Chuyên gia Nga khẳng định trong mọi trường hợp, Việt Nam không đơn độc trong vấn Biển Đông và cộng đồng quốc tế sẽ lên tiếng ủng hộ Việt Nam.
Chuyên gia Grigory Trofimchuk. (Ảnh: Trend.az)
Trước thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn chặn và đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, giới nghiên cứu về Biển Đông ở Nga đã lên tiếng phản đối hành động của tàu Trung Quốc và khẳng định cộng đồng quốc tế sẽ ủng hộ Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nga, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Quỹ Nghiên cứu Á-Âu của Nga, chuyên gia Grigory Trofimchuk khẳng định dư luận đã lên án hành vi không phù hợp của các tàu Trung Quốc như vừa qua, song giới chức Bắc Kinh vẫn phớt lờ.
Chuyên gia Trofimchuk cho rằng phía Trung Quốc cần kiềm chế và tránh những hành động tương tự, đồng thời bình tĩnh giải quyết thỏa đáng các vấn đề tồn tại bằng biện pháp hòa bình.
Theo ông Trofimchuk, vụ việc diễn ra trong bối cảnh tình hình bất ổn trên phạm vi toàn cầu đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, điều này có thể làm các vấn đề Biển Đông thêm trầm trọng.
Ông cũng lưu ý rằng số lượng các vụ việc tương tự như vụ tàu cá của Việt Nam bị tấn công tại Biển Đông "tiếp tục tăng lên đều đặn". Ông Trofimchuk nhấn mạnh, những hành động tương tự sẽ được giới nghiên cứu chú ý và cần phải bị lên án tại các hội thảo, diễn đàn quốc tế về Biển Đông.
Chuyên gia Nga khẳng định: "Trong mọi trường hợp, Việt Nam không đơn độc trong vấn Biển Đông. Tôi tin rằng cộng đồng quốc tế sẽ lên tiếng ủng hộ Việt Nam."
Ông Trofimchuk nêu rõ, hiện Việt Nam có thể tận dụng tối đa các công cụ quốc tế của mình, trong đó có vị thế của một nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để giải quyết vấn đề Biển Đông.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phát huy hơn nữa cơ chế hợp tác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là khi Việt Nam giữ chức Chủ tịch luân phiên trong năm nay.
Đồng tình với quan điểm của chuyên gia Trofimchuk, Giáo sư Vladimir Kolotov tại Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Petersburg nhận định, Trung Quốc đang lợi dụng việc nhiều quốc gia trên thế giới đang phải dồn lực chống đại dịch COVID-19 để gia tăng ảnh hưởng ở Biển Đông.
Việc tàu hải cảnh Trung Quốc ngang nhiên đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam thực hiện hoạt động đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam là một minh chứng cho điều này.
Giáo sư Kolotov cũng khuyến cáo các nước trong khu vực cần cảnh giác về làn sóng leo thang căng thẳng mới ở Biển Đông, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Trước đó, ngày 3/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt Nam gặp nạn tại khu vực đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, tàu cá QNg 90617 TS và các ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.
Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
Hành động này cũng đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông./.
Chuyên gia Vladimir Kolotov. (Ảnh: Facebook)
Theo Trần Hiếu (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-nga-viet-nam-khong-don-doc-trong-van-de-bien-dong/633024.vnp