Cập nhật: 07/02/2020 08:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một trong những ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) đem lại là du lịch. Các doanh nghiệp du lịch trong nước đang phải vất vả chống lại những tác động xấu do số lượng khách sụt giảm, khách hủy tour, hủy phòng, hủy vé… không ngừng tăng lên.

Nhiều điểm tham quan vắng bóng khách, trong khi mùa xuân là cao điểm du lịch của năm. Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH

Khách du lịch sụt giảm mạnh

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Giám đốc Công ty du lịch Hanoitourist cho rằng, du lịch là một trong những ngành rất nhạy cảm với các loại thảm họa như thiên tai, dịch bệnh, tai nạn… Các doanh nghiệp du lịch hiện nay đang phải gồng mình chống dịch, vừa phục vụ, vừa phải giải quyết các tình huống phát sinh. Nhiều khu, điểm du lịch đã trở thành sa mạc. Ảnh hưởng của dịch lần này tác động mạnh mẽ hơn đến ngành du lịch so với dịch SARS trước đây.

Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, số lượng khách quốc tế đến Hà Nội tháng 1 giảm 24%, số khách huỷ phòng là 13.286 phòng, tính tương đương với 16.297 khách quốc tế, tour inbound huỷ 7.642 khách; outbound: 7.198 khách. Về khách trong nước, số khách hủy tour là 3.120 khách. Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, số lượng hủy còn tăng hơn nữa do tình hình dịch bệnh vẫn còn hết sức phức tạp. Hoạt động các đơn vị vận chuyển cũng giảm mạnh, tới 30-50%.

Tại các điểm đến ở Hà Nội, số lượng khách cũng giảm tới 30-50%. Sở Du lịch Hà Nội cho biết, nếu nhân với chi phí hằng ngày sẽ cho thấy mức độ thiệt hại là rất lớn. Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay vẫn chưa phải thời điểm cao điểm của dịch, cho nên ảnh hưởng sẽ kéo dài theo tháng chứ không phải ngày một, ngày hai.

Không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương khác cũng “kêu trời” vì khách sụt giảm nặng nề kể từ khi dịch nCOV bắt đầu bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc). Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, số lượng du khách nói chung đến Đà Nẵng đã giảm khoảng 30-40%, khách đến các điểm du lịch giảm khoảng 33%. Số lượng khách du lịch tại các khách sạn giảm chừng hơn 30%, thiệt hại thấy rất rõ.

Bà Nguyễn Thị Bảo, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, cho biết, tại Quảng Ninh, những thiệt hại do corona cũng ngày càng nặng. Chỉ tính riêng dịch vụ tham quan vịnh Hạ Long, trước đây trung bình mỗi ngày đón khoảng 12 nghìn khách, thì đến ngày 4-2 chỉ còn ba nghìn khách và con số này vẫn đang tiếp tục giảm trong những ngày tới.

Tìm giải pháp lâu dài

Đối với ngành du lịch, những sụt giảm từ một trong những thị trường quan trọng nhất là Trung Quốc khiến các doanh nghiệp phải tìm giải pháp, trong đó có mở rộng ra các thị trường khác.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Giám đốc Công ty du lịch Hanoitourist cho rằng, thị trường Trung Quốc đối với Việt Nam là rất lớn, cần có thời gian để khôi phục, cho nên, trước mắt cần phải tìm những thị trường khác thay thế. Những thị trường có thể, có khả năng hồi phục sớm và sớm có khách đến Việt Nam là Đông - Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, dài hơi hơn là khai thác các thị trường châu Âu, Mỹ, Australia. Đây vẫn là những thị trường mà du lịch Việt Nam khai thác trước đây, nhưng rõ ràng trong hoàn cảnh này, du lịch Việt Nam cần có những biện pháp, bước đi, kế hoạch, thời gian phù hợp cũng như có sự tổ chức bài bản, đồng bộ để khôi phục thị trường. Bị ảnh hưởng thì rất nhanh, nhưng khôi phục cần phải có thời gian cho nên phải có giải pháp hợp lý và có sự phối hợp của các cơ quan liên quan, như các vấn đề về tài chính, ngân hàng, giãn nợ, các chính sách về thuế, visa, các chính sách xúc tiến thị trường mới...

Du lịch nội địa hiện nay đang là một trong những hướng để đưa ngành du lịch thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Thậm chí ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh đây là hướng đi duy nhất để vực dậy du lịch Việt Nam hiện nay. “Nhu cầu du lịch nội địa hiện nay luôn rất cao và cạnh tranh cũng rất quyết liệt, chẳng qua, chúng ta có thu hút được hay không. Một trong những nội dung là kích cầu, giảm giá dịch vụ. Điều này đã từng thực hiện khi có dịch SARS và các doanh nghiệp đã chung tay với nhau” - ông Vũ Thế Bình nói.

Còn ông Phùng Quang Thắng cho rằng, thị trường trong nước rõ ràng là hoạt động có thể khôi phục nhanh so với thị trường quốc tế. Khi dịch vượt qua đỉnh điểm, có nhiều địa phương không bị dịch, du khách có thể tìm đến các điểm mới, an toàn. Hoặc những địa phương đã xử lý được dịch, không còn nguy cơ, thì hoàn toàn có thể khôi phục lại. Ông Phùng Quang Thắng cũng nhấn mạnh, bản thân các doanh nghiệp du lịch cũng phải hết sức tập trung, đoàn kết, chia sẻ, chung tay xử lý, từ đó có những giải pháp chi tiết để hồi phục.

Củng cố lại cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề lao động cũng là một cách để “tận dụng” đợt dịch. Bà Nguyễn Thị Bảo, Hiệp hội du lịch Quảng Ninh cho rằng, trong thời điểm này cần phải mở nhiều lớp đào tạo nguồn nhân lực để sau dịch này có đủ nguồn lao động. Thứ hai là sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất. Thứ ba là chuẩn bị cho việc xúc tiến các thị trường, đẩy mạnh thị trường trong nước, thí dụ, mở ra một vài hội chợ ở từng vùng để tuyên truyền giới thiệu cho du khách trong nước, cũng như lựa chọn một số thị trường để xúc tiến…

Ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh, đây là thời gian thích hợp để bồi dưỡng lao động: “Bình thường, chúng ta không có thời gian để bồi dưỡng nghiệp vụ vì phải phục vụ khách liên tục, ngành du lịch luôn lâm vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng, sơ suất một chút là mất lao động”.

Một trong những nội dung quan trọng mà các địa phương cũng như các doanh nghiệp du lịch hướng tới là sự thống nhất, chung tay vực dậy ngành du lịch. Ông Vũ Thế Bình cho biết, sau dịch, việc cần làm là kích cầu, giảm giá thị trường, nhưng các doanh nghiệp phải cùng nhau giảm giá, chứ doanh nghiệp này giảm, doanh nghiệp kia lại tăng thì không có kết quả.

Theo NGÔ VƯƠNG ANH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm