Thức uống quá nóng được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Trong khi đó, thực phẩm được bảo quản bằng muối lại có thể khiến rủi ro phát triển ung thư dạ dày trở nên cao hơn.
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, ngành y học thế giới đã bắt đầu có những nghiên cứu chỉ ra mối liên quan giữa chế độ ăn và nhiều loại ung thư khác nhau.
Theo thời gian, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh được cơ chế ảnh hưởng của chế độ ăn đến sức khỏe mỗi người, đương nhiên trong đó có cả rủi ro mắc bệnh ung thư. Ví dụ, ở những quốc gia có chế độ ăn nhiều thịt thì người dân thường có xu hướng mắc ung thư đại trực tràng.
Chế độ ăn nhiều rau-củ-quả giúp giảm nguy cơ mắc ung thư nói chung
Bên cạnh đó, các thử nghiệm trên động vật thời gian gần đây cũng chỉ ra rằng, rủi ro mắc ung thư có thể được thay đổi thông qua thay đổi chế độ ăn, điển hình như: Nếu giảm lượng calo hấp thu trong chế độ ăn sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư nói chung. Một vài nghiên cứu khác đã chỉ ra, tăng cường lượng trái cây và rau củ trong chế độ ăn cũng sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc nhiều loại ung thư. Thực tế cho thấy, những người ăn chay có rủi ro mắc tất cả các loại ung thư thấp hơn hẳn nhóm còn lại.
Rủi ro mắc ung thư từ tình trạng béo phì và đồ uống có cồn
Bên cạnh mặt tích cực, thì Khả năng gây ung thư của thực phẩm cũng được chỉ ra trong các nghiên cứu, điển hình là công trình của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới. Theo đó, nhóm tác giả kết luận: Béo phì và đồ uống có cồn có thể là nguyên nhân gây ung thư trên nhiều cơ quan khác nhau.
Nghiên cứu này chỉ rõ, với mỗi 5 điểm BMI (Chỉ số khối cơ thể) tăng thêm, nguy cơ mắc ung thư cũng sẽ chuyển biến theo tỉ lệ thuận, ví dụ: khi BMI tăng từ 25 lên 30, nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng tăng 5%, thậm chí mức tăng còn lên đến 50% với ung thư màng dạ con. Béo phì cũng làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư vùng hầu họng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đường tiêu hóa, ung thư buồng trứng, ung thư vú...
Đối với rượu bia, với mỗi 10g (1 đơn vị) tăng thêm trong 1 ngày, nguy cơ ung thư sẽ tăng từ 4% (ung thư gan) đến 25% (ung thư thực quản).
Rủi ro từ chính những loại thực phẩm quen thuộc
Cũng theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới, các loại thịt chế biến sẵn là 1 trong những yếu tố nguy cơ rất đáng lưu tâm, đặc biệt là đối với ung thư đại trực tràng, khi mà chỉ cần ăn thêm 50g thịt chế biến sẵn mỗi ngày cũng khiến xác suất mắc căn bệnh này tăng thêm 16%.
Các loại thức uống quá nóng được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Trong khi đó, thực phẩm được bảo quản bằng muối lại có thể khiến rủi ro phát triển ung thư dạ dày trở nên cao hơn.
Những thực phẩm là “khắc tinh” của ung thư
Nhiều loại thực phẩm đã được chứng minh về những đặc tính chống ung thư. Một số phát huy tác dụng trước khi ung thư bắt đầu, một số khác có thể giúp bạn chống lại ung thư khi nó đã hình thành. Để phòng, chống ung thư, có thể tăng cường những loại thực phẩm sau trong chế độ ăn hàng ngày của bản thân và gia đình:
- Các loại rau họ cải
- Cà rốt
- Đậu đỗ
- Quả mọng
- Một số loại gia vị như tỏi, quế, nghệ
- Cà chua
Theo Minh Nhật/dantri.com.vn