Bên cạnh đặc điểm lây lan nhanh, virus SARS-CoV-2 còn rất nguy hiểm và nguy hiểm gấp 10 lần virus gây đại dịch cúm H1N1 toàn cầu hồi năm 2009, xuất hiện đầu tiên ở Mexico và Mỹ tháng 3/2009.
Các nhà khoa học thuộc trường Y khoa Stanford của Mỹ thành công trong thử nghiệm phát hiện các kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19. (Nguồn: Getty Images/TTXVN)
Ngày 13/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo virus SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn gấp 10 lần so với virus H1N1, gây đại dịch cúm toàn cầu năm 2009, đồng thời nhấn mạnh vắcxin phòng bệnh hiệu quả cần ngăn chặn triệt để nguy cơ lây nhiễm.
Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến từ Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định các chuyên gia vẫn không ngừng nghiên cứu về loại virus mới đang hoành hành trên toàn cầu, khiến hơn 119.000 người tử vong và hơn 2 triệu người nhiễm bệnh COVID-19.
Theo ông, bên cạnh đặc điểm lây lan nhanh, virus mới còn rất nguy hiểm và nguy hiểm gấp 10 lần virus gây đại dịch cúm H1N1 toàn cầu hồi năm 2009, xuất hiện đầu tiên ở Mexico và Mỹ tháng 3/2009.
Theo thống kê của WHO, 18.500 người đã tử vong vì dịch cúm H1N1.
Tuy nhiên, tạp chí y học Lancet ước tính số người tử vong thực tế dao động từ 151.700 đến 575.400 người, bao gồm cả những ca tử vong ước tính ở châu Phi và Đông Nam Á, vốn không có trong thống kê của WHO. Dịch cúm H1N1 được công nhận là đại dịch vào tháng 6/2009.
Dịch kết thúc vào khoảng tháng 8/2010 và được cho là không nguy hiểm như những cảnh báo ban đầu.
Theo WHO, giới khoa học đã nỗ lực tìm các loại vaccine để phòng ngừa virus gây bệnh nhưng đáng tiếc các quốc gia phương Tây, đặc biệt là châu Âu, và WHO cũng hứng chịu nhiều chỉ trích là “phản ứng thái quá” khi các dịch cúm mùa mỗi năm cũng khiến 250.000 và 500.000 người tử vong.
Phát biểu ngày 13/4, Tổng Giám đốc WHO cảnh báo số ca nhiễm virus ở một số quốc gia đang tăng gấp đôi chỉ sau 3 đến 4 ngày, nhưng nhấn mạnh nếu các quốc gia kiên trì thực hiện các biện pháp nhằm phát hiện sớm, xét nghiệm, cách ly và chăm sóc đầy đủ cho các ca nhiễm, kết hợp theo dấu lịch sử tiếp xúc, thì việc dập dịch là hoàn toàn có thể.
Hiện hơn 50% dân số thế giới đang ở nhà, tuân thủ các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tuy nhiên, ông Tedros cảnh báo trong điều kiện thế giới ngày càng kết nối như ngày này, nguy cơ dịch bệnh tái phát và mạnh trở lại sẽ vẫn tồn tại.
Tổng Giám đốc WHO cũng chỉ ra trong khi tốc độ gia tăng các ca mắc COVID-19 rất nhanh thì tốc độ giảm các ca mắc lại rất chậm. Nói cách khác, biểu đồ diễn biến dịch bệnh khi đi lên thì rất nhanh nhưng khi đi xuống lại rất chậm.
Do đó, các nước cần dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát một cách từ từ và có kiểm soát, không nên cùng một lúc dỡ bỏ hoàn toàn.
Ông lưu ý các biện pháp kiểm soát chỉ nên được dỡ bỏ khi các biện pháp y tế cộng đồng cần thiết được áp dụng đầy đủ, trong đó phải kể đến biện pháp theo dấu tiếp xúc người có thể nhiễm bệnh.
WHO cũng khẳng định việc phát triển và đưa vào sử dụng một loại vaccine an toàn và hiệu quả cần phải đảm bảo yếu tố hoàn toàn ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.
Theo dự đoán, thế giới sẽ phát triển được loại vắcxin phòng ngừa virus SARS-CoV-2 trong ít nhất là 12 đến 18 tháng nữa.
Theo Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/who-canh-bao-benh-covid19-nguy-hiem-gap-10-lan-benh-cum-h1n1/634425.vnp