Một nghiên cứu mới đây cho biết, phụ nữ mãn kinh sớm dưới tuổi 40 tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính nghiêm trọng lên gấp 3 lần. Các bệnh mạn tính nghiệm trọng bao gồm: đái tháo đường, bệnh tim, đột quỵ, hen suyễn và thậm chí là ung thư vú.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Queensland ở thành phố Brisbane của Úc đã quan sát 5.1107 phụ nữ trong 2 thập kỷ kể từ những năm 1990, khi họ ở độ tuổi từ 45 - 50. Trong số này, có 119 người đã trải qua thời kỳ mãn kinh sớm. Cứ sau 3 năm, họ trả lời các câu hỏi về sức khỏe của mình cho đến năm 2016, khi tuổi của họ dao động từ 65 - 70 tuổi. Nghiên cứu đã cố gắng xác định liệu có mối quan hệ giữa mãn kinh sớm và sự phát triển của 2 hoặc nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn khi phụ nữ có tuổi. Các rối loạn đã được kiểm tra bao gồm: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, viêm xương khớp, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, trầm cảm, rối loạn lo âu và ung thư vú.
Kết quả cho thấy, 71% phụ nữ đã bước vào thời kỳ mãn kinh sớm (trước 40 tuổi) đã trải qua 2 hoặc nhiều trong số các rối loạn này ở tuổi 60. Trong nhóm phụ nữ có thời kỳ mãn kinh bắt đầu ở tuổi 50-51, con số này là 55%. Sau khi điều chỉnh các yếu tố gây nhiễu, các nhà khoa học nhận thấy, ở tuổi 60, xác suất gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khi bước vào thời kỳ mãn kinh sớm cao gấp 2 lần so với mức trung bình và sau 60 tuổi, xác suất này đã tăng gấp 3 lần.
Theo Bảo Lâm/suckhoedoisong.vn