Cập nhật: 18/03/2020 09:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) được xem là làng gốm cổ nhất Đông Nam Á. Từ bàn tay thủ công và kỹ thuật nung lộ thiên của đồng bào người Chăm đã thổi hồn vào sản phẩm gốm những nét riêng độc đáo, quyến rũ.

Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghệ thuật làm gốm truyền thống Bàu Trúc vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhưng hiện nay người làng gốm Bàu Trúc đang trăn trở, loay hoay tìm hướng đi bền vững cho làng nghề...

Say nghề gốm truyền thống

Về làng Bàu Trúc, đến cơ sở gốm của nghệ nhân Đàng Thị Phan, chúng tôi được bà kể rằng: Gốm Bàu Trúc đã có gần nghìn năm tuổi. Tương truyền cụ tổ của làng gốm Bàu Trúc là ông Pô Klong Chang-người đưa dân làng đến định cư ở cánh đồng “Hamu Trok” và dạy cho những người phụ nữ cách lấy đất, nặn rồi nung thành những dụng cụ, vật trang trí trong nhà. Từ đó cứ mẹ truyền con nối, nghề gốm Bàu Trúc còn đến ngày nay.

Du Khách quốc tế đến tham quan làng gốm Bàu Trúc.

Trưa muộn, nhưng nghệ nhân Đàng Thị Gạch vẫn tỉ mẩn thể hiện những đường nét tinh xảo cho sản phẩm gốm của mình. Thấy chúng tôi đến, bà phân trần: “Già rồi, nhưng say nghề chú ạ, bỏ bữa cơm thì được, nhưng bỏ làm gốm thì cái tay nó ngứa ngáy lắm”. Tuy tuổi cao sức yếu, bà vẫn tham gia Hợp tác xã (HTX) gốm Chăm Bàu Trúc không phải vì vấn đề mưu sinh, mà là không thể bỏ nó, không thể không thổi hồn vào gốm khi sức khỏe còn cho phép. Hay câu chuyện về chàng trai trẻ Phú Hữu Minh Thuần là Giám đốc HTX gốm Chăm Bàu Trúc hôm nay cũng vậy. Từng tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, thông thạo tiếng Anh và tiếng Nga, có thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế với mức thu nhập khá cao, nhưng Minh Thuần lại bỏ công việc mà nhiều người mơ ước ấy để về đầu quân cho HTX để phát triển nghề làm gốm...

Năm 2007, làng gốm Bàu Trúc được Nhà nước quy hoạch, đầu tư khang trang sạch đẹp hơn và đón khách du lịch về tham quan. Nghệ nhân làng gốm tiếp tục thay đổi mẫu mã, tạo ra nhiều sản phẩm có kích thước lớn, độc và lạ, như: Gốm trang trí, gốm mỹ nghệ, đèn ngủ, lọ hoa, bình trà, tháp nước, những hình điêu khắc tháp Chăm, vũ nữ Apsara, các biểu tượng, phù điêu văn hóa phương Tây, phương Đông, văn hóa Chăm... Hàng triệu sản phẩm gốm Bàu Trúc đã theo du khách quốc tế đi khắp nơi trên thế giới.

Loay hoay tìm hướng phát triển...

Hiện nay, làng gốm Bàu Trúc có hơn 300 hộ, có một HTX và 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm; hơn 500 lao động làm gốm với mức thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, mức thu nhập này chưa đủ trang trải cuộc sống cho bà con chuyên tâm với nghề. Chỉ tay ra kho hàng đang chuẩn bị xuất cho một khách sạn lớn ở Bãi Dài (Cam Ranh, Khánh Hòa), anh Minh Thuần cho biết: "Nhận được đơn hàng này, anh em cũng mừng, nhưng cũng là một thử thách lớn. Đây là đơn hàng hiếm hoi và khó tính về mỹ thuật, chỉ có HTX gốm Chăm Bàu Trúc mới đủ điều kiện đảm đương. Song làm với doanh nghiệp yêu cầu nhiều thủ tục, nên các cơ sở gốm chưa bắt kịp, việc hoàn tất thủ tục khác cũng không mấy thuận lợi"...

Gốm Bàu Trúc xa xưa, chủ yếu làm những sản phẩm phục vụ sinh hoạt gia đình, đựng lương thực. Nhưng ngày nay đã tiến xa hơn nhiều, sản phẩm gốm bao gồm phục vụ sinh hoạt, trang trí sân vườn, tranh tượng, quà lưu niệm rất đa dạng và yêu cầu khách hàng cũng khó tính hơn. Để cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế, người làm gốm phải tiếp cận công nghệ, học mỹ thuật và biết quảng cáo, biết các thủ tục pháp lý, thủ tục khi xuất khẩu... Thực tế, nhiều đối tác đưa bản vẽ đã thiết kế sẵn, yêu cầu người thợ làng gốm phải biết đọc bản vẽ, có tư duy sáng tạo mới dám nhận hợp đồng và số thợ lành nghề làm được việc này ở Bàu Trúc hiện không nhiều. Ông Võ Đức Khang, Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân (Ninh Phước, Ninh Thuận) cho biết: "Việc quy hoạch xây dựng, phát triển làng gốm Bàu Trúc từ nhiều năm trước, đến nay vẫn chưa đạt như kế hoạch. Ví dụ, địa phương đã quy hoạch 4ha diện tích lấy đất làm gốm, nhưng đến nay vẫn còn nằm trên văn bản. Nhà nước chưa hỗ trợ đền bù cho người dân nên việc tìm đất làm gốm khá khó khăn”.

Trăn trở với phát triển nghề gốm, anh Minh Thuần tâm sự: “Nghề gốm có thu nhập thấp, vất vả, thêm đó nhu cầu mỹ thuật ngày càng cao, phong phú sản phẩm, nên nhiều thanh niên trong làng không mấy mặn mà với nghề. Làm gốm ngày nay phải biết đọc bản vẽ của các nhà thiết kế, đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe của thị trường. Chỉ khi sản phẩm vươn ra thị trường các tỉnh, thành phố lớn và thị trường ngoài nước mới có thể sống được với nghề”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, để nghề gốm Bàu Trúc phát triển bền vững, Nhà nước và địa phương cần sớm khắc phục những trở ngại, khó khăn bằng các giải pháp hiệu quả, như: Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ diện tích để lấy đất làm gốm; hỗ trợ quảng bá, tiếp thị, tìm đầu ra cho sản phẩm trong nước và thị trường quốc tế; có cơ chế thông thoáng với HTX và các cơ sở có nghề nghiệp đặc thù như gốm...

Theo NGUYỄN VĂN HẠNH/Báo điện tử Quân đội nhân dân

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tim-huong-di-ben-vung-cho-gom-bau-truc-612465

Tệp đính kèm