Cập nhật: 24/05/2020 15:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Báo Politico (Mỹ) nhận định Việt Nam là nước ứng phó tốt nhất với đại dịch Covid-19 dựa trên các tiêu chí đánh giá cùng với các quốc gia khác trên thế giới.

Khẩu hiệu tuyên truyền chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. (Ảnh: Reuters)

Gần như mọi quốc gia trên thế giới đều đang vật lộn để mở cửa trở lại nền kinh tế một cách an toàn, trong khi vẫn tiếp tục chiến đấu với dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số nước đang làm tốt hơn những nước khác, theo Politico.

Đại dịch Covid-19 đã lan rộng ra nhiều quốc gia ở những thời điểm khác nhau và mỗi nước có cách ứng phó khác nhau tùy thuộc vào hệ thống chính trị, y tế cũng như nền kinh tế. Mặc dù có một số điểm sáng, nhưng gần như tất cả các nước đều có bức tranh tổng quan phức tạp.

Bảng đánh giá của Politico dựa trên việc thống kê về tình trạng lây nhiễm, số ca tử vong, tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỷ lệ thất nghiệp và các biện pháp chống dịch của chính phủ từng nước.

Trong số 30 quốc gia được xếp hạng, Politico đánh giá Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về chống dịch thành công.

“Việt Nam là nước đông dân nhưng không có ca tử vong nào, với khoảng 300 ca nhiễm được ghi nhận trong tổng số 95 triệu dân. Nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng 2,7% trong năm 2020, đưa Việt Nam trở thành nước ứng phó thành công nhất với Covid-19 trên toàn cầu”, Politico nhận định.

Trong khi đó, Đức có các chỉ số thường xuyên thay đổi nhưng kết quả chung tương đối xấu. Nền kinh tế Đức đang đi xuống cùng tốc độ với các nước láng giềng, nhưng tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Đức thấp đáng kể so với các nước khác, nhờ xét nghiệm quy mô lớn và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt.

Một số quốc gia tiến hành xét nghiệm rộng rãi như Iceland và thống kê tất cả các ca tử vong nghi liên quan tới Covid-19 như Bỉ. New Zealand và Thụy Sĩ có cách tiếp cận trái ngược nhau để hạn chế hoạt động di chuyển của người dân và dẫn đến những kết quả khác nhau về y tế, dù vậy tình trạng suy thoái kinh tế của hai nước này gần như tương đồng nhau.

Nhiều quốc gia có chỉ số GDP tương đương nhưng có sự khác biệt rất lớn về tỷ lệ thất nghiệp như Mỹ, Anh và Nhật Bản. Ấn Độ cố gắng để hệ thống y tế vốn yếu kém của nước này không rơi vào tình trạng quá tải bằng cách triển khai lệnh phong tỏa quy mô lớn nhất thế giới, nhưng dẫn đến việc nền kinh tế Ấn Độ giảm tới 45% trong quý này.

Trong khi đó, Đài Loan gần như đã làm tất cả mọi cách để ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19, nhưng không thể thoát khỏi thực tế rằng nền kinh tế hòn đảo này cũng bị ảnh hưởng.

CNN dẫn thống kê của Đại học Johns Hopkins cho biết tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất 340.000 người đã tử vong vì Covid-19, trong khi số ca nhiễm lên tới hơn 5,2 triệu người trên toàn thế giới. Mỹ hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với 98.683 ca tử vong và hơn 1,66 triệu ca nhiễm.

 

Bảng xếp hạng về ứng phó dịch Covid-19 của Politico. (Ảnh: Politico)

Bảng xếp hạng của Politico đã chia 30 quốc gia thành 3 nhóm màu, trong đó các nước có viền màu tím áp dụng các biện pháp hạn chế ở mức nghiêm ngặt, các nước có viền màu vàng áp dụng các biện pháp hạn chế ở mức vừa phải, còn các nước có viền màu xanh áp dụng các biện pháp hạn chế ở mức nhẹ.

Nhóm các nước áp dụng biện pháp nghiêm ngặt

Các quốc gia trong nhóm này duy trì việc áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, cấm người dân ra khỏi nhà ngoại trừ hoạt động di chuyển thiết yếu. Các nước này có thể yêu cầu người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang và có giấy phép khi ra ngoài.

Hầu hết các hoạt động thương mại đều phải đóng cửa gồm quán bar, nhà hàng, trường học, doanh nghiệp, ngoại trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm và nhà thuốc. Toàn bộ hoạt động thể thao, tôn giáo và các hoạt động tập trung đông người đều bị cấm. Chỉ những người làm các công việc thiết yếu mới được phép ra khỏi nhà, và mọi hoạt động xuất nhập cảnh đều bị hạn chế.

Nhóm các nước áp dụng biện pháp vừa phải

Tại các quốc gia thuộc nhóm này, người dân được phép rời khỏi nhà, tuy nhiên họ phải tuân thủ theo các hướng dẫn về giãn cách xã hội và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét so với người xung quanh.

Các hoạt động tụ tập ít người và duy trì giãn cách xã hội vẫn được phép diễn ra. Một số cơ sở thương mại vẫn có thể hoạt động nhưng trong điều kiện hạn chế. Các trường học gần như đóng cửa hoặc mở cửa theo ca. Người lao động được khuyến khích làm việc tại nhà. Việc đeo khẩu trang được khuyến khích, nhưng không bắt buộc.

Nhóm các nước áp dụng biện pháp nhẹ

Các quốc gia thuộc nhóm này, bao gồm Việt Nam, cho phép hầu hết các doanh nghiệp, văn phòng và trường học được mở cửa, một số nơi chỉ giảm công suất làm việc. Tuy nhiên, các sự kiện lớn bị hạn chế.

 

 

Theo Thành Đạt/dantri.com.vn

Tệp đính kèm