quy mô nền kinh tế, dân số ngày càng lớn, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh… đang là những nguyên nhân chính dẫn đến phát sinh các nguồn gây ô nhiễm, chất thải ngày càng lớn ở nước ta. Ðáng lo ngại, tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn biến phức tạp, lượng chất thải được thải ra môi trường ngày càng gia tăng; công tác quản lý rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế, phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế tại các cơ sở xử lý chưa cao.

Lượng nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn, hầu hết chưa qua xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư; hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, không ít địa phương vẫn còn tư tưởng ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư bằng mọi giá, xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường; quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế chưa được thực hiện triệt để. Ngoài ra, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường (BVMT) của người dân và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, việc thực thi công tác BVMT hiệu quả chưa cao; năng lực phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường của các doanh nghiệp ở một số địa phương còn bị động...

Trước thực trạng nêu trên, bên cạnh việc chủ động rà soát, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định của pháp luật và tiếp cận với các quy chuẩn quốc tế về môi trường, Bộ TN và MT tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành có liên quan, chính quyền các địa phương đẩy mạnh việc kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường của các dự án lớn, các khu vực tập trung nguồn thải; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; ứng phó, khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; quản lý chất thải rắn, hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất…

Với những nỗ lực được triển khai, các chỉ số về môi trường ở Việt Nam năm 2019 đã có những chuyển biến khá tích cực và bước đầu thu được một số kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đạt 89% (tăng 1% so năm 2018), trong đó đã có 78,3% lắp đặt thiết bị quan trắc tự động (tăng 28,7%); tỷ lệ cụm công nghiệp (CCN) đã đầu tư hệ thống nước thải tập trung là 15,8% (tăng 6%). Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom đạt 13%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom đạt 86,5%; tỷ lệ cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QÐ-TTg được xử lý đạt 66,4% (tăng 12,8% so năm 2018).

Ðáng chú ý, công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được triển khai có trọng tâm, trọng điểm và đã giải quyết tốt những vấn đề bức xúc từ thực tiễn tại các địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành theo phương thức cuốn chiếu đối với các cơ sở thuộc 17 loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các đoàn thanh tra của Bộ TN và MT đã hoàn thành thanh tra đối với 322 cơ sở, kiểm tra kết luận thanh tra đối với 84 cơ sở. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ về môi trường, tạo sự chuyển biến tích cực, ý thức BVMT của các cơ sở được nâng lên.

Theo Thứ trưởng Bộ TN và MT Võ Tuấn Nhân: Công tác quản lý, BVMT ở nước ta thời gian qua đã có những chuyển biến khá tích cực từ nhận thức đến hành động, nhất là đã chủ động kiểm soát, giám sát, phòng ngừa được ô nhiễm môi trường, bảo đảm các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao về môi trường được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động an toàn đóng góp cho tăng trưởng và kinh tế - xã hội của các địa phương. Ðồng thời, xuất hiện nhiều mô hình đô thị, nông thôn, KCN, làng nghề, cơ sở sản xuất sinh thái thân thiện với môi trường; xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường từng bước được kiềm chế. Mặc dù ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra, nhưng xu hướng tăng mạnh như trước đây được giảm dần, nhất là vấn đề môi trường đã thu hút và nhận được sự quan tâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội và người dân trên cả nước một cách mạnh mẽ.

Tuy nhiên, để kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường một cách hiệu quả và bền vững, Bộ TN và MT sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các KCN, CCN, làng nghề; tiến hành rà soát, kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư các KCN, CCN xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm tỷ lệ KCN, KCX có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật đạt ít nhất 90%; đồng thời yêu cầu các đơn vị có quy mô xả thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp về sở TN và MT theo quy định của pháp luật.

Tăng cường năng lực quan trắc và cảnh báo môi trường vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; đẩy nhanh việc xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo, kiểm soát các vấn đề môi trường phát sinh. Kiên quyết không cấp phép cho các dự án có loại hình, công nghệ có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, các dự án có tác động đến sinh thái và rừng tự nhiên của Việt Nam... 

Theo THÁI SƠN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm