Phác đồ điều trị các ca bệnh nhiệm COVID-19 ở Việt Nam kết hợp từ kinh nghiệm của đội ngũ y bác sĩ, yêu cầu thực tế hiện nay và cập nhật phác đồ của các nước trên thế giới.
Trẻ 3 tháng tuổi nhiễm COVID-19 được điều trị và chăm sóc tại bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh:VGP/Vũ Khoa
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, hiện cả 16 bệnh nhân mắc COVID -19 đều ổn định, tiến triển tốt, không có bệnh nhân nào tiến triển nặng và chắc chắn không có bệnh nhân nào tử vong. Dự kiến, hôm nay (21/2), sẽ có tổng số 15/16 bệnh nhân được xuất viện. Còn 1 bệnh nhân đang điều trị ở Vĩnh Phúc đã xét nghiệm âm tính lần 1, chờ kết quả xét nghiệm âm tính lần nữa thì sẽ cho xuất viện.
Trong khi dịch bệnh COVID-19 trên thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp thì thông tin những người mắc bệnh này tại Việt Nam lần lượt được điều trị thành công và xuất viện thực sự là tín hiệu rất đáng mừng. Ngay cả địa phương đến thời điểm này ghi nhận nhiều ca bệnh nhất là Vĩnh Phúc (với 11 ca) cũng không phát hiện thêm ca bệnh mới trong nhiều ngày qua.
Phác đồ điều trị “ba kết hợp”
Trao đổi với báo chí ngày 19/2, PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ, ngay sau khi biết căn bệnh này có những đặc thù với căn bệnh SARS trước kia (COVID-19 có giống SARS tới 85% về gen) và bệnh dịch mới nổi hiện nay, Hệ thống khám chữa bệnh đã họp ngay hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành và đưa ra hướng dẫn điều trị ngay trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Sau khi ban hành hướng dẫn điều trị, ngành y tế tiếp tục tập huấn triển khai một cách quyết liệt các phác đồ hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện và các cơ sở y tế. Đặc biệt, phác đồ điều trị cũng luôn được cập nhật sau các lần điều trị thành công cho bệnh nhân, cụ thể từ hướng dẫn đón tiếp ban đầu, cách ly người bệnh đến sử dụng thuốc, dịch truyền và phương tiện cấp cứu cần thiết nhất cho bệnh nhân...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mới đây cũng chia sẻ với báo chí rằng, bệnh COVID-9 vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy, chỉ điều trị triệu chứng, đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng điện giải, ăn uống đầy đủ chất; theo dõi hô hấp để có biện pháp can thiệp. Khi sơ kết công tác điều trị 10 ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam, đa phần bệnh nhân cũng chỉ điều trị triệu chứng, duy chỉ có 1 ca người Trung Quốc có tiền sử bệnh phổi nhưng cũng chỉ thở oxy không cần thở máy. Các ca bệnh được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, tiệm cận với các phác đồ của thế giới.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân COVID-19 chia sẻ: Phác đồ điều trị hiện tại của Việt Nam được xây dựng dựa trên lựa chọn, áp dụng kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân từ nhiều quốc gia, trong đó có cả Trung Quốc. Kết quả điều trị cho bệnh nhân giai đoạn vừa qua đã cho thấy có hiệu quả tốt.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cũng khuyến cáo người dân nên sử dụng các loại thuốc, sản phẩm hỗ trợ có trong phác đồ của Bộ Y tế hoặc được tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, khuyên dùng. Người dân không mua những sản phẩm được quảng cáo có tác dụng ngăn ngừa COVID-19mà chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng, vì nguy cơ “tiền mất tật mang”.
Hai bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được ra viện hôm 18/2. Ảnh: VGP/Vũ Khoa
Bài học từ Vũ Hán!
Với kinh nghiệm nhiều năm trong điều trị các bệnh truyền nhiễm, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, với bất kỳ vụ dịch bệnh nào, khi bị quá giới hạn cũng ở mức nguy hiểm, tức là số bệnh nhân quá nhiều sẽ dẫn tới quá tải mọi thứ, nguy cơ dẫn tới tử vong cao. Còn nếu kiểm soát được dịch bệnh, số bệnh nhân không quá tải thì chất lượng điều trị mới tốt.
Mặt khác, khi dịch bệnh xuất hiện như hiện nay thì tất yếu trang thiết bị y tế cũng sẽ thiếu trên phạm vi toàn cầu, nếu ít bệnh nhân, chúng ta sẽ không bị thiếu hụt trang thiết bị, bệnh nhân sẽ không nguy hiểm tới tính mạng. Vũ Hán, Trung Quốc là một bài học cho chúng ta.
“Nếu hệ thống y tế không bị quá tải thì người nhiễm COVID-19 mặc dù có sẵn bệnh nền vẫn có thể được điều trị tốt. Còn nếu quá tải, mọi thứ sẽ dẫn đến kiệt sức, không thể tránh được việc không tuân thủ được các bước an toàn nên dù bệnh nhân không có bệnh nền vẫn có nguy cơ tử vong”, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh.
So với dịch SARS năm 2003, ông Nguyễn Trung Cấp cho rằng xác định sớm virus gây bệnh giúp các chuyên gia biết được nguyên tắc, đường lây, đặc tính của virus này để đưa ra các biện pháp chẩn đoán và phương pháp điều trị ngay từ giai đoạn đầu.
Trẻ 3 tháng tuổi được điều trị khỏi bệnh và xuất viện hôm 20/2. Ảnh: VGP/Vũ Khoa
Một yếu tố quan trọng và quyết định nữa, đó chính là sự vào cuộc quyết liệt nhất, đáp ứng nhanh chóng của cả hệ thống chính trị trong việc phòng, chống dịch bệnh này thời gian vừa qua.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các Bệnh nhiệt đới trẻ em, bệnh viện Nhi Trung ương, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ngay từ biên giới, tại các cửa khẩu cũng là một yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát số ca nhiễm.
“Biện pháp phân loại các mức độ bệnh ngay từ tuyến y tế cơ sở để ngăn chặn kịp thời cũng như chủ động nâng mức đáp ứng cao hơn cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới là giải pháp rất quan trọng để chúng ta ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng”, TS.BS Nguyễn Văn Lâm cho biết.
Đồng tình với nhận định trên, TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) nhận xét dịch bệnh COVID-19 cũng giống như cúm, nếu chúng ta không thực hiện cách ly, thu dung tốt ngay từ đầu thì bệnh lây rất nhanh.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều khuyến cáo người dân không chủ quan, hãy thực hiện tốt những khuyến cáo của ngành Y tế trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh COVID-19 ngay từ mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Cùng với sự chung tay quyết liệt của Chính phủ, của các Bộ ngành, các địa phương, các cơ sở y tế đã và sẽ tiếp tục tạo nên một sự thống nhất, đoàn kết, tập trung trong phòng, chống và ngăn chặn thành công dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Theo Thúy Hà/chinhphu.vn