Cập nhật: 30/03/2020 09:38:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời điểm này, hạn mặn đang bủa vây các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gây nhiều khó khăn cho người dân. Dù dịch Covid-19 đang hoành hành, kỹ sư Trần Vũ Thành và các cộng sự vẫn nhiệt huyết với công việc quen thuộc suốt 5 năm qua: đưa máy lọc nước mặn thành nước ngọt tới vùng hạn mặn.

Sử dụng máy lọc nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hai cơn bão, bảy cơn giông

Năm 2014, trong chuyến công tác đầu tiên đến với quần đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), Trần Vũ Thành tận mắt chứng kiến đời sống cán bộ, chiến sĩ và nhân dân gặp nhiều khó khăn, cấp thiết nhất là thiếu nước ngọt.

Ngay lúc ấy, anh đã nhận định, để chủ động ứng phó hoàn cảnh khắc nghiệt, chắc chắn đảo cần có máy lọc nước mặn thành nước ngọt. Sau chuyến đi, anh bắt tay nghiên cứu, chế tạo ngay chiếc máy đặc biệt ấy. Một năm sau, máy lọc NT-30 ra đời, được Trần Vũ Thành và cộng sự lắp đặt thành công trên đảo Trường Sa Đông. Đây là sản phẩm sử dụng công nghệ lọc màng RO, chạy bằng hệ thống năng lượng mặt trời, có công suất thực tế khoảng 50 lít nước ngọt/giờ, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn QCNN 01:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành.

Kỹ sư tâm sự, việc chế tạo, thử nghiệm khó khăn đã đành, nhưng khó nhất lại ở giai đoạn phối hợp các cơ quan, đơn vị để lắp đặt máy, bởi trước đó đã có không ít giải pháp cung cấp nước ngọt cho biển đảo nhưng không thành công. Qua rất nhiều cuộc họp giữa các bên, máy lọc NT-30 mới được Bộ Tư lệnh Hải quân chấp thuận cho thí điểm. Người kỹ sư nhiệt huyết ấy phải ra Trường Sa hai lần mới lắp được máy. Lần thứ nhất, anh ra lắp hệ thống năng lượng mặt trời. Lần thứ hai mới lắp máy lọc nước. Chuyến ấy vào tháng 8-2015, đúng mùa biển động, con tàu anh Thành đi vượt qua hai cơn bão, bảy cơn giông mới cập đảo Trường Sa Đông.

Bây giờ, máy lọc nước biển thành nước ngọt đã phổ biến khắp quần đảo Trường Sa, nhưng vào thời điểm ấy, NT-30 là kỳ tích. Rất đông chiến sĩ hồi hộp chờ đợi dòng nước trong veo chảy từ máy lọc, uống thấy mát ngọt, cả đảo bừng lên niềm vui, yên tâm về những ngày mai sẽ chủ động được nguồn nước. Kỷ niệm kỹ sư Trần Vũ Thành nhớ nhất là Ban chỉ huy đảo Trường Sa Đông ban đầu chưa yên tâm, cử ngay bộ phận hậu cần lấy nước đó đi nấu cơm, bởi theo kinh nghiệm thì nếu nước còn vị mặn, cơm không thể chín. Lát sau, nồi cơm chín dẻo thơm được đưa ra, ban chỉ huy thử trước, tạm hài lòng nhưng vẫn quyết định dành một phần để đến chiều xem có “lại gạo” không. Chiều đến, vẫn chừng ấy con người tập trung thử cơm và yên tâm hoàn toàn, hôm sau mới quyết định lấy nước từ máy lọc nấu cơm cho toàn đảo.

Anh Thành cho rằng, những chi tiết sinh động, có phần “khắt khe” ấy thể hiện trách nhiệm cao của người lính từ cơm ăn, nước uống hằng ngày. Giờ đây, anh đã đưa máy lọc nước ra 10 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó có nhiều đảo chìm điều kiện còn gian khó.

Từ đảo khô về vùng hạn mặn

Năm 2015, lắp đặt thành công máy lọc nước mặn thành nước ngọt cho Trường Sa, kỹ sư Trần Vũ Thành lại dấy lên niềm trăn trở khác. Anh về ĐBSCL, gặp ngay mùa hạn mặn. Tìm hiểu qua các chuyên gia và nhiều kênh thông tin, anh được biết, theo dự báo, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên tình trạng này sẽ ngày càng khốc liệt. Những vựa hoa màu, trái cây của người dân chết rũ, cuộc sống sinh hoạt khó khăn, nhiều hộ nghèo trẻ em không được đến trường vẫn phải dành một khoản tiền đáng kể để mua nước sinh hoạt… Thực trạng ấy ám ảnh Trần Vũ Thành. Anh quyết định tiếp tục chế tạo, nâng cấp các phiên bản máy lọc nước để đưa vào ĐBSCL.

Ngay sau đó, chương trình “Nước ngọt nghĩa tình” có khẩu hiệu “Đừng sợ thiên tai. Hãy chủ động ứng phó với thiên tai” của Câu lạc bộ Trí thức trẻ Hà Nội phát động trên toàn quốc, Trần Vũ Thành giữ vai trò chủ nhiệm dự án. Chương trình không ngừng mở rộng, kết nối với nhiều cá nhân, đơn vị để chung tay ủng hộ máy lọc nước cho các điểm hạn mặn, nhất là trường học hoặc vùng đông dân cư.

Theo khảo sát của anh Thành, hằng năm, khoảng 50% diện tích ĐBSCL chịu hạn mặn từ ba - bốn tháng. Cụ thể, các xã ven biển tỉnh Kiên Giang đã khoan 3.800 giếng nhưng không cái nào dùng được do bị nhiễm phèn. Người dân nơi đây phải mua nước với giá 60 - 200 nghìn đồng/m³ để sinh hoạt; một bình nước uống 20 lít giá 12 - 18 nghìn đồng. Linh hoạt trong việc giải quyết nguồn nước từ máy lọc, dự án đã đưa những thiết kế máy gọn nhẹ, chở được trên xe ba gác để lưu động giữa các khu dân cư. Đặc biệt, các trường học luôn được dự án quan tâm, sâu sát để các em học sinh không thiếu nước uống khi đến trường.

Trò chuyện cùng chúng tôi, kỹ sư Trần Vũ Thành chia sẻ, dịch bệnh Covid-19 tác động đến toàn xã hội nhưng không vì thế mà nhịp công việc của anh chậm lại. Dự kiến, tuần tới, dự án sẽ lắp đặt bốn máy lọc nước cho ĐBSCL. Mong muốn của anh vẫn tập trung vào khu dân cư khó khăn và trường học với hy vọng hết dịch bệnh, các em học sinh trở lại trường sẽ có ngay nước ngọt sinh hoạt.

Gắn bó với bà con vùng hạn mặn, anh Thành nhớ rất nhiều kỷ niệm xúc động. Anh kể, một lần, anh đi lắp máy thí điểm công suất 100 lít/giờ cho gia đình đối tượng chính sách là cụ Lượng Thị Mót (má Mười). Trong kháng chiến chống Mỹ, má Mười làm giao liên, bị địch bắt và tra tấn đến mức không còn khả năng làm mẹ. Giờ cụ gần 90 tuổi, sống một mình, thiếu nước sinh hoạt mà chẳng biết trông cậy vào đâu. Khi máy lắp xong, thấy nước ở con kênh ngay sau nhà lọc ra uống được, mắt má Mười ngời sáng, cứ vỗ tay, miệng móm mém nói: “Cả đời tôi, giờ mới thấy, nước ngọt như nước mưa!”.

Lần khác, lắp chính thức máy công suất 250 lít/giờ cung cấp nước miễn phí cho cụm dân cư xã An Đức, Bến Tre, anh lắp suốt buổi chiều, đến tối mịt thì máy vận hành, cho ra dòng nước ngọt đầu tiên. Cả đêm ấy, anh Thành thức trắng, nghe tiếng máy chạy suốt đêm, chờ trời sáng đón bà con đến lấy nước. Ai cũng cần nước lắm nhưng mỗi người chỉ chở về một can, dành phần cho người khác.

Người… của nơi gian khó

Nhiều người thường gọi Trần Vũ Thành là “kỹ sư biển đảo” hay gần gũi hơn là “anh Thành lọc nước”… Bao năm qua, anh cứ thầm lặng, tận tụy đưa các ứng dụng khoa học, công nghệ của mình tới những vùng miền xa xôi, khó khăn của đất nước. Ngoài máy lọc nước, anh còn chế tạo máy ép rác, công nghệ xử lý vi sinh ứng dụng cho môi trường biển đảo nhằm hạn chế rác thải, ô nhiễm. Trần Vũ Thành nhận được nhiều khen thưởng của: Tổ chức tình nguyện LHQ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Tư lệnh Hải quân… và Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam Vifotec 2017.

Có người thắc mắc, vì sao kỹ sư Trần Vũ Thành lại có thể chế tạo ra những sản phẩm công nghệ một cách nhanh chóng, chất lượng không kém hàng ngoại nhập mà giá thành lại rẻ. Anh bộc bạch rất mộc mạc, xuất phát điểm của anh là dân xây dựng, chuyên thi công hầm. Đó là công việc đặc thù, luôn đòi hỏi kỹ sư phải bảo đảm tiến độ nhanh chóng, sáng tạo không ngừng và an toàn ở mức cao nhất. Nhiều phương án lọc nước anh đã thực hành, chẳng hạn lọc nước trong hầm có chứa thuốc nổ rồi mới xả ra môi trường nên công việc hiện tại là nhịp tiếp nối phù hợp.

Gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa hoặc bà con vùng hạn mặn của ĐBSCL, chúng tôi cảm nhận được tình cảm chân thành, mộc mạc và quý trọng họ dành cho kỹ sư Trần Vũ Thành. Không chỉ lắp máy, kêu gọi ủng hộ, anh còn theo dõi bảo trì thiết bị và chia sẻ với người lính, nhân dân ở nhiều góc độ khác trong cuộc sống. Khi xong công việc của một người kỹ sư, anh cầm máy ảnh, ghi lại từng khoảnh khắc ấn tượng về miền đất, con người mình đã gặp, đã quen và gắn bó qua “giọt nước nghĩa tình”. Nhắc tới người kỹ sư của nơi gian khó, anh Nguyễn Văn Chung, Bí thư Đoàn xã Thạch Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre tâm sự, những chiếc máy lọc nước mặn thành nước ngọt của anh Thành là món quà vô cùng quý giá. Đó không đơn thuần mang đến nguồn nước trong cơn khát của đất và người mà còn chất chứa ân tình, sự sẻ chia từ một người trí thức ở tận Thủ đô hướng tới miền Nam Bộ.

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm