Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020), ngày 28/4, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 7, Cục Chính trị Binh chủng Đặc công tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “Mùa Xuân Đại thắng”.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm
Tham dự có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7; Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Triển lãm giới thiệu gần 300 tài liệu, hình ảnh và hiện vật tiêu biểu được chia theo các chủ đề. Trong đó, ở phần Mở đầu: Giới thiệu một số hình ảnh, hiện vật giới thiệu chủ trương quyết tâm mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.
Phần 1 - Tiến về Sài Gòn: Trưng bày những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu phản ánh sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh; nỗ lực và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 qua các chiến dịch tiêu biểu, như: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Các đại biểu tham quan tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bảo vật Quốc gia được giới thiệu tại triển lãm
Phần 2 - Sức mạnh lòng dân: Trưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu, phản ánh sức mạnh tinh thần, sức mạnh của quần chúng nhân dân, nghệ thuật toàn dân đánh giặc diễn ra ở các địa phương từ nông thôn, thành thị, rừng núi và đồng bằng trong địa bàn tác chiến chiến dịch, tạo thành sức mạnh vô địch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Phần 3 - Âm vang Mùa Xuân Đại thắng: Trưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật về thành tựu xây dựng và phát triển của quân và dân Thành phố Hồ Chí Minh sau 45 năm phát triển và hội nhập, trở thành thành phố năng động sáng tạo có những đóng góp quan trọng xây dựng đường lối đổi mới đất nước; nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Triển lãm giới thiệu những hiện vật tiêu biểu, như: Bản kế hoạch nghi binh của Phòng Tác chiến Mặt trận B3 xây dựng, tổ chức nghi binh, khiến địch bất ngờ, mất quyền chủ động đối phó, tạo đòn tiến công chiến lược giải phóng Tây Nguyên diễn ra đúng kế hoạch, làm thay đổi cục diện chiến tranh; Ống nhòm của đồng chí Nguyễn Chơn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, Quân khu 5 đã sử dụng quan sát và chỉ huy bộ đội chiến đấu giải phóng thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, góp phần quan trọng giành thắng lợi trong Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, tháng 3/1975; Quốc kỳ do Chi bộ xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi sử dụng trong các buổi họp chỉnh huấn Đảng, xuống đường đấu tranh năm 1968 và dùng trong cuộc Tiến công và nổi dậy giành chính quyền giải phóng tỉnh Quảng Ngãi, tháng 3/1975; Bản nhạc và lời bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” do Nhạc sĩ Phạm Tuyên, Ban Văn Nghệ Đài tiếng nói Việt Nam sáng tác và được phát sóng lên vào ngày 30/4/1975 - đúng thời khắc miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông gấm vóc liền một dải.
Thông tin về các hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu qua các câu chuyện lịch sử giới thiệu tại triển lãm sẽ được cập nhật thường xuyên trên Trang thông tin điện tử Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. (http://btlsqsvn.org.vn/)
Đặc biệt, triển lãm giới thiệu hai Bảo vật quốc gia, đó là: Sổ trực ban tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh do các các sĩ quan làm nhiệm vụ trực ban tác chiến của Bộ Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh tại Căm Xe, tỉnh Bình Dương ghi lại những khoảnh khắc hào hùng và anh dũng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; Tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh (phục chế) do Phòng Tác chiến Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam sử dụng từ ngày 15/4/1975 đến ngày 21/4/1975 tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh ở Tà Thiết, Lộc Ninh, Bình Phước, bản đồ có chữ ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch và đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Chiến dịch.
Chia sẻ tại Triển lãm này, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, qua Triển lãm, góp phần tiếp tục khơi dậy truyền thống yêu nước nhất là lòng tự hào, sống có lý tưởng và ý chí vươn lên, nhất là đối với thế hệ trẻ. “Trước yêu nước là phải quyết tâm giải phóng, giành độc lập cho đất nước, bây giờ khơi dậy yêu nước là phấn đấu giữ gìn độc lập chủ quyền, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn” đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Thông tin về các hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu qua các câu chuyện lịch sử giới thiệu tại triển lãm sẽ được cập nhật thường xuyên trên Trang thông tin điện tử Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (http://btlsqsvn.org.vn/) để nhân dân không có điều kiện tham quan có thể tìm hiểu.
Triển lãm sẽ mở cửa từ ngày 28/04/2020 đến tháng 8/2020 tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, số 2 Lê Duẩn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh./.
Theo Tin, ảnh: V.Lê
Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam