Cập nhật: 30/04/2020 10:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020), Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu bài viết của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh về những đóng góp của Ngoại giao Việt Nam vào chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, ngoại giao luôn có đóng góp quan trọng. Trong thời đại Hồ Chí Minh, thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 45 năm trước là sự kết hợp nhuần nhuyễn của mặt trận quân sự và mặt trận ngoại giao. Bồi hồi nhớ lại những ngày tháng mùa xuân lịch sử năm 1975 và hướng tới dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác Hồ (19/5/1890-19/5/2020), chúng ta càng thêm tự hào về những đóng góp quan trọng của nền ngoại giao Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn. So sánh lực lượng quân sự giữa ta và đối phương có sự chênh lệch rất lớn. Việc thế giới phân tuyến thành hai phe và những chuyển động phức tạp trong quan hệ nước lớn, kể cả những mâu thuẫn giữa một số nước xã hội chủ nghĩa anh em đã ảnh hưởng đáng kể đến cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc nổi lên như vũ bão và sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đã góp phần quan trọng giúp ta kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Lễ ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Ngoại giao - một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược

Đóng góp lớn nhất của ngoại giao là đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng trong đường lối cách mạng. Phải đối mặt với một đối phương mạnh hơn mình nhiều lần, Đảng và Nhà nước đã xác định rõ, cần kết hợp chặt chẽ các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 13 năm 1967 đã khẳng định: “Đấu tranh ngoại giao không chỉ là đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh chiến trường mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động”. Tiếp đó, năm 1969, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết xác định rõ: “Ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược”. Quán triệt chủ trương lớn đó, ngoại giao Việt Nam đã có những cống hiến, đóng góp xứng đáng trong việc xây dựng mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, tạo nên thế trận “vừa đánh vừa đàm” chấm dứt chiến tranh bằng Hiệp định Paris năm 1973 và tiến tới chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975.

Trước hết, ngoại giao đã huy động được sự ủng hộ chính trị - ngoại giao và nguồn lực vật chất to lớn từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhất là Liên Xô và Trung Quốc. Cùng với ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm thu giang sơn về một mối, sự chi viện, giúp đỡ mọi mặt của Liên Xô và Trung Quốc đã góp phần quan trọng giúp quân và dân ta lập nên những chiến công lẫy lừng trên chiến trường, bẻ gẫy ý chí chiến tranh của đối phương. Cùng với đó, việc ta xây dựng quan hệ hữu nghị, đoàn kết chiến đấu và cùng hỗ trợ lẫn nhau với lực lượng cách mạng Lào và Campuchia đã góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng của mỗi nước. Với tinh thần “giúp Bạn là giúp mình”, chúng ta đã phối hợp và giúp Lào ký Hiệp định ngày 21/2/1973 chấm dứt chiến tranh ở Lào, lập Chính phủ liên hiệp, tiếp tục giúp đỡ các lực lượng kháng chiến Campuchia tiến lên giành thắng lợi cuối cùng năm 1975.

Thứ hai, ngoại giao đã phối hợp với quân sự vừa kiên quyết, vừa khéo léo đấu tranh làm thất bại các ý đồ của đối phương. Từ khi Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam được thành lập tháng 12/1960, các hoạt động ngoại giao của hai miền với phương châm “tuy hai mà là một, tuy một mà hai” đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Đặc biệt, ta đã mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm”, phát huy tối đa hiệu quả của những thắng lợi ở chiến trường trên bàn đàm phán. Những cuộc đấu trí cam go trên bàn đàm phán giữa các nhà chính trị, ngoại giao Việt Nam với các đối thủ sừng sỏ, lão luyện đến từ nền ngoại giao nhà nghề của siêu cường hàng đầu thế giới đã khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Sự phối hợp nhịp nhàng chặt chẽ của ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao đã buộc Mỹ phải dần xuống thang, đi vào đàm phán theo các điều kiện của ta, ký Hiệp định hòa bình Paris tháng 1/1973 và rút quân khỏi Việt Nam trong khi các lực lượng cách mạng vẫn được ở lại miền Nam. Qua đó, ta đã thực hiện đúng chủ trương mà Đảng và Bác Hồ đề ra là “đánh cho Mỹ cút” để tiến tới “đánh cho ngụy nhào”.

Thứ ba, ngoại giao đã chủ động, tích cực hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Trong bối cảnh có những rạn nứt, bất đồng nhất định trong phe xã hội chủ nghĩa, ta đã chủ động có những đóng góp thiết thực vào việc củng cố đoàn kết và hợp tác giữa các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tạo nên chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Nhờ các hoạt động ngoại giao rất chủ động, tích cực của ta, các nước Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè, anh em ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh, châu Âu đã dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực. Hàng triệu người từ những nhà lãnh đạo, chính khách như Chủ tịch Cuba Fidel Castro, Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme cho đến người dân, kể cả ở chính nước Mỹ, đã xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Sau khi ký Hiệp định Paris năm 1973, ngoại giao đã thực hiện tốt nhiệm vụ mà Bộ Chính trị giao là: “Sử dụng khôn khéo vũ khí đấu tranh ngoại giao, góp phần giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập, hòa hợp dân tộc… làm sáng tỏ chính nghĩa, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới”. Bên cạnh việc vận động quốc tế đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải thi hành nghiêm túc Hiệp định, ta tích cực vận động Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em tăng cường ủng hộ cả về tinh thần và vật chất cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta.

Thứ tư, công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược của ngoại giao đã hỗ trợ đắc lực cho mặt trận quân sự và chính trị. Ta đã đánh giá, nhận định và phán đoán đúng cục diện tình hình thế giới, lợi ích và chủ trương của đồng minh, bạn bè cũng như đối thủ, từ đó đề ra các chủ trương, bước đi phù hợp trong từng giai đoạn cách mạng, giành thắng lợi từng bước rồi tiến đến giành thắng lợi cuối cùng. Khi ta triển khai cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, cùng với các lực lượng tình báo quân sự, ngoại giao đã đánh giá đúng về những khó khăn nội bộ của chính quyền Sài Gòn và chiều hướng chính sách khu vực của Mỹ, từ đó dự báo chuẩn xác về các bước đi của Mỹ và khả năng Mỹ không thể can thiệp quân sự trở lại. Lịch sử các cuộc chiến tranh đều cho thấy, mỗi dự báo chiến lược, thông tin tình báo chuẩn xác có sức mạnh không kém những sư đoàn. Thực tế đó lại được minh chứng sinh động bằng những những đóng góp rất thầm lặng song không kém phần quan trọng của mặt trận ngoại giao.

Đặc biệt, với tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ, ngay từ những ngày khói lửa chiến tranh, chúng ta đã dự liệu các biện pháp nhằm tái thiết đất nước sau khi chiến tranh kết thúc, trong đó có việc xây dựng quan hệ hòa bình, hợp tác với các nước, kể cả Mỹ và những nước đã từng tham chiến tại Việt Nam. Bác Hồ đã từng nêu rõ: “Việt Nam sẵn sàng trải thảm đỏ cho Mỹ rút”. Với tinh thần ngoại giao hòa hiếu đó, ta đã hết sức tạo điều kiện để Mỹ có lối thoát trong danh dự, qua đó góp phần nối lại nhịp cầu hợp tác giữa nhân dân hai nước khi có điều kiện. Hiệp định hòa bình Paris đã có Điều 21 về việc Mỹ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam. Việc ta trao trả tù binh chiến tranh trong quá trình thực hiện Hiệp định, tạo điều kiện cho người Mỹ di tản những công dân và nhân viên quân sự cuối cùng khỏi Sài Gòn trong những ngày cuối cùng trước khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng thể hiện thiện chí hòa bình, nhân đạo, góp phần khôi phục quan hệ bình thường giữa hai nước sau này.

Trước khi Hiệp định Paris được ký, Bộ Ngoại giao đã lập ra Tổ Kinh tế trong Ban Hậu chiến. Hội nghị Ngoại giao lần thứ 9 (tháng 7/1970) đã nêu chủ trương “Ngoại giao cần nghiên cứu yêu cầu kinh tế của các nước, tranh thủ viện trợ quốc tế, thu thập tiến bộ khoa học - kỹ thuật ở nước ngoài, thúc đẩy quan hệ kinh tế - văn hóa và khoa học - kỹ thuật với các nước”. Tiếp đó, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 10 (tháng 1/1971) nhấn mạnh: “Rồi đây, sau khi chiến tranh kết thúc, công tác ngoại giao sẽ dần dần nặng về nội dung kinh tế”. Hoàn cảnh khách quan của khu vực, quốc tế lúc bấy giờ chưa cho phép ta thực hiện hết các chủ trương đó, song những bước đi nói trên đã khẳng định tầm nhìn xa, nhãn quan chiến lược của ngoại giao Việt Nam.

Như vậy, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sát cánh với các mặt trận quân sự và chính trị, ngoại giao đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần đưa dân tộc ta đi tới chiến thắng cuối cùng ngày 30/4/1975. Đây là thắng lợi to lớn, có tầm vóc lịch sử, thu giang sơn về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà như nguyện vọng cháy bỏng của Bác Hồ lúc sinh thời. Như có Bác Hồ trong ngày vui chiến thắng, toàn dân tộc Việt Nam khắc ghi công ơn của Người. Đối với các cán bộ đối ngoại, tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao và tầm nhìn vượt thời đại của Người sẽ tiếp tục là hành trang quý báu trong mọi chặng đường cách mạng.

Đúng như Đại hội Đảng IV năm 1976 đã nhận định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người”. Trong thắng lợi chung ấy của toàn dân tộc, những đóng góp rất xứng đáng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng việc hai lần trao tặng Huân chương Sao vàng, một lần Huân chương Hồ Chí Minh, là những huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam.

Những bài học lịch sử còn nguyên giá trị

Chiến tranh đã lùi xa ngót nửa thế kỷ, song nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, chúng ta càng nhận thức rõ tầm quan trọng của đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Trên nền tảng của truyền thống đã được hun đúc thành bản sắc qua hàng ngàn năm của dân tộc ta, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định rõ, độc lập, tự chủ về chủ trương, đường lối là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong mọi hoàn cảnh, việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp chặt chẽ các mặt trận đối ngoại - quốc phòng - an ninh là tiền đề để dân tộc ta lấy yếu thắng mạnh, lấy ít kháng nhiều. Cùng với nguyên tắc kiên định lợi ích quốc gia - dân tộc, chúng ta cũng nhận thức rõ việc ứng xử khéo léo, hài hòa với các nước lớn và xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với các nước láng giềng luôn là một phần không thể thiếu của ngoại giao Việt Nam.

Ngày nay, sự nghiệp đổi mới vào thời điểm đất nước hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng đặt ra sứ mệnh lịch sử mới cho ngoại giao Việt Nam. Hơn bao giờ hết, ngoại giao Việt Nam cần đi tiên phong trong việc kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định và thu hút các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Cùng với quốc phòng - an ninh tạo thành thế chân kiềng vững chắc, ngoại giao đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp chủ động, tích cực vào việc bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước còn chưa nguy, phục vụ thiết thực các lợi ích an ninh, phát triển, nâng cao vị thế đất nước. Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vững bước trên con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn, nền ngoại giao Việt Nam hiện đại sẽ tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, góp phần đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, đồng thời đóng góp tích cực vào sự nghiệp hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Phạm Bình Minh

Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao 

Theo chinhphu.vn

Tệp đính kèm