Việc xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 trong thời gian gần đây đã khiến ngành du lịch gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Trước thực trạng trên, hàng loạt các giải pháp cấp bách đã được đưa ra nhằm giúp Du lịch Việt Nam phục hồi sau dịch Covid-19.
Khó khăn nối tiếp khó khăn
Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dịch Covid-19 xảy ra vào đúng mùa cao điểm khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và mùa du lịch lễ hội nên đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành.
Chia sẻ của các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ du lịch, do khách đồng loạt hủy dịch vụ nên lượng khách du lịch và doanh thu giảm mạnh, các doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng, chấm dứt hoặc chuyển hướng hoạt động kinh doanh, các nhân viên nghỉ việc luân phiên hoặc buộc cho nhân viên thôi việc.
Đại diện Công ty Lữ hành Saigontourist cho biết, trong tháng 2/2020, lượng khách mua tour đơn vị này giảm 80%, tháng 3 giảm 90% tổng lượng khách, doanh thu sụt giảm 500 tỷ đồng/tháng; Công ty TNHH Tiếp thị và Giao thông vận tải (Viettravel) tháng 2/2020 giảm 40%, tháng 3 giảm 80%, tháng 4 giảm 90% tổng lượng khách; Hanoitourist giảm 70-80% lượng khách.
Bên cạnh đó, do bùng nổ của dịch Covid-19, một số thị trường của du lịch Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, khách du lịch sẽ giảm nghiêm trọng, trong đó có thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Đặc biệt, với tình hình hiện nay thì khách du lịch từ các thị trường châu Âu, Úc, Bắc Mỹ cũng sẽ giảm sâu và chịu ảnh hưởng lớn trong thời gian tới. Du lịch Việt Nam sẽ bị thiệt hại nặng nề, và chắc chắn sẽ không đạt mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020.
Do ảnh hưởng của dịch Covid, du lịch Việt Nam dự kiến sẽ không đạt mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020. (Ảnh: HL)
Mặt khác, do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 ra cộng đồng và để đảm bảo sức khỏe của người dân, nhiều địa phương trong cả nước đã đồng loạt thông báo tạm dừng đón khách tham quan, du lịch tại các điểm thu hút lượng du khách quốc tế lớn như Hạ Long, Hội An, Huế, Phú Yên… Việc các dịch vụ, điểm đến du lịch ngưng nhận khách đã khiến doanh nghiệp lữ hành phải vất vả thay đổi hành trình tour cũng như dịch vụ cho du khách.
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong tháng 2/2020, du lịch Việt Nam đã đón 1,2 triệu lượt khách, giảm 37,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tính tổng trong 2 tháng đầu năm 2020, du lịch Việt Nam đã đón 3,2 triệu lượt khách, chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng thấp so với mục tiêu tăng trưởng chung 13,8% để đạt được 20,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020... Có thể nói, chưa bao giờ, ngành du lịch gặp phải khó khăn như thời điểm này.
Nhiều giải pháp hỗ trợ phục hồi du lịch
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn, giúp ngành vượt qua khủng hoảng do Covid-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ hàng loạt các giải pháp cấp bách. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong thời gian tới cần có chính sách kích cầu du lịch, đảm bảo sự tham gia hiệu quả của toàn ngành Du lịch cũng như các Bộ, ngành liên quan. Các Bộ, ngành, địa phương xây dựng chính sách kịp thời và đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp du lịch giảm thiểu khó khăn, thiệt hại, giúp doanh nghiệp du lịch phục hồi, góp phần đưa ngành Du lịch dần trở lại với hoạt động bình thường.
Cụ thể, miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong Quý I, Quý II và Quý III năm 2020; giảm 50% thuế VAT cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong Qúy IV năm 2020 và Quý I năm 2021; giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể trong năm 2020. Cho phép doanh nghiệp du lịch và hướng dẫn viên du lịch chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2021; chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động phải nghỉ việc do Covid-19.
Đồng thời, giảm tiền thuế đất, tiền thuê sử dụng đất và cho phép doanh nghiệp du lịch chậm nộp thuế đất, tiền thuê đất 2019, năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2021 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh. Áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ. Triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch - nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải du lịch, khu du lịch, vui chơi giải trí...
Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước giảm các loại phí, lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại mà không ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát; xem xét cho ngân hàng thương mại gia tăng nợ xấu quá hạn, nợ xấu của nhóm các ngành kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp để cơ cấu lại nợ tại các ngân hàng thương mại, đồng thời có những khoản vay ưu đãi không lãi suất hoặc lãi suất thấp để có chi phí trả lương cho đội ngũ cán bộ công nhân viên.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sau khi kết thúc dịch Covid-19. Nghiên cứu miễn phí cấp thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, thời gian áp dụng: 12 tháng từ ngày Việt Nam công bố hết dịch. Nghiên cứu pháp lý hóa danh mục 80 nước, vùng lãnh thổ có tiềm năng gửi khách du lịch đến Việt Nam được xét cấp thị thực điện tử (hiện nay đang thí điểm). Xem xét miễn thị thực đơn phương có thời hạn (12 tháng) cho các nước Ấn Độ, Úc, New Zealand, EU, Mỹ, Canada (khi được xác định không phải là vùng dịch).
Áp dụng chính sách thuận lợi nhận thị thực tại cửa khẩu không thông qua thủ tục phê duyệt công văn đối với khách du lịch trọn gói theo đoàn do công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đón và phục vụ. Đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, mở rộng thị trường du lịch, triển khai có hiệu quả Chương trình truyền thông “Du lịch Việt Nam an toàn”.
Chỉ đạo các hãng hàng không Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp du lịch nghiên cứu tăng tần suất, mở thêm đường bay đến các thị trường quốc tế tiềm năng như: Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, New Zealand, Mỹ, Đông Âu; tích cực tham gia Chương trình kích cầu du lịch nội địa, quốc tế với các địa phương và doanh nghiệp sau khi hết dịch.
Tăng cường xúc tiến, quảng bá, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa ở các vùng, miền của đất nước. Khuyến khích các ngành, các cấp, các công ty, xí nghiệp, … hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” để khôi phục thị trường du lịch Việt Nam./.
Theo Huy Lê/Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam