Trung Quốc đang đẩy nhanh kế hoạch xây dựng 700 phòng thí nghiệm nhà nước cho tới cuối năm nay nhằm tự chủ về công nghệ, trong bối cảnh nước này đối mặt cuộc chiến công nghệ với Mỹ.
Một sơ sở thí nghiệm ở Hợp Phì, tỉnh An Huy (Ảnh: AFP)
Theo Nhật báo Thông tin Kinh tế, Bắc Kinh đang tăng tốc nỗ lực xây 700 phòng thí nghiệm nhà nước chủ chốt vào cuối năm nay nhằm mục đích thực hiện các nghiên cứu cơ bản.
Tuần trước, 2 phòng thí nghiệm chủ chốt về y học cổ truyền và dầu gỗ đã được Trung Quốc cấp phép. Hai tháng trước, một phòng thí nghiệm về kỹ thuật vận tải và một phòng khác về y học siêu âm cũng đã được Bắc Kinh bật đèn xanh.
Các phòng thí nghiệm cấp nhà nước chủ chốt của Trung Quốc thường nhận sự hỗ trợ từ chính phủ, trường đại học hoặc các tập đoàn và “sẽ tập trung vào công nghệ tiên tiến nhất thế giới và sự phát triển dài hạn của quốc gia”, theo tài liệu công bố năm 2018 của Bộ Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc.
Tính tới hết năm 2018, Trung Quốc có 501 phòng thí nghiệm cấp nhà nước.
Trung Quốc hiện đang đối diện với cuộc thương chiến, cạnh tranh kỹ thuật với Mỹ và sự phân mảnh dự kiến của chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch Covid-19. Điều này buộc Bắc Kinh phải nỗ lực trong việc trở nên tự túc trong tương lai.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái nhấn mạnh sự cần thiết của sự tự lực và đổi mới, kêu gọi cả nước chuẩn bị chống lại những thách thức dài hạn từ phía Mỹ.
“Đổi mới công nghệ là nguồn sống của các doanh nghiệp. Chỉ khi chúng ta sở hữu tài sản sở hữu trí tuệ của chính chúng ta và các công nghệ cốt lõi, chúng ta mới có thể sản xuất sản phẩm với tính cạnh tranh cốt lõi và chúng ta sẽ không bị đánh bại trong những cuộc đối đầu căng thẳng”, ông Tập nói.
Mặt khác, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước đã trừng phạt thêm một số công ty và tổ chức Trung Quốc, bao gồm Viện Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân (HIT) - nơi vận hành 7 phòng thí nghiệm nhà nước chủ chốt, trong đó có một phòng về công nghệ robot. HIT bị đưa vào "danh sách đen" của Mỹ, đồng nghĩ với việc họ sẽ không được phép tiếp cận công nghệ Mỹ khi chưa có sự chấp thuận của chính quyền Washington.
Tập đoàn Huawei cũng bị Mỹ đưa vào danh sách này vào năm ngoái và Huawei cũng đã tự vận hành phòng thí nghiệm riêng về công nghệ kết nối không dây.
Theo Đức Hoàng/dantri.com.vn